Tự hào 60 năm ngành kiểm sát Nhân dân
Hồ Thị Lan Anh, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh
(LSO) – Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện Kiểm sát Nhân dân trong tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn được thành lập và tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành nhằm phục vụ các mục tiêu bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Từ ngày được thành lập, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với ngành Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cùng các cán bộ trẻ tham quan phòng truyền thống của ngành – công trình kỷ niệm 60 năm ngành kiểm sát Nhân dân. ẢNH: THANH HUYỀN
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh có những thay đổi trong mỗi giai đoạn để phù hợp với nhiệm vụ cách mạng. Trước khi hệ thống Viện Kiểm sát Nhân dân được thành lập, hệ thống Viện Công tố – tiền thân của Viện Kiểm sát Nhân dân, tuy có thực hiện một số hoạt động giám sát việc điều tra, xét xử, giam giữ, cải tạo, song chức năng chủ yếu là đưa vụ án ra tòa, là bộ phận của hệ thống cơ quan hành chính, tổ chức và hoạt động của Viện Công tố theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Năm 1960, Viện Kiểm sát Nhân dân được thành lập, có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh từ vị trí là Phòng Công tố nằm trong Tòa án Nhân dân tỉnh được tách ra thành cơ quan độc lập, trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, theo một hệ thống độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.
Ngay từ khi mới được thành lập, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ phục vụ các mục tiêu: đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân; phối hợp với cơ quan điều tra và tòa án trấn áp kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các loại tội phạm. Để đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân, hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp tập trung vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất mới ở nông thôn; vận dụng chức năng của ngành vào việc phục vụ các nghị quyết của Trung ương về các cuộc vận động “ba xây, ba chống” trong các cơ sở công nghiệp quốc doanh, vận động dân chủ ở miền núi, thông qua đó đưa pháp luật vào quần chúng một cách sâu rộng.
Trải qua các thời kỳ từ những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 – 1975), thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1975 – 1985), đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự, tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh phát hiện và xử lý nghiêm minh các tội phạm, đặc biệt là tội phạm về an ninh quốc gia, tham nhũng, tệ nạn xã hội. Đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tư pháp, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật tuân thủ đúng các quy định trong việc bắt, giữ, điểu tra, truy tố, xét xử, thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm các quyền dân chủ của công dân, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp đổi mới và yêu cầu cải cách tư pháp.
Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp đã quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách hình sự, tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, đưa ra truy tố nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Từ năm 2011 đến tháng 2/2020, Viện Kiểm sát đã truy tố 7.339 vụ với 13.161 bị can; thực hành quyền công tố tại 7.385 phiên tòa sơ thẩm với 14.324 bị cáo, 693 vụ với 1.208 bị cáo theo thủ tục phúc thẩm, 4 phiên tòa giám đốc thẩm.
Trong công tác chuyên môn, hằng năm, Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp đều xác định khâu công tác đột phá và đề ra các biện pháp nghiệp vụ nhằm thống nhất nhận thức áp dụng pháp luật trong công tác. Tính riêng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp đã kiểm sát thụ lý 10.671 vụ, 164 việc dân sự, hôn nhân gia đình sơ thẩm, 1 vụ giám đốc thẩm, 1 vụ tái thẩm dân sự; 194 vụ án hành chính, vụ án kinh doanh thương mại, lao động; kiểm sát viên đã tham gia 1.025 phiên tòa, 200 việc sơ thẩm dân sự, 100% phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm; kiểm sát 8.406 bản án, quyết định của tòa án, phát hiện 384 bản án, quyết định có vi phạm, ban hành 194 kiến nghị, 151 kháng nghị, tỷ lệ chấp nhận kháng nghị đạt trên 80%. Viện Kiểm sát Nhân dân hai cấp đã phối hợp với tòa án tổ chức 112 phiên tòa dân sự, hành chính rút kinh nghiệm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành (1960 – 2020), với phương châm vừa chiến đấu, vừa xây dựng, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phục vụ tốt nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, từng bước củng cố tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư phương tiện phục vụ hoạt động nghiệp vụ, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng.
Với những đóng góp tích cực, nhiều tập thể và cá nhân trong ngành đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quý, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chủ tịch UBND tỉnh.
Trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng, thực sự là chỗ dựa của Nhân dân trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, là công cụ hữu hiệu để bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phát huy truyền thống, tận tụy với nghề
(LSO) – Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh đã có bề dày thành tích. Đóng góp vào những thành tích chung ấy là đội ngũ cán bộ yêu nghề, hăng say cống hiến.
Ông Hoàng Trần Phú, nguyên Phó Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh: “Giữ vững đạo đức và bản lĩnh, làm việc tận tâm, trách nhiệm”.
Từ một người lính tham gia chiến đấu, bảo vệ các đoàn xe trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 8/1960 (lúc ấy, tôi 24 tuổi), tôi nhận quyết định xuất ngũ và được điều động công tác về Viện KSND Lạng Sơn. Trải qua 38 năm công tác với nhiều vị trí, được là một trong những thế hệ đầu tiên của ngành KSND Lạng Sơn, tôi rất tự hào và nhận thấy điều cốt lõi nhất của người cán bộ kiểm sát chính là phải giữ vững đạo đức và bản lĩnh, làm việc tận tâm, trách nhiệm.
Thế hệ cán bộ hưu trí chúng tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo, cán bộ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống để gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa.
Ông Phạm Duy Lý, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh: “Cẩn trọng trong phán đoán sự việc, phân tích, đánh giá đúng tình hình để đưa ra kết luận chính xác”.
Với 27 năm công tác trong ngành, trải qua nhiều vị trí công tác, tôi luôn phát huy truyền thống của ngành, học hỏi các thế hệ đi trước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình. Khi thi hành nhiệm vụ thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, tôi luôn cẩn trọng trong phán đoán sự việc, phân tích, đánh giá đúng tình hình để đưa ra kết luận chính xác nhất. Với phương châm làm công việc của người kiểm sát với “đầu lạnh, trái tim nóng và đôi tay sạch”, trong 27 năm công tác, tôi chưa để xảy ra vụ án nào xét xử oan sai hay bỏ lọt tội phạm.
Bà Hoàng Thị Ngân, Bí thư Chi đoàn Viện KSND tỉnh: “Phát huy truyền thống, tích cực thi đua, học tập, trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị”.
Là một cán bộ trẻ, tôi luôn nhận thức rằng, trong công tác chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong cuộc sống hằng ngày, cần phải thấy rõ trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng ngành, xây dựng quê hương, đất nước, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và coi đó là cơ sở để rèn luyện và hoàn thiện bản thân.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngành KSND, với phương châm hành động của ngành là: “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả”, thế hệ cán bộ trẻ chúng tôi luôn nêu cao ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, phát huy truyền thống, tích cực thi đua, học tập, trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với cán bộ ngành KSND.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()