Chủ nhật, 24/11/2024 04:57 [(GMT +7)]
Từ năm học 2010-2011, có thêm ngành đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng- an ninh
Thứ 6, 16/04/2010 | 10:42:00 [(GMT +7)] A A
Đề án “Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng- an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010-2016” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt . Theo đó, đến năm 2016 sẽ có đủ số lượng giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý về giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQPAN) cho các trường nói trên.
Mở mã ngành đào tạo về GDQPAN
Theo Đề án, Thủ tướng cho phép xây dựng chương trình, mở mã ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học ngành GDQPAN, loại hình đào tạo chính quy. Thời gian đào tạo tập trung 4 năm đối với những đối tượng tuyển sinh có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương; đào tạo văn bằng 2, thời gian 2 năm tập trung đối với đối tượng tuyển sinh là những người đã có bằng tốt nghiệp đại học các ngành khác; đào tạo văn bằng 2, thời gian 18 tháng tập trung với đối tượng tuyển sinh là giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, đã tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có chứng chỉ đào tạo GDQPAN do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có thẩm quyền cấp.
Công tác triển khai tuyển sinh đào tạo được thực hiện từ năm học 2010-2011. Văn bằng tốt nghiệp được cấp là cử nhân GDQPAN.
8 cơ sở được tổ chức đào tạo giáo viên GDQPAN
Đề án quy định rõ 8 cơ sở được mở mã ngành và tổ chức đào tạo giáo viên GDQPAN gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Vinh; Học viện Chính trị; Trường Sĩ quan Chính trị; Trường Sĩ quan Lục quân I; Trường Sĩ quan Lục quân II.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn việc tuyển sinh hàng năm và phương thức phối hợp tổ chức đào tạo giữa các cơ sở được giao nhiệm vụ nói trên. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hằng năm cho các cơ sở đào tạo trên căn cứ vào điều kiện bảo đảm chất lượng của từng trường, sao cho đến năm 2016, có khoảng 9.760 người tốt nghiệp, cung cấp giáo viên cho các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề.
Chính sách đối với sinh viên
Trong khóa học, sinh viên có thể được học tập ở những cơ sở khác nhau gắn với chương trình phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường. Thời gian học tập tại cơ sở nào thì sinh viên được hưởng các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp tại cơ sở đó: thời gian đào tạo tại các trường sư phạm, sinh viên được hưởng các chế độ, chính sách đối với sinh viên ngành sư phạm; thời gian đào tạo tại các trường thuộc Bộ Quốc phòng, sinh viên được hưởng các chế độ, chính sách đối với sinh viên, học viên trong quân đội.
Sinh viên tốt nghiệp ngành giáo dục quốc phòng an ninh được xét phong quân hàm sĩ quan dự bị, nếu đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và quy định của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội Nhân dân Việt Nam; được ưu tiên tuyển dụng làm giáo viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề.
Gần 700 tỷ đồng cho đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng-an ninh
Dự tính tổng kinh phí thực hiện Đề án đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng an ninh khoảng gần 700 tỷ đồng (690,960 tỷ đồng), được tính trong ngân sách chi giáo dục- đào tạo và phân bổ hàng năm cho cơ sở được giao đào tạo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Sau năm 2016, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, sẽ tiếp tục đưa việc đào tạo giáo viên GDQPAN trình độ đại học thành nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, đáp ứng nhu cầu đào tạo bổ sung và bồi dưỡng giáo viên GDQPAN cho các trường trong cả nước.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()