Tự Long: Nhiều lúc tôi phải làm "nền" cho Xuân Bắc
Sau nhiều cuộc điện thoại “truy kích”, tôi “đội cả trời nắng to” đợi Tự Long trước cổng Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần như hẹn. Anh là chuyên gia chọc cười khán giả, nhưng trò chuyện với anh, dễ dàng nhận thấy những nét trầm tư và cả những suy nghĩ khiến người nghe thoáng giật mình.
“Tôi sẽ… đứt gân bất kỳ lúc nào”
– Nói thật, làm cái kiếp mang tiếng cười đến cho mọi người, có bao giờ anh thấy buồn cho cái thân mình?
– Con người tránh làm sao được hỉ, nộ, ái, ố. Nghệ sĩ hay nghệ “giời” thì cũng chỉ là con người mà thôi. Những tiếng thở dài của diễn viên trên sân khấu, khán giả liệu có bao giờ nghe thấy được? Nghệ sĩ thì lắm lúc buồn mà cứ “vu” cho nó là vui. Bởi bệnh nghề nghiệp được đẩy lên để làm cho cuộc sống thêm vui vẻ.
Nghệ sĩ Tự Long. (Ảnh: Thu Hồng). |
Hồi sinh viên, ảnh tôi dán đầu giường toàn là ảnh ngôi sao. Lúc ấy cứ mơ mình trở thành người nổi tiếng để được người khác dán ảnh ở đầu giường. Thế nhưng là người nổi tiếng rồi lại thấy có quá nhiều thứ phiền phức. Nhiều lần người ta mời tôi uống bia, từ chối thì họ bảo là mình khinh người, còn đồng ý thì phải uống với cả quán. Cứ thế, 10 trận thì 9 trận tôi say bí tỉ, về nhà toàn đi bằng 4 chân chứ không phải 2 chân.
Lắm hôm còn bị khủng bố cuộc gọi, tin nhắn lúc nửa đêm hay gặp phải những hành xử không mấy tốt đẹp của fan “cuồng”. Nhiều người có cái lạ là lúc họ hâm mộ mình thì họ có thể đối xử tốt như những người bạn, nhưng lúc họ không ưa rồi thì họ coi mình như một kẻ chỉ để… giẫm lên và lau gót giày thôi! Chuyện đấy thì tôi thường xuyên gặp. Khán giả yêu mình có thể theo từng vai diễn của mình, hoặc tần suất mình xuất hiện trên truyền hình chứ không hẳn là người ta đã yêu chính con người thực của mình.
– Nhiều khán giả hâm mộ, trong đó có cả những fan nữ. Bà xã của anh có bao giờ ghen không?
– Đúng là nhiều cô mê lắm. Lắm cô còn bảo cho không biếu không. Vợ nào mà chẳng ghen. Cô ấy biết những gì thì tôi cũng chịu. Nhưng cô ấy ít khi than phiền về chuyện tôi thường xuyên vắng nhà. Tôi là một người rất giàu tình cảm, lại hơi ướt át, thỉnh thoảng lại hay trả lời, tiếp chuyện hồ hởi với phụ nữ thành ra giữa vợ chồng tôi đôi khi xảy ra những chuyện ghen tuông rất buồn cười.
Thực ra đàn ông không phải ai cũng đa tình. Điều này phụ thuộc vào tính cách, đối tượng quan hệ, mối quan hệ trong công việc. Nhưng nghệ sĩ thì thường cho mình một sự tự do nào đấy trong mối quan hệ nam – nữ. Tức là họ hơi thoải mái một chút hoặc lắm khi hơi buông thả và có những cái nó hơi quá đà, hơi đi xa tầm kiểm soát của mình một chút.
Cái đẹp thì ai mà chả thích. Nhưng đẹp mà cho không biếu không thì cũng sợ lắm. Cuộc sống bây giờ nhiều cạm bẫy, lắm bệnh tật. Léng phéng nó không chết hẳn nhưng cứ nằm liệt dầm dề thì khổ. Chả dại!
Vợ và cậu con trai của diễn viên Tự Long. |
– Ngoài vai trò là một diễn viên hài, anh còn kiêm nhiệm rất nhiều vai trò khác như lớp trưởng, đội trưởng, bí thư Chi bộ tại đoàn chèo Tổng cục Hậu cần… Nhiều việc như vậy, anh xoay sở thế nào?
– Tôi sẽ… đứt gân bất kì lúc nào! Bởi tôi luôn luôn căng như một sợi dây thừng. Ngoài công việc của đơn vị, công việc của gia đình, tôi không thể chỉ tham gia ở một đoàn nghệ thuật được vì tôi là một nghệ sĩ của công chúng. Tôi còn phải quay game show hay là quay những chương trình truyền hình khác để hình ảnh của mình có thể đến gần hơn với khán giả.
Nhưng để làm được việc đấy thì phải làm tốt việc nơi mình đang công tác đã. Nguyên làm việc của đoàn đã mất nhiều thời gian rồi, bắt đầu từ 7 rưỡi sáng đến 5 rưỡi chiều. Gia đình tôi thường phải chịu thiệt thòi vì tôi ít khi có mặt ở nhà, lúc nào mà nhớ con quá thì chạy về thôi. Ở cơ quan thậm chí tôi còn không được nghỉ. Thường thì người ta làm việc một thì tôi phải làm việc gấp ba lần như thế vì tôi còn phải làm công việc quản lý. Tất nhiên làm nhiều việc không tránh khỏi căng thẳng, nhưng nếu công việc mà không có sự căng thẳng thì cũng nhàm chán, như trong cuộc sống vậy.
– Như vậy, anh xác định sẽ luôn sống trong tình trạng căng thẳng? Có khi nào vì thế mà anh diễn ẩu đi một chút?
– Với tôi, làm nghệ thuật và công việc tại cơ quan là hai chuyện khác nhau. Khi lên sân khấu đôi khi nghệ sĩ không nên bị một sức ép nào cả, kể cả về mặt thời gian. Có những người vì thời gian eo hẹp mà bắt buộc phải bỏ những việc mình đã nhận hoặc giảm bớt những việc này việc khác. Nhưng tôi thì khác, tôi biết cân bằng mọi thứ để không ảnh hưởng lẫn nhau. Diễn viên nếu không tôn trọng khán giả chắc chắn sẽ không thành công, mà có thành công cũng không trụ vững. Lên sân khấu mà làm ẩu thì mình sẽ đánh mất chính hình ảnh của mình trước khán giả.
Thế nhưng thực ra cũng không cần diễn cao siêu quá làm gì. Cao siêu mà không có ai đến thì có còn là nghệ thuật không? Có những vở diễn tiêu tốn hàng tỉ đồng của Nhà nước nhưng vẫn không có người xem. Nghệ thuật cũng là một thứ hàng hóa. Mà đã là hàng hóa thì phải đặt vấn đề bán chạy. Tuy nhiên, những tôn chỉ nào cần phải giữ thì mình vẫn cố gắng giữ gìn, chứ không thể vì thời gian hay vì công việc nào đó mà mình có thể coi nhẹ diễn xuất.
Lúc nào ra đòn quyết định mới cần… đấm mạnh
– Nhiều người theo dõi sự thăng trầm của anh cho rằng bây giờ anh diễn “chín” hơn, có sự tiết chế cao, cũng có người bảo bây giờ anh diễn không sâu bằng hồi xưa. Vì sao khán giả có sự nhận định trái ngược như thế?
– Mỗi nghệ sĩ như là một món ăn để phục vụ một lớp công chúng nhất định. Có người thích món này, người thích món khác. Ai cũng biết quả cà rất độc nhưng người ta vẫn thích ăn. Và món ăn dù có ngon đến mấy mà ăn mãi thì người ta cũng chán. Nghệ thuật cũng thế. Không thể bắt người ta ăn mãi một thứ. Nó cần được thay đổi theo khẩu vị của từng lớp công chúng.
Tôi là người rất cẩn trọng trong công việc. Rõ ràng bản thân tôi thấy mình có một sự trưởng thành trong nghề. Lúc đầu ai chẳng ngô nghê, diễn nhiều rồi thì mèo già cũng phải thành cáo thôi. Có một điểm phân biệt giữa tôi và các bạn diễn khác là cái bản năng diễn trong con người tôi lớn hơn họ. Sức hút trên sân khấu – tức là những kĩ thuật như là đài từ, hình thể… bổ trợ cho việc biểu diễn thì tôi không dùng như nhiều người khác. Từ xưa đến nay tôi vẫn diễn theo bản năng, theo khả năng của tôi, chứ không diễn bằng kĩ xảo.
Bây giờ tôi diễn như đi chơi thôi. Ngày xưa diễn thì khó khăn hơn bởi mình gồng hết công lực lên mà diễn, thế nên có những chỗ được, có những chỗ không được. Nhưng bây giờ mình có kinh nghiệm rồi, tùy theo chương trình, tùy theo sân khấu mà diễn thôi. Một chương trình nghiêm túc không thể đem sự quá lố lên, cũng như ở nơi bình dân không thể nói năng cao siêu được. Tôi tự tiết chế sự diễn xuất của mình, cũng giống như một võ sĩ, lúc nào ra đòn quyết định thì mới đấm mạnh, còn lại thì cứ đấm bình thường thôi cũng được. Thế cũng đủ làm đối phương chết rồi. Dù gì thì đối với tôi, sự lôi cuốn trên sân khấu chưa hẳn là anh diễn nông hay sâu, mà điều quan trọng anh phải làm bằng được là đừng để lối diễn mất đi cái “lửa”. Tôi ra sân khấu thì lúc nào cũng có “lửa”, và chắc chắn điều này thì không ai có thể phủ nhận được.
– Anh có nhiều vai diễn ấn tượng trong các tiểu phẩm hài, nhưng chưa thật sự có vai để đời, những vai có độ sâu sắc vượt lên hẳn những gì đang làm… Anh nghĩ sao khi người ta nói công việc hiện tại của anh chỉ là mua vui được một lúc?
– Điều đó không có gì đáng để buồn. Sự đánh giá của công chúng là vô cùng. Ông bán hàng đánh giá như thế này, ông xe ôm đánh giá như thế kia, bác bán giấy lại đánh giá một kiểu khác. Quan điểm và nhận định thì ai chẳng có quyền đưa ra, đúng hay sai nó phụ thuộc vào tầm hiểu biết của mỗi người. Mà mua vui trong đời sống cũng rất cần thiết và có ý nghĩa đấy chứ.
Quả thực là đối với điện ảnh thì tôi không có duyên lắm. Tất cả những phim tôi diễn, nếu được làm lại thì tôi sẽ làm hay hơn. Nhưng bạn thấy đấy, cũng có nhiều người diễn trên sân khấu thì dở ẹc, chưa bao giờ có vai diễn nào đó xứng tầm để được gọi là một nghệ sĩ; nhưng diễn phim thì rất hay. Không thể tham lam quá, vừa muốn cái này, lại vừa toan tính ẵm trọn cái kia. Mà nghề chính của tôi là diễn viên chèo. Một diễn viên sân khấu để có được một tác phẩm, một vai diễn để đời đâu phải đơn giản. Có những người phải trả giá cả cuộc đời mình để có một vai diễn ấn tượng. Còn với những người bảo là “Ôi giời đơn giản” thì tôi không biết, nhưng riêng tôi đã phải chảy máu, trầy vẩy ra mới có được tấm huy chương vàng của một đợt hội diễn.
Ít nhất bây giờ tôi đã có đến 3 huy chương vàng toàn quốc và 3 huy chương bạc toàn quân. Nhiều nghệ sĩ có khi diễn cả đời chỉ mơ ước một cái huy chương vàng của “Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc” cũng chưa có. Với người diễn viên dù là kịch nói, cải lương hay là chèo chèo thì điều đáng tự hào nhất là những vai diễn của mình được khẳng định trong hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, đó là cơ hội lớn để “khoe” nghề. Thế nhưng những vai tôi tham gia hội diễn chỉ là những vai diễn “dầy công vun đắp”, chứ chưa phải những vai tôi tâm đắc nhất. Vai điễn để đời với tôi là vai Khóa Còm trong vở “Ông trạng xứ Đoài” (1999), đã giúp tôi có được chỗ đứng trong đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu cần. Đấy lại là vai diễn không phải chất của tôi, tôi lúc nào cũng hài hước, bắng nhắng nhưng đấy là một vai “chín'' hoàn toàn.
– Chạy sô liên miên, cảm giác thường nhật ở anh là gì: Mừng vì túi tiền ngày một đầy lên hay (có lúc) nản vì tâm huyết làm nghề ngày càng phai nhạt?
– Đôi khi mình cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng vì công việc, nhưng không vì thế mà tâm huyết với nghề phai nhạt. Tuy nhiên, không giấu là có nhiều lúc mặc dù vẫn chọc cười được khán giả nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy không đã. Thiếu một sân khấu đúng nghĩa, người diễn viên đôi lúc cảm thấy mình không đang thực sự được làm nghề bằng tất cả tình yêu và năng lực sân khấu của mình mà chỉ làm một hoạt náo viên không hơn không kém. Việc của tôi khá nhiều và đều đặn. Thế nhưng chạy sô và đi diễn không phải là lúc nào cũng lấy được tiền, nên nếu nói về hạnh phúc khi mà mình có được tiền thì không phải. Lắm lúc mệt rồi mà có trả gấp 100 lần tiền công mình định đi diễn thì cũng không muốn diễn chứ đứng nói đến chuyện cứ nhìn đến tiền là hạnh phúc.
Có nhiều bầu sô nói: “Bây giờ mời Xuân Bắc, Tự Long đi diễn khó vì họ đòi cát xê cao lắm”, nhưng đó là do quan điểm của bọn tôi. Ở đây không có chuyện cạnh tranh như các nghệ sĩ, tranh cái nọ, cướp cái kia, ai làm được gì thì cứ nhận, đừng cố quá. Ngoài này, nếu không mời Xuân Bắc, Tự Long thì mời Vân Dung, Quang Thắng, Công Lý, Phạm Bằng… Không ai cướp cơm ai cả nên khối lượng công việc là do mỗi đối tượng tự yêu cầu. Còn nếu diễn cho trẻ con ở Hà Nội, thậm chí là cả miền Bắc thì không ai bước qua được tôi và Xuân Bắc. Tầm ảnh hưởng của bọn tôi với trẻ con rất là lớn, vì những tác phẩm của bọn tôi dành cho các em là những sản phẩm nghệ thuật thực sự, được đúc kết và chắt lọc bởi chính tuổi thơ mà bọn tôi đã trải qua.
Có những lúc phải… làm nền cho Xuân Bắc
– Xuân Bắc tự nhận mình “cũng là một anh chàng nhiệt tình với bạn bè, nhưng chắc chỉ đáng mặt “em út” của Tự Long.” Không hiểu bận rộn như vậy, anh lấy thời gian đâu dành cho bạn bè?
– Tính tôi hay vì chữ tín. Tôi có thể lọ mọ đánh đường về quê bạn trong đêm để uống một chén rượu suông chỉ vì đã trót hẹn với bạn, dù sáng hôm sau phải đi diễn sớm. Tôi còn rất cả nể nữa. Cả nể lắm lúc sẽ không giải quyết được vấn đề, đặc biệt là những việc liên quan đến tình cảm và kinh tế.
Con người tôi từ xưa đến nay sống đều vì bạn cả nên luôn có nhiều bạn. Bạn bè của tôi là cả trong công việc và trong cuộc sống. Cả nể ở đây là để làm giúp thôi chứ không phải cả nể là để kiếm tiến, không phải cứ thấy bầu sô nào năn nỉ ỉ ôi mà mình đồng ý nhận sô. Bận rộn như vậy, thời gian nhậu nhẹt với bạn bè có ít đi, nhưng không vì thế mà họ ghét tôi. Mọi người vẫn nhận xét tôi là người nhiệt tình. Nói chung tôi cũng chẳng bao giờ tự đánh giá con người mình hay nói về mình nhiều. Bây giờ, có một người nào đó chơi với tôi người ta nói về tôi còn quý giá bằng 1000 lần tôi tự nói về mình.
Xuân Bắc – Tự Long được nhiều người yêu mến gọi là “đôi bạn cùng tiến”. |
– Hiếm có nghệ sĩ trẻ nào lại được đông đảo khán giả yêu mến như Xuân Bắc và Tự Long. Thay vì gọi bằng “chú” bọn trẻ gọi “cặp bài trùng” này là “bạn”, xưng hô “cậu”, “tớ”, vô cùng gần gũi và thân mật. Xuân Bắc và Tự Long sẽ tiếp tục làm “đôi bạn cùng tiến” chứ?
– Tất nhiên rồi. Tôi và Xuân Bắc vẫn luôn gắn bó, lúc thì là hai người bạn trong những tiểu phẩm; lúc thì lại một người làm Aladin, người kia làm cây đèn thần; lắm lúc Xuân Bắc là siêu nhân còn tôi là đại ma vương, nói chung là diễn cặp đủ vai. Diễn cho trẻ em luôn đòi hỏi phải thay đổi. Người ta vẫn thường nói những người có cùng chung mục đích, cùng chung lý tưởng thì sẽ đến với nhau. Với tôi và Xuân Bắc thì đề tài cho trẻ con là một sự say mê, luôn là nguồn cảm hứng để mình sáng tạo, bởi vì làm cho trẻ con thì không bao giờ mình già cả. Bởi vậy, mỗi một dịp 1/6 hay Trung thu thì bọn tôi đều phải xây dựng những chương trình hoành tráng, những tiết mục lớn dành cho trẻ em. Và ở đó bọn tôi luôn luôn phải chia đôi ra, mỗi người đảm nhận một thái cực: Xuân Bắc bao giờ cũng vào vai người tốt, Tự Long bao giờ cũng hóa thân thành người xấu.
– Được xem là “ngôi sao” trên sân khấu nhưng khi diễn, anh luôn chú ý nâng bạn diễn lên chứ không hề “lấn sân”, coi sân khấu chỉ có riêng mình?
– Khi diễn phải có sự nể nang lớp đàn anh, đàn chị, còn với đàn em thì mình cũng phải để cho các em có đất diễn. Sân khấu không thể thành công khi chỉ có một người, mình còn cả một tập thể nên nhường nhịn nhau mà sống. Khi đứng trên sân khấu, chưa bao giờ tôi có suy nghĩ là sợ bạn diễn lấy đi chỗ của mình. Nếu diễn với nhau mà ai cũng muốn mình solo thì không thể kết hợp được với nhau. Bởi vì có nhiều kịch mục được xây dựng đòi hỏi khi diễn phải có cái này lên, cái này xuống. Ví như có những khi tôi chỉ làm “lót” cho Xuân Bắc thôi, đó cũng là chuyện bình thường, chẳng vấn đề gì vì sẽ có lúc nào đấy Xuân Bắc lại làm nền cho tôi.
Trên sân khấu, cho dù có những diễn viên chạy ra sân khấu chỉ nói hai câu trong cả một vở kịch nhưng người ta vẫn nhớ, trái lại có những người nói từ đầu đến cuối nhưng người ta lại chẳng nhớ gì. Còn nguyên tắc là bọn tôi diễn thì phải đẩy nhau lên chứ không phải là diễn để hạ nhau hoặc dìm nhau xuống.
– Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị! Chúc anh luôn mạnh khỏe, lạc quan, tươi trẻ để cống hiến nhiều hơn nữa cho khán giả!
Ý kiến ()