Tự hào mảnh đất biên cương
– Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ “phên dậu”, địa đầu của Tổ quốc với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã cùng đồng bào cả nước anh dũng, kiên cường chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà, lập nên nhiều chiến công hiển hách, ghi vào lịch sử những trang vàng chói lọi.
Trung tướng Dương Công Sửu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể chuyện lịch sử cho thiếu nhi
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với ý chí quyết tâm “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã anh dũng lập nhiều chiến công hiển hách, biến con đường số 4 anh hùng thành “con đường chết” đối với quân thù, giải phóng biên giới, giải phóng Lạng Sơn, tạo ra một địa bàn hậu phương quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc ta đi đến thắng lợi.
Lịch sử hào hùng
Trong những ngày tháng 10 lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ các lão thành cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được nghe những câu chuyện về lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Trong không gian phòng khách ấm cúng, Trung tướng Dương Công Sửu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân kể: Ngay sau khi thị xã Lạng Sơn được giải phóng (17/10/1950), Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang, các ban, ngành và nhân dân trong tỉnh nhanh chóng tiếp quản, thu dọn giải quyết hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định đời sống của nhân dân và nơi ở, làm việc của cán bộ, lực lượng vũ trang và các cơ quan nhà nước. Đến ngày 19/10/1950, quân Pháp rút hết khỏi địa bàn huyện Lộc Bình; chiều 30/10/1950, được tin quân ta chuẩn bị tấn công vào Đình Lập, địch vội vã rút về huyện Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh (nay là huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Rạng sáng 31/10/1950, quân ta tiến vào giải phóng và tiếp quản huyện Đình Lập, chấm dứt sự chiếm đóng cuối cùng của thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tỉnh Lạng Sơn hoàn toàn được giải phóng, kết thúc một giai đoạn kháng chiến gian khổ và kiên cường của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng do Đảng ta lãnh đạo. Trong chiến thắng Chiến dịch Biên giới, giải phóng Lạng Sơn, Đảng bộ và quân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào đã đóng góp sức người, sức của, phối hợp hiệp đồng chiến đấu có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch. Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Nhân dân toàn tỉnh đóng góp trên 290 nghìn ngày công phục vụ tiếp tế, vận tải; tỉnh tổ chức 5 đại đội dân công phục vụ chiến dịch với tổng quân số 2 nghìn người tham gia, tiến hành đào được 3.643 hầm hào chiến đấu, phá 19 cầu cống các loại để cản bước địch. Cũng trong thời gian diễn ra chiến dịch, quân và dân Lạng Sơn vận động đóng góp được 200 tấn thóc, 2,5 nghìn tấn ngô, ủng hộ 998 con trâu, 450 con bò và 243 con ngựa, góp phần đảm bảo lương thực, thực phẩm cho gần 30 nghìn bộ đội tham gia chiến dịch.
Phát huy tinh thần thắng lợi của chiến thắng Biên giới Thu – Đông năm 1950, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đóng góp sức người, sức của cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm
Trung tướng Dương Công Sửu và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham quan phòng truyền thống của đơn vị
Lịch sử hào hùng của quân và dân ta đã trở thành niềm tự hào cho lớp lớp thế hệ người dân Lạng Sơn. Tại huyện Tràng Định, ngay từ giữa tháng 9/2023, UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 73 năm ngày giải phóng Thất Khê (10/10/1950 – 10/10/2023) và Chiến thắng biên giới Thu – Đông 1950 với rất nhiều hoạt động ý nghĩa như: lễ hội đền thờ Trần Hưng Đạo; tổ chức giải quần vợt, cầu lông, việt dã; ôn lại lịch sử ngày giải phóng Thất Khê; tổ chức lễ hội tinh hoa ẩm thực vịt quay và ẩm thực Thất Khê; giao lưu dân ca, dân vũ… Các hoạt động được tổ chức đã thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trên địa bàn, trong và ngoài tỉnh đến với huyện Tràng Định.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Nam, Bí thư Huyện uỷ Tràng Định cho biết: Những hoạt động được tổ chức dịp này không chỉ góp phần tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân về lịch sử mà còn tạo không khí vui tươi, phấn khởi để Nhân dân trên địa bàn thêm tự hào về truyền thống quê hương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những thành tựu trong công cuộc đổi mới, tự hào về các giá trị văn hoá đặc sắc của đất và người Tràng Định.
Còn tại thành phố Lạng Sơn, những ngày tháng 10 sôi động với các hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội văn hoá các dân tộc trên địa bàn thành phố nhằm kỷ niệm 73 năm Ngày giải phóng Lạng Sơn và kỷ niệm 21 năm Ngày thành lập thành phố Lạng Sơn. Ngày hội đã diễn ra với rất nhiều hoạt động như: trưng bày, bán sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP địa phương; không gian văn hóa, trò chơi dân gian trong khuôn viên hồ Phai Loạn; chương trình khai mạc ngày hội được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh; khai trương Phố đi bộ Kỳ Lừa giai đoạn 2 và tuyến xe điện du lịch thành phố Lạng Sơn; trải nghiệm tour du lịch “Hương sắc Xứ Lạng” bằng xe điện; liên hoan các câu lạc bộ hát then đàn tính, dân ca, dân vũ, nhảy cộng đồng và trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; các giải thi đấu thể thao nội dung điền kinh và bơi tự do trong công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố…
Trong 2 ngày (13 và 14/10) diễn ra ngày hội đã thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh tới vui hội với những sắc màu áo quần dân tộc rực rỡ. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Những năm trước, thành phố chỉ tổ chức ở quy mô lễ hội nhưng năm nay, chúng tôi nâng cấp lên thành ngày hội nhằm tạo ra điểm nhấn cho sự kiện với mong muốn thông qua ngày hội văn hoá các dân tộc trên địa bàn để quảng bá phát triển sản phẩm du lịch văn hoá gắn với du lịch xanh, hướng tới sự phát triển du lịch bền vững của thành phố. Qua đó tạo ra không gian sinh hoạt văn hoá thường xuyên cho người dân và du khách gần xa khi đến với Xứ Lạng nói chung, thành phố Lạng Sơn nói riêng.
Không chỉ có huyện Tràng Định, thành phố Lạng Sơn mà khắp các địa phương trong tỉnh đều có những hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi kỷ niệm ngày giải phóng địa phương gắn với kỷ niệm Chiến thắng biên giới Thu – Đông 1950, qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Bà Lương Thị Hoà (75 tuổi) ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Ngày hội văn hoá các dân tộc thành phố năm nay vui lắm, rực rỡ sắc màu các dân tộc, thể hiện tình đoàn kết thắm thiết toàn dân. Thế hệ chúng tôi sống đến ngày hôm nay, chứng kiến hoà bình độc lập và quê hương đổi mới, phát triển như thế này tôi rất vui và tự hào…
Đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Kỷ niệm 73 năm Ngày giải phóng Lạng Sơn là dịp để ôn lại và tôn vinh, tri ân các anh hùng, liệt sĩ – những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước. Kế tục và phát huy truyền thống cao quý của các thế hệ cha anh đi trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Qua đó nhằm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bứt phá vươn lên
Phát huy truyền thống hào hùng, trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Qua nửa nhiệm kỳ đại hội, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đều tăng trưởng và tiến bộ hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021 – 2022 đạt 6,95%, cao hơn 1,5% so với bình quân của nhiệm kỳ trước. Thu ngân sách đều tăng mỗi năm và vượt chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 – 2022 đạt 49,26 triệu đồng, tăng 29,3% so với giai đoạn 2015 – 2020…
Trong 9 tháng đầu năm 2023, các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổng sản lượng lương thực ước đạt 153,2 nghìn tấn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện; các huyện, thành phố tập trung triển khai các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu chức năng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh 9 tháng ước thực hiện 3.285 triệu USD; sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định và tăng trưởng. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch của tỉnh được đẩy mạnh; tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 5.674,12 tỷ đồng, đạt 69,2% dự toán, tăng 5,32% so với cùng kỳ. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến ngày 14/9/2023, Đảng bộ tỉnh có 683 tổ chức cơ sở đảng (308 đảng bộ cơ sở, 375 chi bộ cơ sở) với 69.551 đảng viên. Chuyển đổi số được triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực; tỉnh Lạng Sơn xếp hạng thứ 6/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022…
Những kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đồng thời cho thấy việc kế thừa, phát huy truyền thống, giá trị lịch sử của thế hệ ngày hôm nay trong công cuộc xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp và phát triển bền vững.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()