Tự hào người lính Thành cổ Quảng Trị
(LSO) – Cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 chìm trong lửa đạn, hàng nghìn chiến sĩ đã kiên cường bám trụ, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ từng tấc đất quê nhà. Chiến tranh ác liệt, bom đạn quân thù xối xả ngày đêm khiến nhiều chiến sĩ anh dũng hy sinh. Hàng trăm người con Xứ Lạng đã có mặt trong đội quân chiến đấu bảo vệ Thành cổ và rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại Quảng Trị. Ai đã trở về sau chiến thắng luôn mang trong mình ký ức khó quên về những ngày hè rực lửa, cả dân tộc sống vì khát vọng hòa bình, niềm tin thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc.
Ông Đặng Sỹ Ngữ (sinh năm 1952), ngõ 2, thôn Vỹ Thượng, xã Hoàng Đồng, cựu chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, hiện là cán bộ ngành nông nghiệp về hưu nhớ lại: Tôi nhập ngũ năm 1970, đơn vị C10 – E95 – F35, Sư đoàn 325. Năm ấy tôi tròn 18 tuổi, trẻ trung và hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người một nhiệm vụ, nhưng vào thời điểm từ tháng 3/1972, tình hình ở Quảng Trị bắt đầu ác liệt, những ai có mặt ở đó đều thấy rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh. Bản thân tôi trực tiếp chiến đấu tại Thành cổ. Trong một trận càn quét của địch, chúng tôi (gồm 4 người) đang trú ẩn trong hầm thì bị sập do bom đạn địch, khiến hai đồng đội hy sinh. Còn tôi và một người nữa được đồng đội cứu giúp kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu nên vẫn sống đến ngày nay.
Các cựu chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lạng Sơn vui mừng khi gặp gỡ
Nhấp ngụm chè đặc, giọng trầm lắng cùng với đôi mắt đỏ hoe ông Ngữ cho biết thêm: Sự sống – cái chết chỉ tính bằng gang tấc. Bởi mỗi tấc đất, mỗi xóm làng đều bị găm, xé bởi bom đạn chiến tranh. Hy sinh nhiều lắm, nhưng địch không thể thắng nổi ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta. Được trực tiếp chiến đấu và còn nguyên vẹn trở về quê hương, tôi thấy rất may mắn và tự hào với con cháu khi mỗi lần có dịp nhắc đến những ký ức hào hùng đó.
Ông Long Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là Hội Bảo vệ Thành cổ) cho biết: Chúng tôi hành quân suốt dọc dải Trường Sơn, chiến đấu ở nhiều chiến trường, nhưng ở Quảng Trị, sự sống mới khắc nghiệt làm sao. Mỗi khi đồng đội hy sinh, dù biết rằng trên đầu là địch, xung quanh là địch, cái chết treo lơ lửng trên đầu, nhưng không ai nỡ bỏ đồng đội nằm lại chiến trường mà không chôn cất chu đáo. Tình đồng chí thực sự lại càng thiêng liêng, khát vọng sống, khát vọng hòa bình mới sáng ngời đến thế.
Không chỉ có ông Ngữ, ông Nam tham gia chiến đấu ác liệt tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị mà toàn tỉnh còn có hàng trăm người khác cùng chiến đấu. Trong số đó, không ít người đã ngã xuống, đến nay có 96 người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành cổ còn sống và sinh hoạt trong Hội Bảo vệ Thành cổ.
Ông Long Ngọc Nam cho biết thêm: Chúng tôi không quên được nhau, tiếp tục sống vì nhau cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay nên đã thành lập Hội Bảo vệ Thành cổ. Cuộc sống hiện tại có thể đã đủ đầy, nhưng trong lòng chúng tôi còn khắc khoải nỗi niềm đồng chí, gia đình của các đồng chí đã hy sinh ngoài chiến trường đến giờ chưa tìm thấy hài cốt. Do vậy, chúng tôi đều hỗ trợ thông tin, tìm kiếm mộ đồng đội cho các thân nhân gia đình liệt sỹ. Từ năm 2014 cho đến nay, hội đã trực tiếp tìm được 3 mộ liệt sỹ và phối hợp hỗ trợ thông tin tìm phần mộ được trên 10 hài cốt đồng đội, trong đó có nhiều người con của quê hương Xứ Lạng.
Cùng với đó, các cựu binh còn tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tính từ năm 2014 đến nay, hội đã hỗ trợ xây được 4 ngôi nhà “nghĩa tình đồng đội” với tổng trị giá 200 triệu đồng. Hằng năm tổ chức hoạt động về thăm chiến trường xưa, thắp hương tưởng niệm các đồng chí, đồng đội đã hy sinh tại chiến trường…
Tuy chiến tranh đã kết thúc, hòa bình lập lại, non sông thống nhất nhưng câu chuyện của những người lính bảo vệ Thành cổ năm xưa luôn lay động lòng người, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những câu chuyện ấy nhắc nhở thế hệ hôm nay phải sống và cống hiến cho xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông, vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Ý kiến ()