Tự hào về người đọc vĩ đại
Cách đây 30 năm, vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 - 11-3-1981), nhà báo Thép Mới đã viết bài "Tự hào về người đọc vĩ đại" khái quát cả quá trình hình thành, phát triển báo chí cách mạng của Đảng. Chúng tôi xin trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc phần nói về Báo Nhân Dân....Chính giữa núi rừng Việt Bắc, Báo Nhân Dân đã ra đời, kế tục và phát triển sự nghiệp vẻ vang của Cờ Giải Phóng và Sự Thật.Vào một ngày tháng 2 năm 1951, Đại hội lần thứ hai của Đảng họp tại khu rừng lịch sử, không xa Ngòi Trinh, Sông Lô, đã quyết định thành lập Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Ngay sau Đại hội, vào một buổi trưa mùa xuân hửng nắng, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, và đồng chí Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn của Đảng, ngồi trên những gốc cây khô của một dãy mới, không xa khu vực đại hội, họp bàn việc xuất bản Báo Nhân Dân và quyết định nội dung bài vở, hình...
Cách đây 30 năm, vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 – 11-3-1981), nhà báo Thép Mới đã viết bài “Tự hào về người đọc vĩ đại” khái quát cả quá trình hình thành, phát triển báo chí cách mạng của Đảng. Chúng tôi xin trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc phần nói về Báo Nhân Dân.
…Chính giữa núi rừng Việt Bắc, Báo Nhân Dân đã ra đời, kế tục và phát triển sự nghiệp vẻ vang của Cờ Giải Phóng và Sự Thật.
Vào một ngày tháng 2 năm 1951, Đại hội lần thứ hai của Đảng họp tại khu rừng lịch sử, không xa Ngòi Trinh, Sông Lô, đã quyết định thành lập Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Ngay sau Đại hội, vào một buổi trưa mùa xuân hửng nắng, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, và đồng chí Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn của Đảng, ngồi trên những gốc cây khô của một dãy mới, không xa khu vực đại hội, họp bàn việc xuất bản Báo Nhân Dân và quyết định nội dung bài vở, hình thức trình bày của tờ Nhân Dân số 1. Những hình ảnh giờ khai sinh của Báo Nhân Dân đã được nhà quay phim đã quá cố Phan Nghiêm thu vào ống kính, thành một đoạn phim riêng, bên cạnh bộ phim tư liệu lớn về Đại hội lần thứ hai của Đảng. Trên trang nhất tờ Nhân Dân số 1, bức ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi tại Đại hội, là của họa sĩ Lê Minh Hiền, trong đoàn họa sĩ, điêu khắc, nhiếp ảnh và quay phim Nam Bộ, đi theo đoàn đại biểu Nam Bộ, ra dự Đại hội.
Ngày 11-3-1951, một tháng sau khi Đại hội Đảng lần thứ hai chính thức khai mạc, Báo Nhân Dân ra mắt bạn đọc. Theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy chiến dịch đường số 18, những tập báo số 1 đầu tiên vừa ra khỏi máy được gửi hỏa tốc ra mặt trận.
Ngay từ số 1, báo in tại một nhà in mới dựng ngay chân Đèo Khế, sát con đường trục lớn đêm đêm rậm rịch bước chân dân công và xe tải quân sự lớn, chạy băng qua chiến khu Việt Bắc. Từ nhà in có đường rừng – sáng nào cũng thấy phân hổ – nối liền với tòa soạn đóng ở Tân Trào. Mỗi số báo được in lại tại cơ sở in Thanh Hóa để tiện phát hành vào đồng bằng tả ngạn sông Hồng và Bình Trị Thiên khói lửa. Tại Trung ương cục miền nam và khu Năm cũ, cũng có xuất bản Báo Nhân Dân ở địa phương. Đối với những chiến trường xa, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi những bài chính của Báo Nhân Dân để các báo đảng của địa phương in lại. Sau này, gặp anh chị em cán bộ miền nam tập kết ra bắc, cũng như vào đến đồng bằng sông Cửu Long trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều đồng chí còn nhắc tới với chúng tôi niềm xúc động và hồ hởi chung khi nhận được những bài báo của tờ Nhân Dân số 1.
Vào thời kỳ Điện Biên Phủ, Báo Nhân Dân tiến lên xuất bản ba kỳ mỗi tuần.
Mười ngày sau khi quân ta vào tiếp quản Hà Nội, ngày 20-10-1954, Báo Nhân Dân xuất bản hằng ngày tại Thủ đô. Trụ sở của báo đóng bên Hồ Gươm, trong tòa nhà mà đêm 19-12-1946, tướng Pháp Moóc-li-e bị quân ta đánh vào, bị thương ngay từ đầu và chiều ngày 7-5-1954, tướng Pháp Cô-nhi đóng Bộ Chỉ huy quân sự Bắc Đông Dương tại đó, còn liên lạc dây nói với tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ, khuyên hắn đừng có đầu hàng, mấy giây thôi trước lúc hắn giơ tay đầu hàng.
Tôi đã được trông thấy tờ báo đi trên Trường Sơn, đến các chiến trường yêu quý. Tôi đã được biết có những đồng chí cán bộ nằm vùng của ta len lỏi tìm đọc Báo Nhân Dân trong các cơ quan nghiên cứu và thông tin của Mỹ và của ngụy ở Sài Gòn. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, một lần ra Phú Quốc, tôi được nghe các đồng chí lãnh đạo cuộc chiến đấu trên đảo cho biết: Ba năm không liên lạc được với đất liền, các đồng chí chỉ bám đài, nghe báo, mà lãnh đạo phong trào, giữ vững và đi lên.
Năm ngày trước cuộc tổng tuyển cử toàn quốc lần thứ nhất, đúng ngày 20-4-1976, Báo Nhân Dân xuất bản tại thành phố Hồ Chí Minh cùng ngày với Hà Nội. Với sự phối hợp và giúp đỡ tận tình của Tổng cục Bưu điện và Thông tấn xã Việt Nam, được Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tạo mọi điều kiện thuận lợi, đã thành công trong việc truyền báo vượt qua ngót hai nghìn ki-lô-mét chiều dài bằng tất cả những phương tiện vô tuyến viễn thông không lấy gì làm hiện đại lắm mà chúng ta có. Từ đó đến nay, liên tục báo ra cùng ngày ở hai đầu đất nước, bất chấp những trận bão từ khốc liệt trong không trung thường xảy ra mỗi năm khi gió bấc về. Và từ 2-9-1978, báo in cùng ngày trên ba điểm theo chiều dài đất nước: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
Một tờ báo công khai hằng ngày của Đảng, phát hành trên cả nước, góp tiếng nói với phong trào chung trên thế giới, đứng ở trung tâm cả một hệ thống báo chí và phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam, các đồng chí tiền bối cách mạng của chúng ta có lẽ chưa từng mơ ước tới. Bao nhiêu lớp người trải qua gian khổ, khủng bố, tù đày, bom đạn triền miên và lao động quên mình, đã xây dựng nó từ trứng nước đi lên. Từng bước thắng lợi của nhân dân cả nước đã mở đường cho nó phát triển. Và chính tấm lòng với Đảng, với độc lập tự do, với chủ nghĩa xã hội của bạn đọc thân yêu, đã làm nên sức mạnh của nó.
Tôi nhớ đến những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Làm báo dưới bom B.52 suốt 12 ngày đêm ròng rã là những trang đẹp không thể nào quên của đời sống một tờ báo phút chốc đứng trên tiền tuyến. Không gì cảm động bằng được trông thấy tờ báo vừa ráo mực, đăng tin sốt dẻo chiến thắng đêm trước, biên tập và in trong sóng xung động của bom B.52, mỗi sớm mai lại đến tay bạn đọc ngồi trên mâm pháo, đứng dưới mũi tên lửa hay giữa những trận địa cao xạ đặt trên nóc những nhà cao. Và hàng nghìn bạn đọc cùng sống với tờ báo những ngày và đêm chiến đấu hào hùng đó, đã viết về tòa báo tất cả hào khí chiến đấu của mình…
Theo Nhandan
Ý kiến ()