Tù mù chuẩn nghề giúp việc gia đình
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp việc gia đình đang trở thành nghề phổ biến, cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tại Kỳ họp thứ ba QH khóa XIII đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi 2012, trong đó công nhận lao động giúp việc là một nghề.
Do vậy, đòi hỏi lao động giúp việc cần phải có tính nghề nghiệp, đào tạo bài bản và được điều chỉnh bởi thị trường lao động.
Bình đẳng như mọi nghề Tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng lao động giúp việc gia đình tạo điều kiện cho lực lượng lao động chính, chất lượng cao, phát huy khả năng, trí sáng tạo trong lao động sản xuất, phát triển xã hội. Lao động giúp việc gia đình có đóng góp quan trọng trong giải phóng phụ nữ làm việc ngoài xã hội khỏi gánh nặng công việc gia đình. Mặt khác, giúp việc gia đình mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều lao động nông thôn có trình độ học vấn thấp, không nghề nghiệp ổn định.
Bà Ngô Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho biết: “Hiện nay, bình quân lương một giúp việc khoảng 2,8 đến ba triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập bình quân của người dân sống tại khu vực nông thôn của Hà Nội cũng chỉ khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Bởi vậy không có lý do gì để biện minh cho quan niệm người giúp việc chỉ là lao động giản đơn, không cần qua đào tạo. Trong khi một cử nhân miệt mài bốn, năm năm trên giảng đường khi ra trường cũng chỉ nhận được mức lương khởi điểm là 1.950 nghìn đồng/tháng”. Hiện nay, mức lương của lao động giúp việc gia đình đang được thả nổi theo nhu cầu của thị trường lao động. Nhu cầu của người sử dụng càng cao thì mức lương trả cho người giúp việc càng có xu hướng tăng. Vào thời điểm giáp Tết, dao động từ bốn đến năm triệu đồng/tháng.
Do hầu hết lao động giúp việc từ nông thôn lên thành phố, thiếu trình độ, chuyên môn, tính chuyên nghiệp và những kỹ năng cơ bản về công việc giúp việc gia đình còn nhiều hạn chế: chăm sóc em nhỏ, người già, nội trợ, sử dụng các thiết bị gia dụng, chủ yếu làm theo kinh nghiệm cá nhân và hướng dẫn của chủ nhà.
Việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho giúp việc gia đình trong nước vẫn còn bỏ ngỏ.
Các trung tâm đào tạo về nghề giúp việc gia đình chưa đủ khả năng, không có phương tiện, dụng cụ thực hành để đào tạo lao động giúp việc. Trên thực tế, các trung tâm này chỉ làm công việc đơn thuần tìm người giới thiệu cho các gia đình, không kiêm việc đào tạo. Bên cạnh đó, bản thân người đi giúp việc hiểu đơn giản, việc giúp việc gia đình cũng giản đơn như công việc họ vẫn làm thường ngày. Quét nhà, nấu cơm, chăm em bé thì việc gì phải mất thời gian, tốn tiền học phí. Chính sự kém hiểu biết, thiếu kỹ năng nghề nghiệp khiến người giúp việc gây ra nhiều phiền toái cho gia chủ.
Nghiên cứu để đưa lao động giúp việc vào danh mục nghề quốc gia Chị Lê Kim Hồng (Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Tôi sẵn sàng trả lương cao hơn 200-300 nghìn đồng/tháng cho người giúp việc đã qua đào tạo bài bản, còn hơn thuê một người không sử dụng thành thạo dẫn đến hỏng hóc đồ dùng sinh hoạt, không biết cách pha sữa hay thay bỉm cho trẻ nhỏ. Chưa kể tới việc phải mất thời gian đào tạo, thành thạo việc một chút, nơi nào hứa hẹn trả lương cao hơn, họ đỏng đảnh, sẵn sàng nhảy việc, đòi tăng lương vô lối, nghỉ không báo trước… khiến tôi nhiều phen dở khóc, dở cười.
Do môi trường làm việc thường khép kín trong nhà riêng của chủ sử dụng lao động, nên người giúp việc thường có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục, không được gia chủ thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu về công việc, thời gian, tiền lương. Từ góc độ của người giúp việc, chị Nguyễn Thị Tam, quê Thái Bình có thâm niên làm nghề giúp việc gia đình bảy năm, đã làm cho năm gia đình bày tỏ: “Có những gia đình thoải mái trong ứng xử, coi chúng tôi như người trong gia đình, nhưng cũng có nhiều người coi thường chúng tôi là kẻ ở, đi làm thuê, động chút không vừa lòng là quát tháo, mắng mỏ. Bản thân chúng tôi cũng muốn gắn bó nhưng nhu cầu của các gia đình không giống nhau. Hơn nữa, có cung thì có cầu, chúng tôi bỏ sức lao động ra, ai trả công cao thì chúng tôi làm theo thỏa thuận. Chính việc “tù mù” trong quan hệ giữa hai bên bởi những thỏa thuận miệng là nguyên nhân nảy sinh những rắc rối”. Chính vì không có hợp đồng lao động nên người giúp việc không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hợp đồng giữa chủ nhà và người giúp việc thường là hợp đồng miệng, do vậy khi có tranh chấp xảy ra, rất khó xử lý.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mới chỉ có 2,8% số người được đào tạo về giúp việc gia đình, phần lớn là đi xuất khẩu lao động. Quả là con số quá ít ỏi, khi lao động giúp việc đã được coi là một nghề chính thức. Do vậy, ông Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu gia đình và giới đề nghị: “Giúp việc gia đình cần được đưa vào danh mục nghề quốc gia thì mới có thể rà soát số lượng lao động giúp việc, xây dựng chương trình đào tạo cụ thể, nâng cao chất lượng lao động giúp việc. Đồng thời, giúp lao động giúp việc gia đình được pháp luật bảo vệ, các cơ quan quản lý nhà nước thuận tiện hơn trong quản lý người lao động. Các chương trình đào tạo, tập huấn phải đa dạng, bài bản. Điều này không chỉ thay đổi nhận thức của xã hội về công việc này mà cả những người làm nghề giúp việc cũng sẽ thay đổi quan điểm: Đi học để làm nghề ổn định, chuyên nghiệp và hưởng lợi chính đáng từ công việc.
Việc đào tạo nghề giúp việc gia đình nên do các Trung tâm dạy nghề, cơ sở giới thiệu việc làm thực hiện”.
Được biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động người giúp việc gia đình để trình Thủ tướng phê duyệt. Hy vọng, việc sớm đưa danh mục lao động giúp việc gia đình vào danh mục nghề quốc gia, sẽ khiến cho người lao động giúp việc được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo pháp luật như được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ hành nghề, tránh những kỳ thị, phân biệt từ xã hội.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()