Từ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đến năng lực cạnh tranh quốc gia
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được nghiên cứu và công bố ở Việt Nam tính đến thời điểm này đã tròn 10 năm (từ năm 2005). Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, đến nay, PCI đã được thừa nhận như là một trong những căn cứ đáng tin cậy để các nhà hoạch định cần tham khảo trong cải cách hành chính và các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành yêu cầu cần thiết hơn lúc nào hết. PCI được xem là một trong những công cụ hữu hiệu cho doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu. Theo đó, PCI mong muốn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, đảm bảo các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn những thách thức mà các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong nước hay các nhà đầu tư nước ngoài đang phải đối mặt, từ đó, đề xuất các giải pháp hiệu quả. Và trên hết, PCI đang từng bước trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành nền kinh tế. Những chỉ số đó đã và đang góp phần chỉ ra lĩnh vực cải cách nào là cần thiết và cách thức cải thiện chất lượng điều hành.
Thành phố Đà Nẵng – địa phương 5 lần đầu bảng PCI trong 10 lần công bố |
PCI và thương hiệu địa phương
PCI 2014 ghi nhận Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng và cũng đánh dấu địa phương này 5 lần giành vị trí đầu bảng trong 10 năm qua. Báo cáo PCI 2014 khẳng định, Đà Nẵng là điểm đến đặc biệt cho doanh nghiệp FDI thể hiện ở chỗ: Mức độ minh bạch và khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch tại Đà Nẵng cao đáng kể. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, 76% doanh nghiệp cho biết, Đà Nẵng linh hoạt giải quyết trong khuôn khổ pháp luật, trong khi trung bình chung trên toàn quốc chỉ là 48%. Đà Nẵng cũng là tỉnh duy nhất mà các nhà đầu tư không thấy chất lượng cơ sở hạ tầng năm 2014 suy giảm so với năm 2013. Đà Nẵng cũng là tỉnh duy nhất có chưa tới 2 cuộc thanh, kiểm tra doanh nghiệp FDI/năm và cũng là nơi dễ dàng nhất để được cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài (chưa tới 15 ngày để nhận giấy phép).
Hai vị trí tiếp theo là Đồng Tháp và Lào Cai, vốn là những gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu của bảng xếp hạng hàng năm. Tinh thần coi doanh nghiệp là bạn đồng hành trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đã được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là khi Đồng Tháp chú trọng giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cải cách hành chính thực hiện tốt theo cơ chế “một cửa”, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nhà đầu tư theo phương châm “Tiềm năng của chúng tôi – cơ hội của bạn”. Lào Cai năm nay cũng đã trở lại ấn tượng, cải thiện 14 bậc, lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2014. Bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp; duy trì các buổi gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực liên quan như: Thuế, hải quan, ngân hàng, tài nguyên và môi trường…, Lào Cai cũng là tỉnh có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DCI). Đây có thể coi là động lực mới để chính quyền các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đổi mới, năng động, sáng tạo trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội, từ đó, góp phần vào thành công chung của tỉnh.
Năm 2014 cũng là lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, TP. Hồ Chí Minh bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. TP. Hồ Chí Minh vốn luôn là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã liên tục có nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính, nhất là trong việc xử lý thủ tục hành chính thông thoáng. Bên cạnh đó, việc tăng cường đối thoại chính quyền – doanh nghiệp nhằm giải quyết khó khăn cho cộng đồng kinh doanh tại thành phố đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư. Đây được coi là những hoạt động cải cách rất đáng khích lệ, đặc biệt là khi TP.Hồ Chí Minh có quy mô thị trường và sự đa dạng doanh nghiệp lớn nhất cả nước.
Tiếp theo là Quảng Ninh. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành. Việc thành lập Trung tâm Hành chính công hoạt động theo nguyên tắc thẩm định và phê duyệt tại chỗ không chỉ góp phần vào tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan hành chính trước đây mà còn phát huy tác dụng quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình cơ quan chuyên trách về xúc tiến hỗ trợ đầu tư (Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư) trực thuộc UBND tỉnh cũng đang hoạt động hiệu quả, khi chủ động tiếp cận và chăm sóc các nhà đầu tư một cách chu đáo trong quá trình đầu tư cũng như triển khai dự án.
Trong nhóm 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2014 còn có các tỉnh: Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh. Vĩnh Phúc từng luôn nằm trong TOP 10 trong các năm 2006-2009, sau những sụt giảm trong các năm 2010-2012, đã có sự thăng hạng ấn tượng trong 2 năm gần đây. Trong các năm 2008 và 2011, Long An từng có mặt trong nhóm 10 tỉnh. thành có chất lượng điều hành tốt nhất. Lần đầu tiên đã xuất hiện trong TOP 10 bảng xếp hạng PCI của cả nước năm 2014, Thái Nguyên là một trường hợp đặc biệt với những chuyển mình thực sự, không chỉ trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn cả trong việc kiên trì thực hiện nguyên tắc phát triển “Ba thân thiện” của địa phương: Thân thiện môi trường – Thân thiện doanh nghiệp – Thân thiện người dân. Bắc Ninh cũng đã trở lại nhóm 10 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất vào năm 2014, với những dấu ấn rõ ràng của việc thực hiện Quy định chế độ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong việc hỗ trợ và giải quyết kiến nghị của tổ chức kinh tế trên địa bàn mà tỉnh đã ban hành từ đầu năm 2013.
PCI và cạnh tranh quốc gia
Từ khi ra đời (năm 2005 đến nay), PCI đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương thông qua cải cách thể chế và điều hành kinh tế. Những cải cách này ít nhiều đã góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia theo các thước đo quốc tế. PCI qua từng năm đã chỉ rõ những điểm mạnh, điểm yếu về thể chế kinh doanh ở Việt Nam so với các nền kinh tế trong khu vực và các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.
Điều tra năm 2014 được thực hiện đối với 1.491 doanh nghiệp FDI tới từ 43 nền kinh tế, trong đó 92% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Mức độ lạc quan gia tăng trong các công ty nước ngoài tại Việt Nam thể hiện ở: Vốn đầu tư tăng, doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng tin tưởng hơn vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam bởi “nhiệt kế” lòng tin đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Đây là kết quả ấn tượng của cuộc khảo sát.
Cũng theo khảo sát, Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư bởi so với các quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Lào, Philippin thì mức thuế tại Việt Nam thấp hơn các nước; rủi ro thu hồi tài sản thấp hơn; bất ổn chính sách thấp hơn và tác động chính sách nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong cải cách môi trường kinh doanh, vấn đề xây dựng được văn hoá ứng xử, văn hoá đồng hành cùng doanh nghiệp của toàn bộ bộ máy chính quyền mới là quan trọng. Từ nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương, chúng ta tiến tới củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh của cả quốc gia.
Có thể thấy, năng lực cạnh tranh quốc gia là một quan tâm lớn của Chính phủ trong năm 2014. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong năm 2015, năng lực cạnh tranh quốc gia càng được chú trọng hơn nữa khi đây cũng là thời điểm cả nước đang tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới) và năng lực cạnh tranh quốc gia (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới).
Cụ thể, theo Nghị quyết điều hành kinh tế của Chính phủ ngay từ đầu năm 2015, trong năm 2015 – 2016, nước ta sẽ tập trung cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ; giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước; cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Điều này cho thấy, hơn lúc nào hết, Chính phủ luôn phải chủ động có những hành động quyết liệt tham gia cuộc chạy đua nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, nâng cao điểm số và sức cạnh tranh của Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục các điểm yếu, trong đó, cần lưu ý tới chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của hạ tầng..
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()