Từ "Hai tốt" ngày ấy nhân lên…
Những năm 60 của thế kỷ trước, thực hiện nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc, làm hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến miền nam, đã dấy lên phong trào thi đua rộng khắp miền bắc, như “sóng Duyên Hải”, “gió Đại Phong”, “cờ Ba Nhất”, “trống Bắc Lý”…
Ngày đó, Trường cấp II Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn “biến không thành có”, “biến thiếu thành đủ” để dạy thật tốt, học thật tốt. Thầy và trò nhà trường đã vinh dự được Bác Hồ biểu dương và Hà Nam tự hào trở thành quê hương “Hai tốt”. Trong giai đoạn mới, niềm tự hào đã nhân lên thành động lực, để Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sâu nặng ân tình
Hà Nam, vùng đất cửa ngõ phía nam của Thủ đô ngay từ những ngày đầu gian khó của cách mạng Việt Nam, đã luôn nhận được sự quan tâm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Những năm 30 của thế kỷ trước, từ nước ngoài, Người đã viết thư gửi tổ chức Quốc tế Nông dân ca ngợi phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân, nông dân trong nước và Hà Nam. Trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Người đánh giá cao vai trò, sức mạnh của lực lượng cách mạng và tổ chức quần chúng ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Nam Định. Ngay sau khi giành chính quyền, dù bộn bề công việc, Bác vẫn dành thời gian viết thư thăm hỏi, động viên Hà Nam nỗ lực khắc phục hậu quả trận vỡ đê phía bắc sông Châu Giang… Đảng bộ và nhân dân Hà Nam vinh dự hai lần được đón Bác về thăm, được Người nhiều lần viết thư khen, tặng cờ thi đua vì có thành tích nổi bật về tinh thần sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, về nỗ lực trở thành địa phương dẫn đầu trong phong trào thi đua làm thủy lợi, đắp đê, phòng, chống lụt bão; động viên con em tòng quân tham gia kháng chiến… Biểu dương ngành giáo dục nước nhà, trong bài báo “Một thành tích vẻ vang” của Bác, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 7-9-1961, Người đã khuyến khích mỗi cá nhân nhận rõ trách nhiệm góp phần vào sự nghiệp giáo dục và đề nghị các nhà trường phát động và nhân rộng phong trào thi đua Hai tốt từ Bắc Lý.
Những mong muốn thiết tha và ân tình sâu nặng Người dành cho Hà Nam đã trở thành di sản tinh thần, là sức mạnh để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn trong từng giai đoạn cách mạng. Giá trị nhân văn từ phong trào Hai tốt không chỉ được nhắc lại và lan tỏa trong các nhà trường mà còn là động lực để cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, nhân lên giá trị nền tảng ấy, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo hướng dẫn, biên soạn đề cương chuyên đề, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một số đơn vị lựa chọn nội dung đột phá phù hợp chức năng, nhiệm vụ cụ thể; xây dựng quy chế, quy định về định kỳ người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đối thoại với nhân dân, kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chú trọng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, xử lý nghiêm các sai phạm… Nhiều mô hình điểm đã mang lại hiệu quả thiết thực, được triển khai nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tạo chuyển biến tích cực về hành động của các địa phương, cơ quan, đơn vị, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
Sáng kiến từ nhân dân, vì nhân dân phục vụ
Với phương châm đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động, gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua yêu nước, Tỉnh ủy Hà Nam chủ trương các cấp ủy hướng mạnh về cơ sở, giải quyết hiệu quả những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Nhiều tổ chức đảng đã có cách làm hay, tạo hiệu ứng lan tỏa hành động vì nhân dân phục vụ.
Sáng kiến Móc khóa an ninh của Chi bộ Công an phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý là một điển hình. Xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhằm tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, ý tưởng công khai các số điện thoại tiếp nhận thông tin, đường dây nóng của lực lượng Công an phường trên chiếc móc khóa nhỏ gọn, là giải pháp đơn giản nhưng rất tiện lợi cho người dân tham gia tố giác tội phạm.
Đồng chí Trương Quang Hà, Trưởng Công an phường Thanh Tuyền chia sẻ, trên thực tế nhiều người có tâm lý ngại đến trụ sở công an tố giác tội phạm, nên phải làm sao để khuyến khích họ chủ động, dễ dàng liên lạc với lực lượng công an. Bởi thế, móc khóa an ninh có ý nghĩa rất thiết thực mỗi khi người dân cần trình báo, và họ dễ dàng nhận được sự giúp đỡ nhanh chóng từ lực lượng chức năng. Móc khóa an ninh cũng là cầu nối liên kết giữa các tổ, chốt an ninh tự quản, thắt chặt mối quan hệ giữa chính quyền, công an với nhân dân, không chỉ kịp thời ngăn chặn tội phạm, giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở mà còn tạo lòng tin, sự gần gũi thân thiện với nhân dân; đồng thời vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm. Trong thời gian từ tháng 7-2020 đến nay, qua số máy được công khai trên móc khóa, Công an phường đã tiếp nhận hàng trăm tin báo của quần chúng nhân dân, trong đó có 50 tin liên quan tội phạm và vi phạm pháp luật. Các tin còn lại là giải đáp khó khăn vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính và tranh chấp dân sự. Sáng kiến này được nhân dân đồng tình ủng hộ, hợp tác và đánh giá rất cao.
“Ngày thứ bảy vì dân” ở Đảng bộ thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, qua hơn ba năm triển khai đã tạo chuyển biến căn bản trong chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công vụ. Với phương châm “hết việc, không hết giờ”, phần lớn đề xuất, kiến nghị của nhân dân đã được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thị trấn tập trung giải quyết; song song chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các nhà hảo tâm hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thực hiện tốt vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp với mục tiêu xây dựng thị trấn là đô thị văn minh…
Đã thành nền nếp tự giác, cán bộ, công chức thị trấn Bình Mỹ mỗi tháng dành ít nhất hai buổi xuống các tổ dân phố, cùng người dân tổng vệ sinh môi trường, chăm sóc đường hoa. Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Bình Mỹ, Nguyễn Trung Tuấn, kết quả nhìn thấy được từ “Ngày thứ bảy vì dân” là đã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở các tổ dân phố, phục vụ người dân đi lại và công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Cán bộ, công chức thường xuyên đi làm cả thứ bảy và chủ nhật (như bộ phận chính sách), để kịp thời trao chế độ người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội tới người được hưởng; hoặc trực tiếp xuống cơ sở làm việc với người dân, không để tồn đọng hồ sơ liên quan chính sách. Đảng ủy đã giao các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng chục thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn… Năm 2019, cụ thể hóa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị qua triển khai thực hiện chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ, Đảng ủy yêu cầu cán bộ, công chức ký cam kết làm theo Bác, với “sáu biết, năm không, ba thể hiện” gồm: Biết: nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, biết chia sẻ, xin lỗi – sửa lỗi và cảm ơn; Không: hách dịch, quan liêu, tham ô, né tránh và chậm trễ; Thể hiện: tôn trọng, văn minh và gần gũi. Cùng những việc làm cụ thể như xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, tổ dân phố văn minh, nếp sống văn hóa, Bình Mỹ hướng tới mục tiêu xây dựng thị trấn trở thành đô thị văn minh kiểu mẫu trong toàn tỉnh.
Nhân rộng hiệu quả từ các mô hình điểm
Một trong những điểm nhấn từ mô hình “Cải cách hành chính, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ” được áp dụng rộng rãi thời gian qua tại huyện Bình Lục là tạo sự thay đổi rõ nét khi tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, từ huyện tới cơ sở; giảm phiền hà, tránh lãng phí thời gian. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu, tiêu chí mà mô hình đặt ra cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền. Mô hình này cùng với “Ngày thứ bảy vì dân” là hai mô hình được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo tiếp tục duy trì và nhân rộng ở tất cả các đảng bộ, chi bộ trực thuộc.
Trong chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Lục yêu cầu các cấp ủy lựa chọn mô hình cụ thể, phù hợp chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, tạo hiệu ứng lan tỏa bằng kết quả thực tế. Trên cơ sở khảo sát ở tất cả các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, năm 2017, Huyện ủy Bình Lục đã lựa chọn ba mô hình điểm cấp huyện, đó là: Đảng ủy xã Tràng An thực hiện “Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức xã, trung thực, gần dân, sát dân, gắn bó với nhân dân”; Chi bộ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã An Ninh với mô hình “Vai trò lãnh đạo của chi bộ trong tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất” và Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thọ (nay là thị trấn Bình Mỹ) với mô hình “Hội Cựu chiến binh phối hợp Ban Công an xã bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm”. Hiệu ứng thực tế từ mô hình điểm sau khi đánh giá và được nhân rộng, góp phần đưa việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị vào chiều sâu, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Qua thực hiện mô hình phát huy dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tại Đảng bộ xã Thanh Sơn cho thấy, kết quả tích cực khi chọn “điểm” trúng và đúng. Điều đó thể hiện bằng con số thực tế, ngày càng có nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp như nuôi cá công nghệ cao “sông trong ao”; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 75,3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 0,89% (đều thuộc diện bảo trợ xã hội). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,5%. Đến nay, xã Thanh Sơn đã cơ bản hoàn thành bốn tiêu chí và 13 chỉ tiêu trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo Huyện ủy Kim Bảng, qua 5 năm chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm, có sơ kết, đánh giá hiệu quả hằng năm, đã có hàng trăm mô hình phát huy tác dụng và nhân rộng. Hiện tại, toàn huyện đang duy trì thực hiện 153 mô hình điểm, trong đó có tám mô hình cấp huyện và 145 mô hình cấp cơ sở. Qua đó, tinh thần trách nhiệm, lề lối, tác phong làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành từng bước được nâng lên. Các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực, tự giác học tập và làm theo Bác, tạo nên các phong trào thi đua rộng khắp.
Thời gian này, cùng với cả nước, toàn hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam đang nỗ lực cao nhất thực hiện cùng lúc những mục tiêu kép, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và hoàn tất các khâu chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Một trong những bài học kinh nghiệm được chỉ ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đó là kiên trì, sáng tạo, tận tâm, trách nhiệm, xác định đúng khâu đột phá trong từng thời kỳ; bảo đảm cân đối giữa chỉ đạo “điểm” và “diện”, sâu sát cơ sở, bám sát công việc, gần dân, vì dân. Kinh nghiệm này sẽ tiếp tục là tiền đề, là nền tảng để Đảng bộ và nhân dân Hà Nam tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Ý kiến ()