Từ năm 1970, động vật hoang dã giảm 60%
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức phi chính phủ Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) với tựa đề “Living Planet”, số lượng động vật hoang dã trên Trái đất đã giảm 60% kể từ năm 1970. |
Không chỉ nhấn mạnh sự leo thang của tình trạng tuyệt chủng động vật hoang dã đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, báo cáo còn tái khẳng định tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với sự tồn vong của nhân loại. Đó là lý do vì sao cộng đồng quốc tế cần có những hành động cụ thể tại Hội nghị toàn cầu về đa dạng sinh học 2020 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Thế giới động vật đang biến mất dần khỏi Trái đất với tốc độ đáng kinh ngạc. Các số liệu từ báo cáo Living Planet 2018 của WWF mới công bố ngày 30-10 cho thấy, từ năm 1970 đến năm 2014, các quần thể động vật có xương sống đã giảm 60% trên toàn cầu. Tổ chức này đã đưa ra kết luận nêu trên dựa vào các cơ sở dữ liệu khoa học của Hiệp hội Động vật học London, nghiên cứu hơn 16.704 quần thể thuộc 4.005 loài động vật có xương sống: cá, chim, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát. Cách đây bốn năm, một bản báo cáo tương tự được thống kê cho đến cuối năm 2010 đã chỉ ra, sự suy giảm số lượng quần thể động vật hoang dã là 52%. Tốc độ biến mất của các loài này cao hơn 100, thậm chí 1.000 lần so tính toán của các nhà khoa học. “Hủy diệt sinh học” Theo nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ và Mexico công bố tháng 7-2017 trong cuốn kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, một “sự hủy diệt sinh học” đang diễn ra. Toàn thế giới đang đối mặt với lần tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu trong lịch sử, kể từ 66 triệu năm trở lại đây. Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Pháp ước tính 7% các loài đã biến mất. Tuy nhiên, sự biến mất của nhiều quần thể động vật hoang dã diễn ra không đồng đều giữa các khu vực. Cụ thể, vùng nhiệt đới, Nam Mỹ và Trung Mỹ ghi nhận sự suy giảm lên tới 89% các cá thể, trong khi đó tại Nam Mỹ, nơi hội đủ các điều kiện tự nhiên để sinh trưởng một nền đa dạng sinh học, cũng bắt đầu suy giảm tới 23% kể từ năm 1970. Ngoài ra, số lượng động vật hoang dã tại châu Âu, Bắc Phi và Bắc Á đã giảm 31%. 2020, cơ hội cuối cùng? Theo WWF, “sự sống của nhân loại phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái tự nhiên”. Cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể đạt được cú “lội ngược dòng” với những hành động phù hợp và nhanh chóng. Đó là lý do Hội nghị toàn cầu về đa dạng sinh học 2020 sẽ được diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Đây cũng là thời điểm để đánh giá tính hiệu quả của Kế hoạch chiến lược 2011-2020 về đa dạng sinh học. Do đó, các nhà lãnh đạo thế giới tới dự hội nghị này sẽ phải hướng tới “Thỏa thuận mới về thiên nhiên”, với mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học từ nay cho tới năm 2030. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()