"Tư lệnh" xã trọng điểm
Sau thời gian phục vụ trong Quân đội, được đào tạo cơ bản, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Đại úy Trần Hậu Hương xin ra quân và đưa gia đình vào xã Ea Drông, huyện Krông Búc (nay là thị xã Buôn Hồ), tỉnh Đác Lắc sinh sống. Từ đó, anh dồn hết tâm trí cùng đồng bào các dân tộc nơi đây tạo dựng nên diện mạo mới cho vùng đất vốn còn nhiều khó khăn này.
Xã Ea Drông khi ấy (trước năm 2000) có hơn 10 nghìn dân, nhưng gần 50% số hộ đói nghèo, cơ sở hạ tầng là con số không. Khi mới đặt chân đến, anh được giao làm Trưởng thôn 9, thôn phức tạp nhất xã lúc bấy giờ. Thế là vừa lo ổn định cuộc sống gia đình, anh vừa nhập cuộc ngay để cùng cán bộ sở tại kịp thời giải quyết các vụ gây rối, trộm cắp, vận động xóa bỏ các điểm hút chích ma túy. Anh bàn với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia, để xây dựng các phong trào, từ đó từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, mang lại sự bình yên cho thôn 9.
Năm 1999, anh được bầu làm Chủ tịch HĐND xã; năm sau đó được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã. Anh nhận nhiệm vụ chưa bao lâu, thì trên địa bàn xảy ra hai vụ gây rối bạo loạn phức tạp, nhất là vụ xảy ra đêm ngày 9 rạng sá ng ngày 10-4-2004. Một số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhẹ dạ, cả tin bị kẻ xấu lừa dối kéo lên TP Buôn Ma Thuột tham gia biểu tình, tình hình hết sức căng thẳng. Trong bối cảnh ấy, anh được Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Búc (lúc bấy giờ) chỉ định làm Bí thư Đảng ủy xã. Nhờ kinh nghiệm những năm trong quân ngũ, anh đã cùng cán bộ xã bám dân, giải thích để mọi người hiểu, không mắc mưu kẻ xấu; quản lý chặt các đối tượng quá khích. Anh thành lập năm tổ quản lý liên gia, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy làm tổ trưởng xuống với dân, vừa nắm tình hình tư tưởng, vừa hướng dẫn, giúp bà con phát triển sản xuất, kết hợp tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều vụ gây rối an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, trộm cắp, anh đều trực tiếp giải quyết, không để bị kích động trở thành điểm nóng; hay phục bắt các đối tượng cầm đầu gây rối trong buôn,… Gần đây, xảy ra một số vụ chặt phá cây cà-phê, hồ tiêu (hai loại cây trồng chủ lực của xã) gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Anh lại xuống từng thôn, buôn, nắm tình hình, hỏi ý kiến nhân dân, tổ chức phát phiếu tố giác tội phạm, cho nên tình hình ổn định trở lại, nhân dân yên tâm sản xuất.
Hơn 10 năm là Bí thư Đảng ủy xã, anh chưa phải tiếp nhận và giải quyết một đơn thư khiếu nại, tố cáo nào, bởi như anh nói: “Khi mình sống thật lòng với bà con, thể hiện bằng công việc hằng ngày, họ sẽ dành cho mình niềm tin, có việc gì chưa phải, họ góp ý thật lòng ngay. Khi đó mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được thực hiện với sự đồng thuận cao”. Hiện nay, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, anh luôn là người đi đầu vận động nhân dân hiến đất, tài sản để làm đường giao thông nông thôn.
Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, nhân dân đã hiến nhiều tài sản, trị giá hơn bốn tỷ đồng (chưa kể đất và ngày công lao động), để thảm nhựa và đổ bê-tông nhiều đường giao thông trong các buôn, thôn, như: Ea Gió A và Ea Gió B, Pheo, Trấp, KLát; các tuyến đường vào Trường mẫu giáo Hoa Cau, Trường tiểu học Trần Quốc Toản,… Những tháng cuối năm 2014, xã đã giải phóng mặt bằng, sanủi, lu nền đường, có bề mặt rộng từ bảy đến tám mét thay cho ba mét trước đây, dài 40 km; và thực hiện nhiều công trình dân sinh, kinhtế, phúc lợi xã hội làm cho bộ mặt xã Ea Drông ngày càng khởi sắc.
Rời quân ngũ đã lâu, nhưng với anh từ lời nói đến việc làm vẫn đậm tác phong “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, sống gần gũi, hòa đồng với mọi người, và rất nghiêm túc, kiên quyết với những lời nói, việc làm đi ngược lại “ý Đảng, lòng dân”.
Xã Ea Drông, một xã trọng điểm về an ninh chính trị của tỉnh Đác Lắc luôn giữ vững ổn định về chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo giảm từ gần 50% xuống còn 15%. Đối với một xã có gần 11.000 dân, hơn 80% dân số là đồng bào DTTS thì đây là một sự cố gắng đáng kể.
Số hộ giàu có, khá giả hơn 9%, nhiều hộ đã mua sắm được các loại máy móc phục vụ sản xuất cũng như phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền trong gia đình. Hệ thống chính trị từ xã đến thôn, buôn được xây dựng vững mạnh, hoạt động có hiệu quả. Trước năm 2000, xã chỉ có ba chi bộ, 28 đảng viên, các thôn, buôn chưa có chi bộ, thì nay đã có 28 chi bộ, 165 đảng viên, 21 thôn, buôn đều có chi bộ.
Bước phát triển, đi lên ngày càng mạnh mẽ của Đảng bộ xã Ea Drông có công không nhỏ của anh. Ngoài học chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, anh luôn gương mẫu đi đầu và động viên cán bộ người Kinh tự học tiếng Ê Đê, biết sử dụng tiếng Ê Đê trong làm việc, giao tiếp với đồng bào. Đến nay 100% số cán bộ xã là đảng viên, có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, nhiều người tốt nghiệp đại học (năm 2004, xã chỉ có ba cán bộ có trình độ chuyên môn trung cấp), đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.
Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả đó, anh được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tặng nhiều phần thưởng. Nhưng với anh, còn có phần thưởng cao quý hơn, đó là tình cảm, sự tin yêu, quý mến của nhân dân trong xã dành cho anh. Họ vẫn gọi anh là “Tư lệnh” của xã.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()