Tư liệu qua nhân chứng lịch sử
LSO-Nhân kỷ niệm 67 năm ngày giải phóng Lạng Sơn (17/10/1950 - 17/10/2017), phóng viên Báo Lạng Sơn có dịp gặp gỡ một số nhân chứng lịch sử, thu thập được nhiều tư liệu quý giá. Qua đó thêm tự hào, biết ơn sự hy sinh của thế hệ cha ông cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Nguyễn Thái Hòa, ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn giới thiệu cho cháu bức ảnh ông chụp cùng cán bộ Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh tại chiến khu Kéo Coong, xã Tân Văn, huyện Bình Gia |
Lục lại ký ức, ông Nguyễn Thái Hòa, 82 tuổi, trú tại số 4, đường Ngô Sỹ Liên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn kể: Tháng 10/1949, khi mới 14 tuổi, tôi làm bộ phận liên lạc của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, đóng tại chiến khu Kéo Coong, thôn Bản Đao, xã Tân Văn, huyện Bình Gia. Bấy giờ, ông Lê Huyền Trang là Chủ tịch Ủy ban.
Qua công tác liên lạc, ông Hòa tận mắt chứng kiến sự chuẩn bị tổng phản công của quân và dân ta tại nhiều nơi. Các băng zôn, khẩu hiệu mọc lên khắp nơi và bằng nhiều hình thức. Độc đáo nhất là khẩu hiệu do bà con tỉa cây, cắt cỏ tạo thành hàng chữ “Tích cực chuẩn bị tổng phản công”, tạo nên khí thế chiến đấu lan tỏa trong toàn quân, toàn dân ta.
Từ giữa tháng 9/1950, quân chủ lực của ta liên tiếp tấn công địch trên toàn tuyến đường số 4; quân cứu viện của địch từ Hà Nội lên cũng đều bị ta tiêu diệt. Các huyện trong tỉnh lần lượt thoát khỏi ách cai trị của thực dân Pháp và tay sai. Riêng thị xã Lạng Sơn, đến đêm 17/10/1950 hoàn toàn sạch bóng quân thù. Khoảng 5 ngày sau giải phóng, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh chuyển về thị xã, đóng tại thôn Đồng Én, xã Hoàng Đồng.
Theo ông Hòa, khi về tiếp quản, thị xã ngổn ngang bởi sự tàn phá của chiến tranh; chiến lợi phẩm ta thu được của địch rất nhiều, số vũ khí địch bỏ lại có thể trang bị cho mấy trung đoàn. Chính quyền và nhân dân ta bước vào thời kỳ mới không kém phần gian nan, đó là giải quyết hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. “Ngày nay, thị xã đã trở thành thành phố và đang phấn đấu trở thành đô thị loại II, điều đó khiến thế hệ như chúng tôi rất vui mừng, tin tưởng”.
Ông Nguyễn Xuân Khoát, 88 tuổi, trú tại số 31, Ngô Gia Tự, phường Đông Kinh cũng nhớ lại: Năm 1950, tôi là chiến sĩ Ban Quân lương, Cục Quân nhu, thuộc Bộ Quốc phòng, tham gia phục vụ Chiến dịch Biên giới. Thực hiện nhiệm vụ, đơn vị ra sát nhiều khu biên giới, một mặt tiếp nhận sự hỗ trợ từ nước ngoài, mặt khác vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến. Nhờ vậy, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm được vận chuyển cho bộ đội, huy động hàng nghìn người lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Rạng sáng 18/10/1950, nghe tin thị xã Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng, ông và đơn vị, người dân vô cùng sung sướng. Khoảng một tuần sau, đơn vị ông về đến thị xã. Lúc này, của cải, vũ khí của giặc Pháp bỏ lại đầy rẫy các kho; các đồ dùng như: thịt hộp, đường, bột mỳ, rượu vang nhiều vô kể. Nhiệm vụ của ông và đơn vị lúc này là kiểm kê, cấp phát cho bộ đội, đồng thời nhanh chóng vận chuyển, phân tán ra khỏi thị xã, nhằm tránh bom đạn của giặc phá hoại.
Để làm tốt việc trên, tỉnh đã trưng dụng hàng nghìn chiếc xe đạp của nhân dân để thồ, huy động dân công gánh, vác hàng. Với thắng lợi vừa giành được, nhân dân đều hồ hởi bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh. “Ngày nay, trước sự phát triển không ngừng của tỉnh nhà, tôi và những người cùng thế hệ rất phấn khởi.” – Ông Khoát chia sẻ.
Đó là hai trong nhiều nhân chứng lịch sử chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh còn 20 người từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu giải phóng Lạng Sơn, chủ yếu sinh sống tại thành phố Lạng Sơn. Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lạng Sơn cho biết: Với đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, hằng năm, thành phố đều có hoạt động tri ân gia đình người có công. Ngoài ra, thành phố còn tổ chức để những nhân chứng lịch sử gặp mặt, ôn lại truyền thống, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu lịch sử, trong đó có sự kiện giải phóng Lạng Sơn. Qua đó khơi dậy niềm tự hào, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()