Tự hào là Chiến sĩ Điện Biên
- Những ngày này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi xúc động khi được gặp gỡ và trò truyện với cựu chiến binh Vy Văn Trung, ở khu Phiêng Quăn, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình. Ông là người trực tiếp tham gia chiến dịch.
Năm nay đã bước sang tuổi 89 nhưng ông Vy Văn Trung vẫn rất minh mẫn. Câu chuyện ông kể chi tiết, mạch lạc, rõ ràng...
Tiếp bước cha, anh đi bộ đội
Ông Vy Văn Trung sinh ngày 26/12/1935 tại Nà Phát, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình (nay sinh sống tại khu Phiêng Quăn, thị trấn Lộc Bình). Ông là con út trong gia đình có 7 người con, gia đình có truyền thống cách mạng, nuôi dưỡng cán bộ trong vùng địch. Cha ông là Vy Giai Liệu, chiến sĩ liên lạc xã, hy sinh ngày 11/11/1948; mẹ ông là bà Vy Thị Sự có công nuôi cán bộ cách mạng. Anh trai cả là Vy Văn Cả và anh trai thứ hai là Vy Văn Yên đều là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp.
Giọng ông Vy Văn Trung trùng xuống: Năm 1948, khi cha tôi hy sinh thì gia đình tôi lúc bấy giờ bị giặc đưa vào "tầm ngắm", là gia đình cộng sản, làm việc cho cộng sản. Khi giặc Pháp bắt người trong gia đình đi phu xây dựng đồn giặc tại Chi Ma, do không ai chịu khuất phục đi phu xây đồn cho giặc nên gia đình đã bị đàn áp, mẹ tôi bị địch tra tấn đến mức suy kiệt và mất năm 1949. Sau khi lần lượt mất cha, mất mẹ, tháng 3/1950, gia đình tôi tiếp tục nghe tin anh trai Vy Văn Cả tham gia đánh trận Đông Khê năm 1950 và hy sinh tại Đông Khê, Cao Bằng; anh thứ hai Vy Văn Yên hy sinh vào tháng 5/1950…
Nỗi đau chồng chất nỗi đau đã hun đúc trong cậu bé Trung khi ấy mới 15 tuổi ý chí tham gia tòng quân bảo vệ đất nước. Ngày 28/4/1952, ông tiếp bước cha, anh lên đường nhập ngũ tham gia Vệ quốc đoàn, đóng quân tại Đại đội 819 của huyện Lộc Bình. Tại đây, chàng chiến sĩ trẻ được huấn luyện cơ bản, đến tháng 1/1953, ông về C43 (Đại đội phòng không) Tỉnh đội Lạng Sơn. Sau vài tháng được huấn luyện về súng máy, ông được chuyển về Đại đoàn 312 (Thái Nguyên). Cuối năm 1953, ông Vy Văn Trung được chuyển đến Tiểu đoàn 14, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312) tham gia chiến đấu tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1954, Sư đoàn 312 tập trung lên Điện Biên trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn 14 được giao nhiệm vụ bảo vệ các trận địa cao xạ pháo tại Đồi Him Lam. Sau khi chiến dịch kết thúc, ông Vy Văn Trung cùng Sư đoàn về tiếp quản Hà Nội.
Kỷ niệm gặp Bác Hồ nhớ mãi không quên
Sau khi tiếp quản Thủ đô và ổn định tình hình lực lượng sau giải phóng Thủ đô, năm 1955, ông Vy Văn Trung và Sư đoàn về đóng quân tại tỉnh Bắc Ninh. Tháng 1/1956, Bác Hồ có chuyến đến thăm Sư đoàn 312 tại Bắc Ninh, cả Tiểu đoàn 14 khi ấy đang tham gia huấn luyện đều được gặp Bác Hồ. Bác đến thăm nơi ăn chốn ở, công tác huấn luyện tại Sư đoàn 312 và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, bác kể chuyện, dặn dò cán bộ, chiến sĩ sư đoàn giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân vì “Quân với dân như cá với nước”; khơi dậy tinh thần đoàn kết yêu nước, căm thù giặc trong mỗi cán bộ, chiến sĩ đang tham gia chiến đấu tại các mặt trận.
Ông Vy Văn Trung chia sẻ: Bác dặn dò cán bộ, chiến sĩ nhiều lắm. Bác nói suốt chín năm đánh Pháp, bộ đội chỉ ở trong rừng và ở trong dân, nếp sinh hoạt du kích nhiều khi còn luộm thuộm, để đảm bảo tiếp tục trường kỳ kháng chiến chống Mỹ thì cán bộ, chiến sĩ phải xác định từng bước hướng đến xây dựng chính quy. Đối với cá nhân tôi, trong suốt quá trình tham gia chiến đấu, kỷ niệm được gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện là kỷ niệm không bao giờ quên, là động lực tinh thần giúp tôi và đồng đội không ngại gian khổ, vất vả chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Sau chuyến thăm của Bác, Sư đoàn 312 từng bước khắc phục khó khăn, tập trung huấn luyện chính quy. Năm 1956, Tiểu đoàn 14 của Sư đoàn 312 chuyển vào Vĩ tuyến 17. Tại đây, Tiểu đoàn 14 trực thuộc Trung đoàn 270 lữ đoàn 341 của Quân khu 4 tham gia đánh Mỹ, bảo vệ đảo Cồn Cỏ (khu vực Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Năm 1964, ông phục viên, chuyển công tác về Ty Thương nghiệp Lạng Sơn và nghỉ hưu năm 1975.
Đám cưới vắng mặt chú rể
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, một đời cống hiến cho kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nên hạnh phúc về một mái ấm, gia đình riêng là điều mà thời bấy giờ chiến sĩ trẻ Vy Văn Trung chưa nghĩ tới. Năm 1955, khi ấy ông 20 tuổi, đang tham gia huấn luyện tại tỉnh Bắc Ninh thì ở nhà, gia đình làm lễ hỏi vợ cho ông. “Ngày ấy gia đình bảo đi hỏi vợ cho thì lấy thôi chứ tôi có được về đâu. Ngày cưới vắng mặt, không được gặp cô dâu…” – ông Vy Văn Trung cười xoà kể.
Cô dâu của chiến sĩ trẻ Vy Văn Trung là Lý Thị Bảo, sinh năm 1934, ở Bản Luồng, xã Tú Mịch. Bà Lý Thị Bảo có bố là Lý Hiển Long tham gia Việt Minh tại khu du kích Chi Lăng của huyện Lộc Bình. Vì hoạt động trong vùng địch, để tránh khỏi bị bại lộ, mỗi khi ông nhận nhiệm vụ thì con gái Lý Thị Bảo lúc đó mới 15 tuổi lại đi làm liên lạc thay bố. Hằng ngày Lý Thị Bảo đi thăm ruộng, đi làm đồng nhưng đều tìm mọi cách đưa tin liên lạc cho Việt Minh. Đến năm 1950, sau khi giải phóng biên giới, bà Lý Thị Bảo tiếp tục tham gia dân công hỏa tuyến. Sau khi đất nước thống nhất, bà Lý Thị Bảo tham gia và làm Tổ trưởng Tổ hợp tác xã Nà Phát, (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình) đến năm 1979, chăm lo các con và gia đình để ông yên tâm công tác.
Bà Lý Thị Bảo năm nay 90 tuổi, mặc dù tai nghe không rõ nhưng khi biết chúng tôi hỏi về đám cưới của ông bà, bà cười: Năm 1955, gia đình tổ chức hỏi cưới tôi cho ông Trung nhưng khi đó chú rể vắng mặt vì đang huấn luyện. Nói là hỏi cưới thôi chứ ngày ấy gia đình bảo sao thì nghe vậy, sang làm dâu, chăm lo đỡ đần việc nhà. Đến năm 1958, chồng tôi tranh thủ được mấy ngày phép về thăm nhà, chúng tôi mới được gặp nhau, rồi ông lại đi chiến đấu...
Đến nay ông bà có 5 người con, trong đó 3 người là công chức nhà nước, 2 người làm nghề tự do, cuộc sống cơ bản ổn định.
Chia tay chiến sĩ Điện Biên Vy Văn Trung, chúng tôi nhớ mãi lời ông: Giờ nhìn lại quãng thời gian tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng, cho kháng chiến thật là ý nghĩa và tôi luôn tự hào là chiến sĩ Điện Biên, được đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
Ý kiến ()