Tự hào truyền thống, vững bước tương lai
Trong những thập kỷ qua, dù phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam đang vươn lên trở thành một trong các quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông, công nghệ thông tin nhanh nhất trên thế giới. Để đạt được những thành tựu này, không thể không nhắc tới vai trò và những đóng góp của các doanh nghiệp ngành bưu điện, nay thuộc ngành Thông tin và Truyền thông, trong suốt nhiều thập kỷ.
Truyền thống lịch sử không thể nào quên
Giữa những ngày sục sôi khí thế của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước, trong hai ngày 14 và 15-8, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào – Tuyên Quang, cùng với nhiều quyết định lịch sử quan trọng để bảo đảm thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã quyết định “thành lập Ban giao thông chuyên môn”. Từ đó, ngày 15-8 được chọn là ngày Truyền thống của ngành Bưu điện trước đây.
Sinh ra vì nhu cầu của Cách mạng, trưởng thành để phục vụ Cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến gian khổ và oanh liệt, lực lượng cán bộ ngành bưu điện ở cả hai miền nam – bắc đã không tiếc xương máu để giữ vững mạch máu thông tin, bảo đảm vận chuyển công văn, tài liệu cho Đảng và Nhà nước an toàn, bí mật. Hơn 12 nghìn cán bộ ngành bưu điện đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Khi nước nhà thống nhất và trong thời kỳ đổi mới (1986-1992), Bưu điện Việt Nam đã trở thành ngành tiên phong thực hiện đường lối Đổi mới một cách sáng tạo với quyết sách “Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ”. Tiếp đó, ngành tiếp tục thực hiện chiến lược “Tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa” cho giai đoạn 1993 – 2000. Giai đoạn 2001 đến nay , chiến lược của ngành là “Hội nhập và phát triển”, nhằm phát huy nội lực, tạo môi trường cạnh tranh sâu rộng trong nước để tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành, tự tin và chủ động hội nhập quốc tế.
Thành tựu quan trọng của quá trình đổi mới chính là đổi mới cơ cấu tổ chức, tách riêng lĩnh vực quản lý Nhà nước và sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực, chủ động tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, hình thành thị trường cạnh tranh. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, từng bước hình thành các tập đoàn, tổng công ty lớn. Trong đó, VNPT với Vinaphone, Tổng Công ty Bưu điện, Tổng Công ty Mobifone… là những đơn vị chủ lực thúc đẩy thị trường phát triển.
Dấu ấn mang tên VNPT
Trong sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ đó của ngành bưu điện, phải kể tới những đóng góp không nhỏ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Ở giai đoạn nào, VNPT cũng luôn đi đầu trong việc ứng dụng, cập nhật các công nghệ hiện đại để phát triển mạng lưới. Quá trình đổi mới hiện đại hóa và phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, đã xây dựng nền tảng để VNPT trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực Bưu chính Viễn thông – Công nghệ thông tin, đóng góp hiệu quả cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Tháng 12-2003, mạng điện thoại của VNPT đạt bảy triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên tám máy/100 dân, hoàn thành trước hai năm chỉ tiêu mà Ðại hội Ðảng IX đề ra cho năm 2005. Cũng thời điểm này, VNPT đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ in-tơ-nét lớn nhất với hơn 1,3 triệu thuê bao và nhiều dịch vụ tiện ích khác được ra đời, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Tháng 4-2008, VNPT tiếp tục ghi dấu ấn khi phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 và chỉ sau hơn ba năm, VNPT lại tiếp tục đưa vệ tinh VINASAT – 2 vào hoạt động, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT – CNTT, phát thanh, truyền hình.
Thể hiện bản lĩnh trong tái cơ cấu
Thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015, VNPT đã triển khai tái cấu trúc theo hướng “Chuyên biệt – Khác biệt – Hiệu quả”. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng, việc thực hiện phương châm “Chuyên biệt – Khác biệt – Hiệu quả” không chỉ khơi dậy và phát huy sức mạnh tiềm năng của đội ngũ cán bộ, công nhân viên mà còn tạo đà cho bước phát triển tiếp theo của Tập đoàn, đưa sức mạnh nội tại lên một tầm cao mới.
Trong khoảng một năm, VNPT đã hoàn thành quá trình tái cấu trúc giai đoạn 1. Cốt lõi của quá trình tái cấu trúc thành công là áp dụng phương pháp quản trị hiện đại trong quản lý, tạo động lực và thu nhập, khuyến khích sáng tạo ở người lao động, đồng thời giảm lực lượng quản lý (chỉ còn mức 10%), đem lại đột phá mới cho VNPT. Bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động mới 17.000 lao động đã được chuyển sang khối kinh doanh, các yêu cầu về thoái vốn khỏi 63 công ty liên kết, ngoài ngành được thực hiện quyết liệt, việc thành lập ba tổng công ty trực thuộc được tiến hành nhanh chóng, đúng yêu cầu, lộ trình đặt ra.
Cùng với phương châm “Chuyên biệt – Khác biệt – Hiệu quả”, trong định hướng phát triển thương hiệu VNPT được đề ra trong kế hoạch năm 2015, VNPT đã nhấn mạnh tới yêu cầu tiếp tục làm thay đổi hình ảnh VNPT theo phong cách “Trẻ trung, Năng động và Nhân văn”, luôn hướng đến khách hàng.
Theo Chủ tịch Trần Mạnh Hùng, việc làm mới hình ảnh VNPT được bắt nguồn từ hai lý do. Thứ nhất, VNPT là doanh nghiệp nhà nước, có những hạn chế nội tại và thường bị gắn với hình ảnh chậm chạp, bộ máy cồng kềnh, quan liêu. Thứ hai, VNPT luôn xác định “Khách hàng là trung tâm” trong mọi chiến lược phát triển. Nếu như phương châm “Chuyên biệt – Khác biệt – Hiệu quả” là để khơi dậy sức mạnh nội tại thì một hình ảnh VNPT “Trẻ trung, Năng động và Nhân văn” lại cho khách hàng cảm nhận VNPT đã và đang thay đổi. Đây cũng là văn hóa VNPT, bản sắc riêng của VNPT được khẳng định trong giai đoạn tới.
Sau khi hoàn thành tái cấu trúc giai đoạn 1, VNPT tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập ba Tổng công ty gồm: Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT – Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT – Media), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT – Net) và ngày 1-7-2015, ba Tổng Công ty đã chính thức đi vào hoạt động.
Với sự ra đời của ba Tổng công ty, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn sẽ là một chuỗi giá trị từ Nội dung đến Hạ tầng rồi tới Khách hàng. Đây cũng là điểm khởi đầu cho giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tái cơ cấu VNPT, giai đoạn quan trọng làm tiền đề cho hoạt động của VNPT cả về hạ tầng mạng lưới và hệ thống bán hàng, giúp Tập đoàn khắc phục được những bất cập trước đây.
Giai đoạn 2 được khởi động, đánh dấu công cuộc đổi mới sâu rộng lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn, một sự đổi mới đến từng người lao động. Mô hình kinh doanh ba lớp: Hạ tầng, Dịch vụ và Kinh doanh trước kia theo kế hoạch phải tới năm 2020 mới hoàn thành thì nay Tập đoàn đã làm được. Như vậy, Tập đoàn đã đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu sớm 5 năm so với dự kiến.
Dù còn phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình thực hiện tái cơ cấu đã chứng minh “con thuyền” VNPT đi đúng hướng. Xác định rõ phương châm, mục tiêu, nên vừa thực hiện tái cấu trúc, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sáu tháng đầu năm 2015, tổng lợi nhuận của VNPT đã tăng trưởng 30,1%; tổng doanh thu tăng 9,7%; tổng số thuê bao Vinaphone phát triển mới tăng 34,6%; tổng số thuê bao băng rộng cố định (FTTx) tăng gấp 3,7 lần; tổng nộp ngân sách nhà nước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2014. Thu nhập của người lao động bảo đảm ổn định.
Kế thừa và phát huy truyền thống 70 năm của ngành bưu điện cùng với sự chủ động, nỗ lực sáng tạo không ngừng, VNPT đang nỗ lực xây dựng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông vững mạnh, với tầm nhìn và khát vọng là nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ VT-CNTT số một Việt Nam, ngang tầm thế giới.
Những phần thưởng cao quý của Nhà nước tặng thưởng cho ngành Bưu điện và Công đoàn bưu điện Việt Nam * Ngành Bưu điện: – Năm 1990: Huân chương Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống ngành bưu điện. – Năm 1995: Huân chương Sao Vàng, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành Bưu Điện * Công đoàn Bưu điện Việt Nam (nay là Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam) – Năm 1997: Huân chương Độc lập hạng nhất, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công đoàn Bưu điện Việt Nam. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bức trướng thêu 10 chữ vàng “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình”. – Năm 2007: Huân chương Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Công đoàn Bưu điện Việt Nam. |
Những phần thưởng cao quý của Nhà nước tặng thưởng cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam-VNPT
– 2009: Danh hiệu Anh hùng Lao động.
– 2008: 03 Huân chương Lao động hạng nhất:
Về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2004 đến năm 2008.
Về thành tích thực hiện Dự án phóng Vệ tinh viễn thông Việt Nam.
Về thành tích trong công tác thương binh liệt sĩ và phong trào đền ơn đáp nghĩa.
– 1995 – 1999: Huân chương Chiến công hạng nhất về thành tích công tác quốc phòng.
– 52 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 02 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
– 18 tập thể và 07 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()