Tự hào du kích Bắc Sơn
– Ngày 14/10/1940, Đội Du kích Bắc Sơn được thành lập với tư cách là lực lượng vũ trang của địa phương. Kể từ đó, du kích Bắc Sơn đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành.
Khi mới thành lập, Đội Du kích Bắc Sơn chủ yếu gồm những đảng viên và quần chúng tích cực vừa tham gia trong khởi nghĩa Bắc Sơn. Từ một đội du kích phát triển lên thành Trung đội Cứu quốc quân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, du kích Bắc Sơn đã tập hợp trong đội ngũ của mình những người lãnh đạo tài năng, những đảng viên kiên trung.
Hình ảnh các chiến sỹ du kích Bắc Sơn trưng bày tại Bảo tàng tỉnh
Trong đội du kích, có những người tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm của huyện. Đó là các đồng chí: Đường Văn Thông, Hà Khai Lạc, Nguyễn Văn Phòng (tức Mai Huyền), Đường Văn Thức – những đảng viên đầu tiên của huyện Bắc Sơn tại chi bộ Đảng do đồng chí Hoàng Văn Thụ thành lập năm1936. Bên cạnh đó là các đồng chí: Dương Thần Tần, Hoàng Đình Ruệ, Lương Đình Sơn, Dương Văn Tạch – bí thư chi bộ các xã: Bắc Sơn, Hưng Vũ, Hữu Vĩnh,Vĩnh Yên… Đa số đều là thành viên của Ban Châu uỷ Bắc Sơn, tham gia chỉ đạo hoạt động của các tổ chức đảng trong huyện. Ngoài ra còn có các đồng chí khác như: Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Dương Quốc Vinh, Nông Văn Cún (tức Thái Long)… họ là những người đã chỉ huy hoặc tích cực tham gia vào cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày 27/9/1940.
Cuối năm 1940, đầu năm 1941, để giữ vững và phát triển phong trào, Trung ương Đảng đã bổ sung cho du kích Bắc Sơn một số đồng chí cán bộ có năng lực như: Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn, Nguyễn Cao Đàm, Hoàng Văn Thái, Bùi Thống… Giữa năm 1941, sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng), Trung ương tiếp tục cử đồng chí Phùng Chí Kiên – một cán bộ quân sự tài năng, là Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng về phụ trách căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai, trực tiếp chỉ huy Trung đội Cứu Quốc quân Bắc Sơn.
Đội Du kích Bắc Sơn là nơi quy tụ nhiều cán bộ quân sự xuất sắc của Đảng. Đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri là những cán bộ quân sự được đào tạo bài bản, chính quy, cả hai đều được Đảng, Bác Hồ lựa chọn đi học ở trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Họ là những người vững vàng về lý luận chính trị, dày dạn về kinh nghiệm thực tiễn, từng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, sau đó trở về nước tham gia lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó là đồng chí Hoàng Văn Thái, một cán bộ miền xuôi từng tham gia lớp huấn luyện về quân chính ở Hiệp Hoà (Bắc Giang) năm1940 do Xứ uỷ Bắc Kỳ tổ chức. Ông là một cán bộ quân sự tài năng, 1 trong 34 chiến sĩ của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, sau này trở thành Tổng tham mưu trưởng, một tướng lĩnh cao cấp của Quân đội.
Cùng đó là đồng chí Chu Văn Tấn, tuy không theo các lớp đào tạo chính quy nhưng ông là một thủ lĩnh dày dạn thực tiễn ở địa phương. Ông thông thạo địa hình địa vật, chỉ huy đánh du kích giỏi, có nhiều đóng góp trong xây dựng căn cứ Cách mạng ở Bắc Sơn – Võ Nhai. Ngay sau khi Trung đội Cứu Quốc quân Bắc Sơn được thành lập, ông đã được Trung ương Đảng tín nhiệm giao nhiệm vụ chỉ huy một tổ đưa đường, bảo vệ đoàn cán bộ cao cấp của Đảng đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Khi Trung đội Cứu Quân II thành lập ngày 15/9/1941 ở Tràng Xá (Võ Nhai, Thái Nguyên), đồng chí Chu Văn Tấn đã được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng. Đầu năm 1942, phong trào Cách mạng Bắc Sơn, Võ Nhai gặp nhiều khó khăn vì địch đàn áp, khủng bố, đồng chí đã dẫn các chiến sĩ cứu quốc quân sang Trung Quốc để chỉnh đốn đội ngũ, bảo toàn lực lượng rồi lại tiếp tục về nước hoạt động. Về sau, ông đã trở thành một trong những tướng lĩnh đầu tiên của quân đội, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc…
Trải qua quá trình hoạt động, các chiến sĩ du kích Bắc Sơn ngày càng trưởng thành, trở thành lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng Bắc Sơn. Họ đã tích cực xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn –Võ Nhai, anh dũng chống lại sự càn quét, khủng bố của địch. Trong hoạt động và chiến đấu, các chiến sĩ du kích Bắc Sơn luôn thể hiện tinh thần tuyệt đối trung thành với Đảng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Du kích Bắc Sơn đã nêu những tấm gương sáng về phẩm chất cách mạng, tinh thần hy sinh anh dũng vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Những cống hiến lớn lao của họ đã góp phần đem lại độc lập tự do cho đất nước, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc.
Ý kiến ()