Từ mối lo đến giải pháp cho người trồng
LSO-Cây lê là một trong những cây ăn quả truyền thống và hiện đang dần trở thành cây ăn quả thế mạnh của huyện Tràng Định. Thế nhưng do trình độ kỹ thuật hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ đã dẫn đến năng suất, chất lượng lê kém ổn định. Mất mùa vụ lê năm 2014 này lại khiến cho người trồng lê càng thêm lo.
Anh Triệu Văn Trình, thôn Khau Slâm (Đội Cấn) bên vườn lê mất mùa của gia đình |
Không ai nhớ là cây lê xuất hiện ở xã Đội Cấn, huyện Tràng Định từ bao giờ, nhưng vào khoảng năm 1970, cây lê được trồng nhiều hơn ở trong vườn nhà của người dân. Gia đình anh Triệu Văn Trình, thôn Khau Slâm (Đội Cấn) cũng có lê từ thời điểm đó. Anh Trình cho biết: từ thời ông cha đã thấy có cây lê nhưng chủ yếu lấy quả để ăn. Thấy lê sai quả, vị ngọt mát và được nhiều người rất thích, năm 2000, anh cũng bắt đầu mang lê ra chợ bán. Lê bán rất nhanh, giá lại cao hơn hẳn mấy loại quả khác ở chợ như hồng, quýt, mận. Thấy hiệu quả kinh tế, gia đình anh liền nghĩ ngay đến việc tăng số lượng cây bằng cách chiết, ghép cành. Cho đến nay, vườn lê nhà anh đã có 7 gốc, mỗi gốc chừng 3-4 cành ghép lại. Vụ lê năm 2013, với 7 gốc lê mà cho năng suất tới gần 1,5 tấn quả. Lê hái bán rải rác, lúc đắt cũng được 18.000 đồng/kg, lúc rẻ cũng bán được 7.000-8.000 đồng/kg. Thu nhập từ lê cũng đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống của gia đình. Thế nhưng vụ lê năm 2014 này, cũng vẫn 7 gốc lê đấy nhưng chỉ cho vẻn vẹn có 3 quả. Mất đi một khoản thu nhập đáng kể như vậy nhưng điều anh Trình trăn trở hơn là chẳng biết tại sao lại mất mùa, và từ khi trồng lê đến giờ, hiện tượng này cũng diễn ra không ít.
Không chỉ nhà anh Trình mà ở hầu hết các hộ trồng lê ở Đội Cấn năm nay đều mất mùa. Ông Vi Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nay là một trong những năm mà Đội Cấn có diện tích lê mất mùa lớn nhất. Có những hộ trồng đến cả trăm cây như gia đình ông Hoàng Văn Khi, thôn Khau Slâm cũng cho thu hoạch chẳng đáng bao nhiêu, không đủ cho mấy đứa trẻ con trong nhà ăn hay như bản thân gia đình ông Nghiệp cũng có hơn chục cây nhưng chỉ có được chưa đầy 20 quả. Nếu như năm 2013, tổng sản lượng lê của cả xã còn được khoảng gần 30 tấn thì năm nay, hầu như không được bao nhiêu. Lý giải về nguyên nhân mất mùa lê năm nay, ông Nghiệp cho rằng do diễn biến phức tạp của thời tiết như mưa kéo dài, tố lốc đã hạn chế đậu quả cũng như khi quả to bằng ngón tay thì bị rụng hết gây thiệt hại kinh tế không nhỏ đối với người trồng lê.
Ngoài Đội Cấn, 2 xã khác cũng có diện tích trồng lê nhiều đó là Tri Phương và Quốc Khánh cũng rơi vào tình trạng mất mùa. Tuy nhiên, mất mùa không chỉ do thời tiết mà còn có một số nguyên nhân khác nữa. Ông Nông Văn Thoại, Trưởng phòng Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn huyện Tràng Định cho biết: yếu tố thời tiết cũng tác động không nhỏ đến năng suất, chất lượng của cây lê nhưng không phải lúc nào mất mùa cũng là do thời tiết. Qua theo dõi nhiều năm, thường thì cứ 1-2 vụ lê được mùa thì vụ sau lại mất mùa, chưa hình thành “chu kỳ” nhưng việc mất mùa lê vẫn diễn ra khiến cho nhiều hộ trồng lê không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do cách chăm sóc của người dân. Phần lớn diện tích lê vẫn được trồng phân tán, nhỏ lẻ mỗi hộ vài ba cây. Việc chăm sóc, bảo vệ còn chưa được chú trọng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc nhân giống, chăm sóc còn hạn chế nên thường bị động trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Xác định cây lê là một trong những loại cây ăn quả mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân nên việc tìm cách khắc phục những khó khăn, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả cây lê đã được Tràng Định triển khai. Cụ thể, huyện đã xây dựng và thực hiện đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2011-2015, trong đó có cây lê. Theo đó, phòng chuyên môn đã phối hợp với Viện Rau-quả trung ương và các xã vùng phát triển cây lê để hỗ trợ gieo tạo cây giống. Trong 2 năm 2014-2015 sẽ cung cấp được 12.000 cây giống (tương đương 30ha). Đồng thời huyện sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tìm thị trường ổn định để người dân yên tâm phát triển cây lê, từng bước đưa cây lê trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của huyện.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()