Từ "Hũ gạo tiết kiệm" trong các trường học ở Bác Ái
Giáo viên Trường tiểu học Phước Đại B ủng hộ phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” tại trường. |
Giờ đây, mô hình đã mang lại kết quả tích cực, giúp đồng bào Raglai thay đổi nhận thức, quan tâm việc học của con em mình.
Tìm lời giải cho bài toán khó
Dân số ở Bác Ái khoảng 20 nghìn người (phần lớn là đồng bào dân tộc Raglai), đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, năng suất bấp bênh, khó khăn, cho nên việc học của trẻ em ở đây cũng lắm gian nan. Nguyên nhân một phần là do việc tiếp thu tiếng phổ thông của học sinh người dân tộc thiểu số rất vất vả. Bên cạnh đó, tập quán sinh sống của đồng bào Raglai là làm nương rẫy trên núi cao, trong khi trường học thì được xây dựng ở những vùng thung lũng, cách chỗ ở hàng chục cây số, đi lại rất bất tiện. Vào mùa mưa, nhiều học sinh phải vượt qua suối để đến trường rất nguy hiểm. Do đó, phần lớn phụ huynh thường đưa con theo khi lên nương rẫy, ít quan tâm việc cho con đi học. Vì thế, số học sinh nghỉ học cách nhật thường xuyên xảy ra.
Nhiều năm qua, mặc dù huyện đã thực hiện nhiều giải pháp như: phân công giáo viên đứng lớp tổ chức đưa học sinh về tận nhà sau buổi học, tiếp cận, vận động phụ huynh nâng cao nhận thức về việc học của con cái họ, thậm chí, nhiều giáo viên tự bỏ tiền mua bánh, kẹo, vở phát cho các em để khuyến khích học sinh đến trường, nhưng tình trạng bỏ học vẫn còn. Toàn huyện có 16 trường tiểu học (TH), chín trường THCS, 11 trường mẫu giáo (MG) với 5.807 học sinh, trong đó học sinh tiểu học là 2.971/164 lớp; học sinh THCS là 1.217/54 lớp.
Năm học 2012-2013, phòng GD và ĐT huyện đề ra chủ trương thực hiện mô hình trường bán trú, tổ chức cho học sinh học hai buổi/ngày, được ăn trưa tại trường là sự “đột phá” và bước đầu đạt kết quả khả quan. Đến nay, 16/16 trường TH và 6/9 trường THCS tổ chức dạy hai buổi/ngày. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Trần Thùy Vân cho biết: Nhờ phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” cộng với các trường tham gia chương trình SEQAP có hỗ trợ cho mỗi học sinh là 10 nghìn đồng/bữa ăn, cho nên có thêm lương thực để tổ chức bán trú, giúp học sinh có bữa ăn trưa và ở lại trường tiếp tục học buổi thứ hai trong ngày. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm nhiều.
Từ tự phát đến tự giác
Phong trào xây dựng “Hũ gạo tiết kiệm” để hỗ trợ thêm cho bếp ăn tập thể của các trường bán trú không ngoài mục đích là góp gạo để giúp học sinh nghèo đến trường đồng thời từng bước tác động đến mỗi người dân về ý thức chung tay vì sự nghiệp giáo dục địa phương. Ban đầu, mỗi cán bộ, nhân viên phòng GD và ĐT huyện tình nguyện tiết kiệm mỗi ngày 10 nghìn đồng từ tiền đóng góp đi chợ cho bữa cơm tập thể cơ quan để ủng hộ “Hũ gạo tiết kiệm”. Để nhân rộng mô hình, mỗi lần đi công tác cơ sở, cán bộ, nhân viên của phòng đều mang theo túi gạo cá nhân rồi bỏ vào “Hũ gạo tiết kiệm” của các trường để phát động phong trào. Qua đó, dần xóa đi suy nghĩ còn e ngại của giáo viên, học sinh về việc mang gạo từ nhà đến trường. Nhờ vậy, mô hình được nhân rộng. Mỗi giáo viên, học sinh đều tự giác xem đây là việc làm cần thiết, đáng tự hào.
Chúng tôi đến thăm những trường học đầu tiên đặt “Hũ gạo tiết kiệm” ngay tại trường: Trường TH Phước Đại B, TH Phước Tân A, Mẫu giáo Phước Hòa, Mẫu giáo Phước Đại. Đến Trường TH Phước Đại B, đúng lúc các cô giáo đang mang những túi gạo từ nhà đến bỏ vào “Hũ gạo tiết kiệm” của trường vào ngày cuối tuần. Cả hai hũ gạo đầy ắp. Hiệu trưởng nhà trường Lê Thị Lệ Quyên phấn khởi khoe với chúng tôi: Giáo viên và học sinh rất ủng hộ mô hình. Nhiều phụ huynh thường xuyên nhắc nhở con em mình mang gạo tới ủng hộ, cho nên phong trào ngày càng lan tỏa.
Đến nay, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” tại các trường mẫu giáo Phước Hòa thu được 540 kg gạo; Trường mẫu giáo Phước Đại, hơn 100 kg; Trường TH Phước Đại B 1.570 kg; Trường TH Phước Tân A, 120 kg. Hàng trăm học sinh tham gia ủng hộ hơn 100 kg. Ngoài việc tham gia đóng góp gạo, nhiều em còn là đội viên tích cực vận động các bạn cùng lớp, cùng trường tham gia “Hũ gạo tiết kiệm” và không bỏ học nữa.
Phong trào không chỉ giới hạn trong trường học, tháng 11-2012 UBND xã Phước Thắng cũng đặt “Hũ gạo tiết kiệm” tại trụ sở làm việc và được cán bộ, nhân viên ủng hộ. Phó Chủ tịch UBND xã Tạ Yên Thị Lâm Hội cho biết: Mỗi tuần, mỗi người ủng hộ ít nhất 1 kg gạo và đã hỗ trợ cho Trường trung học Phước Thắng hàng trăm kg gạo. Ngoài ra, còn phối hợp với nhà trường vận động gia đình tích cực đưa con đến lớp. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Trần Thùy Vân cho biết thêm: “Hiện tại phòng GD và ĐT đang chỉ đạo các trường tham mưu UBND các xã triển khai ở các thôn, đội để nhân rộng mô hình này”. Tin rằng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” sẽ tạo sức lan tỏa sâu rộng và được nhân rộng nhiều hơn trong những năm học tiếp theo.
Ý kiến ()