Tự hào ngày nhà giáo Việt Nam
![]() |
Giáo viên Tiểu học huyện Tràng Định tập huấn phương pháp giảng dạy – Ảnh: MINH HỒNG |
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban Quyết định số 167- HĐBT, lấy ngày 20/11 hằng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Từ đó, ngày nhà giáo 20/11 thực sự là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn dân quan tâm hơn tới nghề giáo dục – đào tạo (GD&ĐT). Đó cũng là ngày hội lớn của các nhà giáo Việt Nam, trong đó có các nhà giáo Lạng Sơn.
Đội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Nhiều giáo viên được giới thiệu, bồi dưỡng và bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo. Bằng tình yêu nghề, lòng tự hào, tự trọng nghề nghiệp, các nhà giáo Lạng Sơn luôn luôn năng động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, công tác quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin, say mê nghiên cứu khoa học, phát huy sức mạnh tập thể, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Nhiều nhà giáo đã nỗ lực phấn đấu tốt trở thành giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, nhà khoa học đầu ngành. Có nhà giáo được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” , “Nhà giáo ưu tú”. Nhiều nhà giáo được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, được tặng huân, huy chương các loại. Đó là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa đầy hương sắc của giáo viên tỉnh ta.
Trong những năm qua, ngành GD&ĐT toàn tỉnh đã và đang từng bước phát triển toàn diện, vững chắc. Quy mô trường lớp học ngày càng phát triển và mở rộng. Đến nay toàn tỉnh đã có gần 700 trường học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục chuyên nghiệp, với trên 180 ngàn học sinh, sinh viên. Hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng đã có ở tất cả các xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ và nhân dân. Toàn tỉnh đã có 99 trường học đạt chuẩn quốc gia; duy trì vững chắc kết quả phổ cập tiểu học – chống mù chữ. Tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi là 224/226 xã, phường, thị trấn (đạt 99,1%). Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS 226/226 (tỷ lệ đạt 100%). Giữ vững kết quả 11/11 đơn vị đạt chuẩn, tích cực triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.
Toàn ngành GD&ĐT tỉnh ta có 18.148 nhà giáo. Trong đó thạc sĩ 274 người, đại học có 6.075 người. Năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Lạng Sơn tiếp tục thực hiện phong trào “Mỗi thầy, cô giáo giúp đỡ ít nhất từ 1 đến 3 học sinh tiến bộ”, “Mỗi giáo viên khá, giỏi giúp đỡ một đồng nghiệp tiến bộ”, “Năm học chăm lo, phát triển giáo dục mầm non”, thực hiện sâu rộng phong trào “Hũ gạo phổ cập” để bảo đảm “3 đủ” cho học sinh… Các phong trào và việc làm đó ngoài sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường, rất cần sự ra tay giúp đỡ của toàn xã hội.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đạo làm thầy, xưa kia được người đời ca tụng và kính nể. Giá trị đạo đức và những chuẩn mực của của nhà giáo là thước đo đầu tiên của đạo làm thầy. “Muốn sang phải bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, đã phản ánh giá trị của người thầy trong xã hội. Con người có thể “cổ”, nhưng kiến thức của người thầy không thể “cổ”, đó là tiêu chí đầu tiên để thầy không bị coi là “tụt hậu”, thầy phải luôn luôn tự “làm mới” mình về trình độ kiến thức. Không chỉ về nội dung mà ngay cả phương pháp giảng dạy, truyền đạt của thầy, hiện nay càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Người thầy là “kỹ sư tâm hồn”, “người lái đò”, là cầu nối đưa học sinh, sinh viên tìm đến những đáp án đúng, chính xác nhất hay những khám phá, phát minh mới về mặt khoa học.
Sự kính trọng và tình cảm của học trò và xã hội, cũng như nhân loại dành cho những người thầy như những viên kim cương lấp lánh. Giá trị cao cả, thiêng liêng hai chữ “Làm thầy” sẽ vươn lên những tầm cao mới và là cầu nối trí tuệ, là niềm tin thắp sáng tương lai.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()