Tự hào hướng tới tương lai
– Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933 – 15/6/2023). Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, cũng như tin tưởng, tự hào vào công cuộc xây dựng và đổi mới trên quê hương mình.
Đoàn viên thanh niên huyện Cao Lộc tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – Ảnh: TUYẾT MAI
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.
Ánh sáng của Đảng soi đường, chỉ lối
Tiếp sau sự kiện trọng đại này, Lạng Sơn là một trong số các địa phương thành lập chi bộ đảng từ rất sớm. Cuối năm 1931, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp được 10 tổ chức quần chúng cách mạng với 30 người ở các làng biên giới thuộc châu Văn Uyên (nay là huyện Văn Lãng), từ đó mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng xung quanh. Cuối năm 1932 đầu năm 1933, đồng chí Lê Hồng Phong quyết định thành lập Đảng bộ đặc biệt Long Châu; cử đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Phó Bí thư. Đầu năm 1933, theo chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Đảng bộ đặc biệt Long Châu, đồng thời có nhiệm vụ về Lạng Sơn tuyên truyền vận động thanh niên sang dự các lớp huấn luyện ở Long Châu.
Được sự ủy nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Đoàn Viết Thọ tới đình Háng Pài, thôn Khòn Pheo, xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc) tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng – chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn với 5 đảng viên. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Thụy Hùng đảm nhận vai trò quan trọng làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn. Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, ghi nhận một hiện thực sinh động: Hạt giống đỏ của Đảng nảy mầm trên quê hương xứ Lạng.
Từ đây, mỗi bước phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh đều gắn liền với sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản, gắn liền với phong trào cách mạng của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập năm 1933 đến sự ra đời của các tổ chức đảng tại các địa phương trong tỉnh, sự phát triển lớn mạnh từ phong trào đấu tranh tự phát sang đấu tranh có tổ chức, từ đấu tranh đòi dân sinh dân chủ trở thành đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940.
Trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng thời kỳ 1930 – 1945, những người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn như Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri… mà sau này các anh đã trở thành những chiến sỹ cách mạng kiên trung của Đảng, có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc cho phong trào cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của quê hương Xứ Lạng anh hùng.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với phương châm “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh huy động tối đa nhân lực, vật lực cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần lập nên chiến công vang dội trên đường số 4, chiến thắng Biên giới năm 1950, giải phóng Lạng Sơn, nối cách mạng Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, tạo thêm thế và lực cho cách mạng nước ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lạng Sơn phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng “vừa chiến đấu, vừa sản xuất” với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Lạng Sơn là hậu phương vững chắc huy động sức người, sức của cho tiền tuyến, đồng thời là chiến trường ác liệt chống trả với chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, là “Cảng nổi” tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em chi viện cho tiền tuyến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng cùng nhân dân cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ổn định đời sống. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân các dân tộc Lạng Sơn anh dũng, kiên cường trên tuyến đầu bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định đường lối đổi mới của Đảng; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kinh tế cửa khẩu từng bước khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn để tỉnh phát huy lợi thế về các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ.
Từ tháng 2/2022, tỉnh chính thức vận hành nền tảng cửa khẩu số ở tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu qua biên giới. Việc triển khai nền tảng cửa khẩu số đã góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp tại các cửa khẩu của tỉnh. Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,22%; đến nay toàn tỉnh có 86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Các lĩnh vực văn hoá, thể thao, thông tin và truyền thông đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm được thực hiện có hiệu quả, an sinh xã hội được bảo đảm. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác đối ngoại được thực hiện chủ động và hiệu quả, triển khai đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quy định của Trung ương của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Viết tiếp tương lai
Từ chi bộ đầu tiên, trải qua 90 năm vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng bộ không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Đảng bộ tỉnh hiện có 15 đảng bộ trực thuộc; 681 tổ chức cơ sở đảng, toàn tỉnh có trên 69 nghìn đảng viên. Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã trải qua 17 kỳ đại hội, mỗi kỳ tổ chức đại hội là cột mốc lịch sử quan trọng, mỗi giai đoạn Đảng bộ tỉnh đề ra những mục tiêu, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu của vùng Đông Bắc.
Sự phát triển lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn như ngày hôm nay là kết quả dày công vun đắp của lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên; sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng. Tự hào với truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, xác định ngày thành lập/ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu xác minh tài liệu tại các cơ quan lưu trữ, các công trình, ấn phẩm đã xuất bản; kết quả Hội thảo khoa học “Xác định ngày thành lập/ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn”; kết quả lấy ý kiến của các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh, ngày 22/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 101-NQ/TU về Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn, quyết nghị lấy ngày 15/6/1933 là Ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lạng Sơn. Đây là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh.
Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đánh dấu mốc son phát triển sau chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn tỉnh nhằm kêu gọi, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, công tác, học tập, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh việc hưởng ứng phong trào thi đua do tỉnh phát động, các ngành, các cấp cũng phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong mỗi ngành, lĩnh vực. Qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, với nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng Lạng Sơn cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Quán triệt sâu sắc mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.
Ý kiến ()