Từ lớp học đến thực tiễn cuộc sống
Dự án nghiên cứu của nhóm học sinh Trường THPT Việt Bắc đạt giải cao trong cuộc thi cấp tỉnh năm 2016 |
Từ ý tưởng đến sản phẩm
Hằng ngày chứng kiến cha mẹ, ông bà lên nương tỷ mẩn thụ phấn cho từng bông hoa của cây na; cả một rừng na như thế, làm đến bao giờ mới xong và có khi còn bị “nhỡ thì” hiệu quả sẽ thấp, năng suất sẽ không cao, em Nguyễn Ánh Đông học sinh Trường THCS xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng nghĩ tại sao không có một cái máy để làm nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nghĩ và làm, được sự giúp đỡ của thầy giáo, em đã mày mò trong nhiều tháng và đã thành công. Sản phẩm này được trao giải nhất cấp tỉnh trong hội thi nghiên cứu KHKT năm 2016.
Dự án “Xây dựng bộ dữ liệu địa lý, lịch sử, văn hóa nhằm giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho học sinh THPT ở Lạng Sơn” của 2 em Nguyễn Thùy Linh và Lê Ngọc Hà, lớp 11E, Trường THPT Chu Văn An xuất phát từ thực tế công tác giáo dục ý thức bảo vệ lãnh thổ chủ quyền cho học sinh THPT còn tản mạn, thiếu chuyên sâu, đòi hỏi phải được tích hợp lại cho phù hợp với học sinh cấp trung học. Rồi chiếc máy thu hoạch hồi của nhóm nghiên cứu Hoàng Việt Bách – Lương Gia Khánh (Trường THPT Chu Văn An); dự án nghiên cứu “Lẩu then” của học sinh Trường THPT Bình Độ, các đề án xử lý rác thải nông thôn, trồng rau sạch trên đất hẹp, thuốc trừ sâu bằng lá cây rừng…đều xuất phát từ những vấn đề cấp bách trong cuộc sống đòi hỏi phải có sự vào cuộc của KHKT.
Với phương châm “Học đi đôi với hành”, hướng học sinh dùng kiến thức trong nhà trường để giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, trong 3 năm qua, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã sớm có sự chỉ đạo về công tác nghiên cứu KHKT, tổ chức cuộc thi từ cấp trường, cấp phòng GD&ĐT đến cấp tỉnh. Đồng chí Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Nghiên cứu KHKT đã có tác động đến phương châm, quy trình và cách thức giáo dục ở nhà trường phổ thông, nhất là cấp trung học. Nghiên cứu KHKT đã “kết nối” tiềm lực của đội ngũ giáo viên với tính sáng tạo, miệt mài của học sinh, giúp các em tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu và có sản phẩm áp dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu KHKT ở cấp trung học cũng thúc đẩy sự đổi mới phương pháp dạy học ở các cấp học khác, như phương pháp “bàn tay nặn bột” ở cấp tiểu học. Tất cả sẽ trở thành một hệ thống gắn lý thuyết với thực hành, gắn giáo dục với thực tiễn cuộc sống.
Sức lan tỏa của trí tuệ và sự say mê
Thầy giáo Vũ Xuân Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học- Sở GD&ĐT cho biết: Nếu cuộc thi năm 2015, hội thi cấp huyện có 454 dự án của 169 trường tham gia, và lựa chọn được 101 dự án dự thi cấp tỉnh; thì cuộc thi năm 2016 này có 590 dự án của 214 trường tham gia, số dự án dự thi cấp tỉnh là 117 dự án. Đặc biệt, năm 2015 chỉ có một vài trường thuộc vùng khó khăn tham gia, thì năm nay số trường vùng khó khăn, trường bán trú đã vượt trội. Những dự án được giải năm ngoái như dự án “bẫy côn trùng bằng ánh sáng” của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú xã Kiên Mộc; dự án “Nuôi tắc kè trong ao” – Giải thưởng quốc gia “sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng” mà học sinh Trường phổ thông Dân tộc Bán trú xã Bắc Xa ( Đình Lập) giành được đã tạo “cú hích” để học sinh vùng khó khăn tự tin, vươn lên phát huy tính sáng tạo của mình và lấy kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra ở địa phương.
Nghiên cứu khoa học không phải là “đặc quyền” và chỉ là khả năng của những nhà khoa học, ở Việt Nam, những người nông dân chế tạo ra máy bay, tàu ngầm, máy gieo cấy, máy thu hoạch đã là động lực cho thế hệ trẻ. Đối với họ, học lý thuyết, vận dụng lý thuyết vào thực hành luôn mang lại niềm say mê khám phá và vận dụng. Tuy nhiên vai trò của giáo viên luôn mang ý nghĩa quyết định của sự thành công. Cô giáo Phan Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho rằng: Sở dĩ các dự án của học sinh Chu Văn An luôn đạt được giải cao chính là nhà trường đã khai thác có hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên môn công nghệ với sự thông minh sáng tạo của học sinh. Tuy nhà trường chưa có câu lạc bộ (CLB) KHKT, song hiệu quả hoạt động của các CLB khác như: ngoại ngữ, tin học…đã có tác động tốt đến phong trào nghiên cứu khoa học. Từ một vài ý tưởng, sức lan toả không chỉ trong phạm vi một nhóm, một lớp, mà nó có tác dụng huy động sự tham gia suy nghĩ, phản biện của nhiều lớp, của toàn trường. Vì vậy, mỗi sản phẩm đều được áp dụng trong thực tiễn chứ không phải chỉ là “dự án”, rồi xếp trong ngăn kéo thời gian.
Năm 2015, Lạng Sơn có 6 dự án tham gia cấp quốc gia, năm nay cũng đề cử 6 dự án. Đó là số lượng rất đáng kể; song lớn hơn là sức chuyển trong đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, là cung cấp phương pháp, là rèn luyện kỹ năng khám phá và vận dụng tri thức từ trường phổ thông vào cuộc sống.
Ý kiến ()