Tứ Kỳ phá thế thuần nông
Những năm qua, nhờ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thu hút nhiều dự án đầu tư, thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp phát triển, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) từng bước phá thế "độc canh" cây lúa, nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn.Nhiều hướng thoát nghèoTứ Kỳ có 27 xã, thị trấn, dân số gần 170 nghìn người, diện tích tự nhiên 168 km2. Năm 2000, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện giữ vai trò chủ đạo, chiếm 65,3%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng ở mức 10,1%; cơ cấu lao động phân bổ ở khu vực nông nghiệp chiếm tới 87%; tổng sản phẩm xã hội bình quân đầu người khi đó mới đạt 2,7 triệu đồng, nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa nên nghèo, đói luôn đeo đẳng.Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên Đặng Văn Sáu cho biết: Trước kia đời sống của người dân trong xã thuộc diện đói khổ nhất huyện, hàng trăm hộ dân phải rời bỏ quê hương đến vùng kinh tế mới. Sau này nhiều người làm ăn...
Nhiều hướng thoát nghèo
Tứ Kỳ có 27 xã, thị trấn, dân số gần 170 nghìn người, diện tích tự nhiên 168 km2. Năm 2000, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện giữ vai trò chủ đạo, chiếm 65,3%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng ở mức 10,1%; cơ cấu lao động phân bổ ở khu vực nông nghiệp chiếm tới 87%; tổng sản phẩm xã hội bình quân đầu người khi đó mới đạt 2,7 triệu đồng, nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa nên nghèo, đói luôn đeo đẳng.
Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên Đặng Văn Sáu cho biết: Trước kia đời sống của người dân trong xã thuộc diện đói khổ nhất huyện, hàng trăm hộ dân phải rời bỏ quê hương đến vùng kinh tế mới. Sau này nhiều người làm ăn tiến tới đã trở về đón người thân đi lập nghiệp ở những vùng đất mới. Vì vậy, dân số ở Tứ Xuyên liên tục giảm, khi đông nhất có khoảng 4.000 nhân khẩu, nay giảm còn 3.500 nhân khẩu. Bước chuyển góp phần xóa đói, giảm nghèo ở Tứ Xuyên bắt đầu từ mười năm trước khi người dân tạo dựng hệ thống lò gạch thủ công ở bãi sông Thái Bình, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động. Năm 2006 các lò gạch thủ công được thay thế bằng hệ thống lò liên tục kiểu đứng để giảm ô nhiễm môi trường… Hiện nay, xã Tứ Xuyên quy hoạch phát triển ngành, nghề nông thôn, quy hoạch xây dựng khu thương mại dịch vụ, kho trung chuyển xăng, dầu, nhà máy gạch…
Khác với Tứ Xuyên, người dân xã Phượng Kỳ tìm cách thoát nghèo bằng phương thức xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hiện nay, xã có gần 300 người đang lao động ở nước ngoài, trong đó, thôn Như Lâm có hơn 160 người đang làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản. Nhiều hộ dân cả gia đình đều đi XKLĐ như gia đình anh Nguyễn Duy Thuấn, có tới sáu người thân cùng sang Hàn Quốc. Hằng năm mỗi lao động ở nước ngoài ước gửi về quê khoảng 70- 80 triệu đồng. Số tiền của những người đi XKLĐ gửi về chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và nâng cao mức sống cho nhiều hộ gia đình.
Người dân Tứ Kỳ thoát nghèo bằng nhiều cách. Các xã đất đai màu mỡ, truyền thống thâm canh cao thì người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh của việc nuôi trồng cây, con đặc sản. Các xã nhiều lao động ở vùng sâu, vùng xa thì thanh niên chủ động tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi làm thợ xây dựng ở các vùng đô thị, đi XKLĐ hoặc mở nghề dịch vụ. Các xã ở vùng triều trũng, người dân tích cực chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản; lập trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy hoạch vùng nuôi cáy, nuôi rươi; mở bến bãi khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng…
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở huyện Tứ Kỳ bắt đầu khi huyện cơ bản hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường giao thông. Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Dương Hà Hải cho biết: Năm 2005, hệ thống đường giao thông của huyện xuống cấp nghiêm trọng, việc trao đổi thương mại gặp rất nhiều khó khăn. Để nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, từ năm 2006 tới nay, với phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm' toàn huyện đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, cải tạo, nâng cấp hơn 330 km đường giao thông. Trong đó có 9,9 km đường huyện, 80 km đường xã, 147 km đường thôn, 36 km đường xóm, 62 km đường ra đồng. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn được nhân dân trong huyện nhiệt tình hưởng ứng, nhờ vậy đã huy động được mọi nguồn lực và tạo ra bước ngoặt để Tứ Kỳ phát triển. Tuyến đường 391 dài 25 km từ TP Hải Dương đi Quý Cao, nối với quốc lộ 10 hoàn thành đã tạo sự đột phá mạnh mẽ ở huyện về thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa và dịch vụ, thương mại. Dọc theo tuyến đường 391, huyện đã quy hoạch các cụm công nghiệp Ngọc Sơn, Kỳ Sơn, Văn Tố, Nguyên Giáp với tổng diện tích 245,5 ha. Đang quy hoạch khu công nghiệp xã Hưng Đạo (hơn 200 ha), bước đầu thu hút 37 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn lên hơn 50 dự án với vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng. Những dự án đầu tư mới đã tạo việc làm cho hơn 12 nghìn lao động, thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt 2,2 – 2,5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, để phá thế 'độc canh cây lúa', nhiều xã tìm cách khôi phục, phát huy thế mạnh của các nghề truyền thống, nhất là nghề thêu, ren. Từ năm 2000 đến nay, được một số doanh nhân có nhiệt huyết và sự ủng hộ tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, nghề thêu, ren dần được khôi phục và phát triển ở nhiều làng, xã. Đã có sáu làng nghề thêu, ren được tạo dựng và khôi phục là các làng nghề: Xuân Nẻo, Ô Mễ, Lạc Dục (xã Hưng Đạo), Nghi Khê (Tân Kỳ), Nhũ Tỉnh (Quang Khải), Đồng Bình (Dân Chủ), tạo việc làm thường xuyên cho 4.500 lao động. Bên cạnh đó, việc khôi phục làng nghề chiếu cói Thanh Kỳ (Thanh An) thu hút 860 lao động, làng nghề mây, tre đan An Nhân (thị trấn Tứ Kỳ) tạo việc làm cho 670 lao động. Chỉ riêng tám làng nghề được công nhận nêu trên đã tạo việc làm cho hơn 5.500 lao động, không kể thu hút thêm nhiều lao động khác lúc nông nhàn.
Nhờ những giải pháp tích cực, hiệu quả, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở Tứ Kỳ có sự chuyển đổi tích cực. Từ năm 2006 đến nay, có thêm 15 nghìn lao động chuyển từ khu vực sản xuất nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm còn 38,5%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng lên 31,2%; dịch vụ 30%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 177,5 tỷ đồng lên 430 tỷ đồng và thu nhập bình quân đầu người đạt 11,5 triệu đồng/năm.
Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ Nguyễn Chí Long cho biết, huyện đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, coi đó là mũi nhọn trong phát triển kinh tế – xã hội, song sản xuất nông nghiệp vẫn được coi là nền tảng trong cơ cấu kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội cũng như bảo đảm an ninh lương thực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, huyện chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân. Trọng tâm là xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bao gồm các vùng sản xuất lúa, rau màu, nuôi thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015, phấn đấu giá trị sản phẩm đạt hơn 115 triệu đồng/ha đất canh tác và có 25% số xã được công nhận là xã nông thôn mới. Trong công nghiệp, xây dựng, huyện tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp sử dụng nhiều lao động và tiết kiệm đất đai.
Thực hiện chương trình phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội giai đoạn 2010 – 2015, Tứ Kỳ đã xây dựng và triển khai bốn đề án, phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 3.000 lao động, giảm tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp xuống còn 60%, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt hơn 20 triệu đồng, sớm hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()