Từ Liêm tự tin bước vào chặng đường mới
Ngày 31-5-1961, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội được thành lập. 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Từ Liêm đã ghi dấu ấn trong lịch sử phát triển của thủ đô, bằng chính sự cần cù, năng động và nỗ lực, sáng tạo vượt qua bao thách thức, khó khăn. Từ Liêm tự tin vào thời kỳ phát triển mới, với quyết tâm và niềm tự hào về truyền thống quê hương, sao cho xứng đáng vị thế là đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.Vùng quê lịch sử và cách mạngQua các đợt khai quật những di chỉ khảo cổ học, các nhà khoa học thu được nhiều di vật, chứng minh rằng ngay từ thế kỷ thứ I, trên vùng đất Từ Liêm đã có một bộ phận cư dân sinh sống, cùng chung sức khai phá đất đai, lập nên xóm làng trù phú. Suốt chiều dài lịch sử, Từ Liêm, ở vị trí phía tây bắc kinh thành Thăng Long, có nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như vùng Mỗ dệt the, lụa, gấm vóc, làng Vẽ (Đông Ngạc), làng Dộc Cả (Ngọc Trục) thạo nghề hàng...
Vùng quê lịch sử và cách mạng
Qua các đợt khai quật những di chỉ khảo cổ học, các nhà khoa học thu được nhiều di vật, chứng minh rằng ngay từ thế kỷ thứ I, trên vùng đất Từ Liêm đã có một bộ phận cư dân sinh sống, cùng chung sức khai phá đất đai, lập nên xóm làng trù phú. Suốt chiều dài lịch sử, Từ Liêm, ở vị trí phía tây bắc kinh thành Thăng Long, có nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như vùng Mỗ dệt the, lụa, gấm vóc, làng Vẽ (Đông Ngạc), làng Dộc Cả (Ngọc Trục) thạo nghề hàng nan, Hòe Thị (Xuân Phương) giỏi nghề rèn, làng Mẩy (Mễ Trì) thơm gạo tám xoan, giấy dó ở Bưởi…; cung cấp những sản vật như cam Canh, bưởi Diễn, hồng xiêm Xuân Đỉnh, những món ăn ngon như giò Chèm, nem Vẽ (Đông Ngạc, Thụy Phương), bánh đúc làng Kẻ (Thượng Cát), bánh tẻ làng Diễn (Minh Khai)… Với 179 di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng, trong đó có 81 di tích lịch sử cấp quốc gia, lễ hội đình Đăm, lễ hội đình Chèm… thể hiện những nét đẹp văn hóa được người Từ Liêm dày công gìn giữ. Từ Liêm là vùng đất có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt, tiêu biểu là bốn vùng: 'Mỗ, La, Canh, Cót – tứ danh hương'. Những danh nhân như Phan Phù Tiên, Nguyễn Quý Đức, Mai Anh Tuấn, Bùi Đình Viên, Hoàng Tăng Bí… làm vẻ vang thêm địa danh Từ Liêm.
Từ Liêm, vẫn còn đây các địa danh ghi đậm những chiến công hiển hách, thể hiện ý chí và niềm tự hào dân tộc trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Ngay sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, Thành ủy Hà Nội đã cử cán bộ, đảng viên về vùng Canh để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, lập ra tổ chức 'Nông hội đỏ'. Trong cao trào cách mạng 1939-1945, Từ Liêm là An toàn khu của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi đứng chân của Thành ủy Hà Nội. Là vùng căn cứ, nhiều làng đã sớm có cơ sở cách mạng. Do vậy, cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Từ Liêm diễn ra nhanh gọn. Sau khi lực lượng quần chúng cách mạng giành chính quyền ở lỵ sở Đại lý Hoàn Long và phủ lỵ Hoài Đức ngày 19-8-1945, chỉ mười ngày sau, chính quyền nhân dân đã được thiết lập ở tất cả các làng trong huyện. Thành tích qua hai cuộc kháng chiến của đảng bộ và nhân dân huyện Từ Liêm được ghi nhận xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang do Nhà nước trao tặng.
Khẳng định vị thế đơn vị Anh hùng
Năm 2005, huyện Từ Liêm đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ghi dấu ấn diện mạo một cửa ngõ ngoại thành thủ đô với nhịp sống công nghiệp và đô thị hóa sôi động. Không chỉ là những thay đổi về diện mạo bề ngoài với tuyến đường Láng – Hòa Lạc, quốc lộ 32, đường Bắc Thăng Long – Nội Bài, khu liên hợp thể thao quốc gia, Sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Khu ngoại giao đoàn, các khu đô thị mới Mỹ Đình 1 và 2, Mễ Trì… mà còn là sự gắng gỏi, tự đổi mới âm thầm và quyết liệt của các ngành, từ lãnh đạo đến những người dân nhằm tạo nên diện mạo của Từ Liêm mạnh mẽ và năng động. Trong hai năm 1996-1997, Từ Liêm ba lần tách địa giới hành chính để thành lập các quận: Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Huyện còn 15 xã và thị trấn Cầu Diễn, diện tích 7.532 ha, dân số hơn 157.000 người, trong đó 56% sống bằng nông nghiệp. Chuyển giao những vùng kinh tế – xã hội phát triển, Từ Liêm thành huyện nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, khó khăn từ địa điểm làm việc đến đội ngũ cán bộ. Theo quy hoạch phát triển không gian Thủ đô đến năm 2020, tổng diện tích đất đô thị trên địa bàn huyện chiếm 53,45%. Từ Liêm đã vượt lên bằng cái nhìn xa, để thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, đón đầu tốc độ đô thị hóa, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bằng quyết tâm thức dậy tiềm năng lao động, đất đai, thông qua những việc làm cụ thể.
Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2000 – 2005 và nhiệm kỳ 2005 – 2010 định hướng đẩy mạnh chuyển đổi và nâng cao chất lượng cơ cấu kinh tế là công nghiệp – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp. Từ định hướng này, lãnh đạo huyện kiên trì thực hiện chủ trương tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư dự án ở Từ Liêm. Trong 5 năm gần đây, giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng bình quân 18,9% mỗi năm. Trong tỷ trọng GDP năm 2005, công nghiệp chiếm 67,8%, thương mại, dịch vụ 22,5%, nông nghiệp 9,7%, đến năm 2010 đã chuyển dịch công nghiệp 60,2%, thương mại, dịch vụ 36,3%, nông nghiệp chỉ còn 3,5%. Các cụm công nghiệp Cầu Diễn, Chèm, Nam Thăng Long, Minh Khai – Xuân Phương tiếp nhận gần 3.000 doanh nghiệp thuộc nhiều hình thức sở hữu của 22 ngành nghề, thu hút hàng nghìn lao động. Trên địa bàn huyện, có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn như Metro, Citimax, HC, The Garden… tạo đà phát triển ngành dịch vụ ở địa phương. Mặc dù diện tích đất canh tác bị thu hẹp hơn 1.600 ha nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân một ha canh tác đạt 132 triệu đồng. Các vùng chuyên canh trồng hoa công nghệ cao theo mô hình nhà lưới ở Tây Tựu, Liên Mạc, trồng cây ăn quả ở Minh Khai, Phú Diễn, Xuân Phương, nuôi trồng thủy sản ở Trung Văn, Thụy Phương… luôn là điểm nhấn của ngành nông nghiệp Thủ đô. Kinh tế phát triển, huyện có điều kiện đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp hạ tầng, trong đó dành 62% kinh phí cho sự nghiệp phát triển văn hóa-xã hội. Bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc, tất cả các xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế và 32 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Chỉ tính riêng năm 2010, để phục vụ việc xây dựng các công trình trọng điểm, huyện đã giải phóng mặt bằng hơn 1.000 ha đất phục vụ hơn 300 dự án. Với tình cảm và tinh thần trách nhiệm, nhân dân Từ Liêm đã cố gắng, chấp nhận những thiệt thòi, khó khăn vì sự nghiệp chung. Thêm nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị mới, người dân Từ Liêm có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm. Đây cũng là bước chuyển quan trọng của một huyện ven đô.
Hướng tới đô thị mới văn minh, hiện đại
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2010-2015, với mục tiêu xây dựng huyện Từ Liêm trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh, Huyện ủy vừa xây dựng tám chương trình công tác. Các vấn đề được lựa chọn xây dựng thành chương trình công tác thể hiện sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo. Ngoài bốn chương trình xây dựng chỉnh đốn Đảng; xây dựng chính quyền và cải cách hành chính; an ninh-quốc phòng và cải cách tư pháp; phát triển kinh tế; Huyện ủy có các chương trình phát triển khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo; công tác dân vận; một số nhiệm vụ trọng tâm về quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng đô thị và bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa – xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Vẫn là cách đặt vấn đề 'đón đầu', các chương trình công tác được xây dựng đều nêu rõ những giải pháp cụ thể. Đồng thời, để triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, không hình thức, Huyện ủy ban hành các kế hoạch, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên ban chủ nhiệm, các đơn vị có liên quan; chế độ kiểm tra, chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết.
Trong chương trình công tác quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng đô thị và bảo vệ môi trường, huyện chú trọng tạo điều kiện để các dự án được triển khai nhanh, đúng tiến độ đồng thời tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, phối hợp các ngành, các chủ dự án thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhân khẩu, hộ khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng các thiết chế văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan kiến trúc giữa các khu đô thị với khu vực dân cư làng, xóm. Trong phát triển văn hóa – xã hội, sẽ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đối với làng cổ Đông Ngạc, phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 8.000 đến 9.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 giảm còn 0,6% (theo chuẩn ban hành đầu năm 2009). Trong phát triển kinh tế, huyện phấn đấu đến năm 2015, cơ cấu kinh tế đạt tỷ lệ công nghiệp 52%, thương mại, dịch vụ 47%, nông nghiệp 1%; ưu tiên phát triển dịch vụ chất lượng cao, chú trọng loại hình chợ truyền thống, tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm công nghiệp, các làng nghề; hoàn thành xây dựng cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung Cổ Nhuế, khảo sát xây dựng cụm làng nghề bánh kẹo Xuân Đỉnh, bún Phú Đô – Mễ Trì; phát triển vùng hoa Tây Tựu, bảo tồn và phát triển cây đặc sản cam Canh, bưởi Diễn. Trong công tác cán bộ, Huyện ủy chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và khi xem xét, bổ nhiệm, huyện yêu cầu cán bộ xã cũng phải có trình độ tương đương tiêu chuẩn cán bộ cấp phường. Công tác lãnh đạo phải bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát cơ sở, điều hành tập trung, quyết liệt, hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nền nếp làm việc của đảng bộ, trước hết là cấp ủy đảng phải bám sát Nghị quyết của cấp ủy cấp trên và phải nắm vững những nhiệm vụ chính trị của địa phương, đề ra chương trình, kế hoạch công tác khoa học, phân công trách nhiệm rõ ràng. Huyện Từ Liêm đang nỗ lực phấn đấu, trở thành vùng đô thị văn minh, hiện đại bằng quyết tâm và sự năng động, sáng tạo, bằng cách nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn, bước đi thực tế, khơi dậy nguồn nội lực và niềm tự hào về truyền thống quê hương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()