Tự hào 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành
LSO-Cách đây 40 năm, thực hiện Quyết định số 17 QĐ-TC/UB ngày 03 tháng 11 năm 1973 của Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn về việc thành lập Ban xây dựng trường Thanh niên dân tộc tỉnh Lạng Sơn gồm ông Lương Thế Nghiệp, cán bộ Tỉnh đoàn làm trưởng ban; ông Hoàng Kham, Hiệu trưởng trường Thanh niên dân tộc Hữu Lũng làm phó ban; các ủy viên gồm ông Hoàng Hiền, Phó Hiệu trưởng trường Thanh niên dân tộc Chi Lăng; ông Hoàng Văn Chức, giáo viên trường Thanh niên dân tộc Chi Lăng, ông Hoàng Dũng, giáo viên trường Thanh niên dân tộc Tràng Định. Năm thành viên trong Ban và các cán bộ, công nhân kỹ thuật do Ty Giáo dục điều động đã cùng nhau xây dựng lên mái trường Thanh niên dân tộc tỉnh trên địa bàn xã Tân Liên huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Giờ học bài trên lớp của các em học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh |
Tiếp đó, Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 309 QĐ/VX-UB ngày 01/12/1973 về việc tổ chức hợp nhất ba trường Thanh niên dân tộc Hữu Lũng, Chi Lăng, Tràng Định thành trường Thanh niên dân tộc của tỉnh Lạng Sơn, đặt dưới sự chỉ đạo của Ty Giáo dục, Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh và Ủy ban Nông nghiệp tỉnh phối hợp thực hiện. Ông Hoàng Kham được cử làm Hiệu trưởng, ông Lương Thế Nghiệp là Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng phụ trách lao động.
Ngày mới thành lập, Trường có 78 người gồm giáo viên dạy văn hóa và cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi với hơn 200 học sinh, trong đó cấp III chỉ có một lớp 8 (lớp 10 bây giờ); cấp II có một lớp 5 và hai lớp 7; cấp I có một lớp 2 và hai lớp 4, năm đầu tiên cấp I và cấp II học dồn một năm 2 lớp. Trụ sở của nhà trường lúc bấy giờ dựa vào mái đình Tân Liên và nhân dân quanh khu vực, sau đó thầy trò vừa dạy vừa học vừa xây dựng trường lớp đồng thời tham gia lao động sản xuất, tự cung tự cấp, trồng cấy lúa ngô, chăn nuôi bò, dê, gà, lợn, thả cá… những năm đó thật nhiều lo toan và vất vả, lớp học sinh đầu tiên tốt nghiệp cấp II ra trường đã góp phần xây dựng hợp tác xã nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ tại chỗ thời bấy giờ.
Trong thời gian từ năm 1976 do sáp nhập tỉnh Cao Lạng, trường có gần 200 học sinh đến từ Cao Bằng, nhiều người trong số này đã trưởng thành, trở về xây dựng đóng góp cho quê hương như đồng chí Nông Văn Ngô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Đàm Văn Cao, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng…
Tháng 2 năm 1979 xảy ra chiến tranh biên giới, trường sơ tán về xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng dựa vào dân và chính quyền địa phương để tiếp tục duy trì việc dạy và học. Đến tháng 6 năm 1979 trở về, cơ sở cũ đã bị tàn phá nặng nề, Trường chuyển sang khu vực chùa Bắc Nga, huyện Cao Lộc và được đổi tên thành trường PTTH vừa học vừa làm, lúc này chỉ còn học sinh cấp III.
Từ năm 1979 – 1985, Nhà trường tổ chức cho học sinh vừa học vừa lao động tăng gia sản xuất, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, đào ao thả cá, trồng rau xanh. Mỗi năm đóng được từ 3 đến 5 vạn viên gạch để xây dựng lớp học và cung ứng cho nhân dân quanh vùng; tham gia ươm trồng hàng vạn cây thông trên diện tích 50 ha rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc… Kinh phí thu được từ lao động sản xuất được dùng để hỗ trợ cho bữa ăn hàng ngày của học sinh. Vừa dạy, vừa học, vừa làm, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, 12 cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 12 Huân chương chiến công hạng Ba, đó là các cô giáo Hoàng Thị Lạng, Hoàng Như Niệm, Dương Kim Lệ; học sinh Lương Đinh Lăng, Phương Quốc Văn, Bế Đức Hoan, Hoàng Thị Thanh Nga, Hoàng Quang Tì, Hoàng Thị Thuấn, Dương Cẩm Mỹ, Hoàng Văn Phương. Nhờ những thành tích đó, Nhà trường được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bức trướng với dòng chữ “Tuổi trẻ dũng cảm bảo vệ Tổ quốc”.
Tháng 8 năm 1986, trường chuyển về Đồng Bành, huyện Chi Lăng và được đổi tên thành PTTH Dân tộc, thầy Nguyễn Đức Nga từ Sở Giáo dục về làm hiệu trưởng, trở thành thầy hiệu trưởng thứ hai của Trường. Thời kỳ này, Trường tiếp nhận học sinh của khu vực Chi Lăng, Đồng Bành, Sông Hoá vì thế có năm sĩ số lên tới gần 500 em. Trong 5 năm ở Đồng Bành là thời kỳ đáng nhớ với thầy trò nhà trường và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với nhân dân địa phương.
Từ năm 1990 trường chuyển dần lên tiếp quản vị trí của trường Trung cấp Nông nghiệp (cũ) tại thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thị xã Lạng Sơn. Thực hiện Quyết định số 145 UB/QĐ/KTTH ngày 06/4/1991 của UBND tỉnh Lạng Sơn, Trường được chuyển ra cơ sở của trường Sư phạm 12 2 (địa điểm hiện nay) và tuyển sinh từ cấp THCS. Năm học đầu tiên trên địa điểm mới có 2 lớp 6, 2 lớp 7, 1 lớp 8 và 1 lớp 9, tổng số 157 học sinh. Thực hiện Chương trình nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục dân tộc, năm 1994, ngôi trường mới khang trang đã hoàn thành. Cũng trong năm này, cô giáo Hoàng Thị Sa được điều từ trường chuyên Chu Văn An về làm Hiệu trưởng, cô là Hiệu trưởng thứ ba và là nữ Hiệu trưởng đầu tiên của Trường. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của quê hương Xứ Lạng, nhà trường dần ổn định nền nếp dạy học và vững bước đi lên, chất lượng giáo dục ngày một nâng cao, thành tích đạt được cũng nhiều hơn. Ghi nhận những cố gắng của thầy trò nhà trường, tháng 11 năm 2003, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đầu năm 2006 thầy Phương Ngọc Thuyên từ trường THPT Đồng Đăng về làm Hiệu trưởng thứ tư của trường. Thời kỳ này nhà trường được đầu tư nâng cấp cải tạo xây dựng kè đá, tường rào, công trình phụ, sân vườn hoàn thiện, môi trường xanh – sạch – đẹp và an toàn. Chất lượng giáo dục được nâng cao, công tác chăm sóc nuôi dưỡng học sinh có nhiều chuyển biến tích cực, thành tích đạt được cũng nhiều hơn. Những cố gắng của thầy trò nhà trường đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào dịp cuối năm 2008, nhân kỷ niệm 35 năm thành lập.
Sau nhiều năm quyết tâm cố gắng, nâng cao chất lượng, đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia, ngày 21 tháng 12 năm 2009 nhà trường đã vinh dự trở thành trường THPT đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thầy trò nhà trường phấn khởi, tích cực, cố gắng, tự tin trong thực hiện nhiệm vụ, nhờ đó các kết quả đạt được đã tốt hơn. Trong 5 năm học gần đây, tỉ lệ học sinh có đạo đức tốt và khá bình quân đạt 98,5%. Học lực từ trung bình trở lên bình quân đạt 99,3%. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được quan tâm đầu tư đúng mức, trong 5 năm Trường đạt 3 giải học sinh giỏi cấp Quốc gia và 359 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; tỉ lệ tốt nghiệp luôn đạt 100%, số học sinh tốt nghiệp loại giỏi và khá hai năm liên tục đạt cao nhất tỉnh, là một trong 5 trường thuộc hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc giữ vững tỉ lệ 5 năm liên tục tốt nghiệp 100%.
Học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học trong 5 năm gần đây bình quân đạt 82,7%. Kết quả thi đại học năm 2013 có số điểm bình quân 15,21 điểm, xếp thứ 300 trên tổng số hơn bốn nghìn cơ sở giáo dục, trường học toàn quốc. Kết thúc năm học 2012 – 2013 có 6 tổ chuyên môn đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến; Trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua. 100% cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt Lao động tiên tiến 98,5%, trong đó có 18 Chiến sĩ thi đua cơ sở, 3 người được đề nghị xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh… Ghi nhận những cố gắng của thầy trò nhà trường, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là động lực để thầy trò nhà trường cùng tích cực, quyết tâm cố gắng viết tiếp những trang sử vàng tô thắm cho truyền thống 40 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành.
Nhìn lại chặng đường với biết bao khó khăn đã qua, ngày nay trong công cuộc xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng phát triển lớn mạnh, phát huy truyền thống tốt đẹp sẵn có, nhà trường quyết tâm thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp. Trước hết là giúp các em học sinh dân tộc thiểu số xóa bỏ mặc cảm, tự ti để hòa nhập và thân thiện; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, trong sạch, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững tỷ lệ tốt nghiệp 100%, tăng cường tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; phấn đấu xây dựng nhà trường đạt chuẩn cấp độ 2 vào năm 2014, nâng cao chất lượng giáo dục ổn định và bền vững trong những năm tiếp theo. Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, sự chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ thầy trò nhà trường, chúng ta luôn tin tưởng nhà trường sẽ tiếp tục thu được những thắng lợi và thành công thật nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày càng giàu đẹp hơn.
Ý kiến ()