Từ hai bàn tay trắng trở thành nông dân sản xuất giỏi
- Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989, đến nay đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước. Nhân dịp diễn ra Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV, chúng tôi xin giới thiệu một số cá nhân điển hình, tiêu biểu trong phong trào thi đua từ cơ sở các cấp Hội, vinh dự là đại biểu về dự Hội nghị lần này.Đó là trường hợp của anh Nguyễn Đức Hưng (trong ảnh), 44 tuổi, cư trú tại tổ 7, phường Chiềng Sinh (TP Sơn La). Cách đây tám năm, vợ chồng anh còn sinh sống trong ngôi nhà toóc-xi, vách đất. Năm 2006, gia đình anh Hưng mới được Ban xóa đói giảm nghèo của xã Chiềng Sinh công nhận đạt tiêu chuẩn hộ thoát nghèo. Bắt đầu từ đó, việc làm ăn của vợ chồng anh Hưng cũng xuôi chèo mát mái, trở thành người nông dân tiêu biểu vượt khó, vươn lên làm...
|
Đó là trường hợp của anh Nguyễn Đức Hưng (trong ảnh), 44 tuổi, cư trú tại tổ 7, phường Chiềng Sinh (TP Sơn La). Cách đây tám năm, vợ chồng anh còn sinh sống trong ngôi nhà toóc-xi, vách đất. Năm 2006, gia đình anh Hưng mới được Ban xóa đói giảm nghèo của xã Chiềng Sinh công nhận đạt tiêu chuẩn hộ thoát nghèo. Bắt đầu từ đó, việc làm ăn của vợ chồng anh Hưng cũng xuôi chèo mát mái, trở thành người nông dân tiêu biểu vượt khó, vươn lên làm giàu bằng ý chí quyết tâm và cách nghĩ, rất đáng để nhiều hộ nông dân còn nghèo khó học tập.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Hưng kể: Ban đầu vợ chồng anh nuôi lợn theo lối cũ, thấy người ta làm sao thì mình bắt chước, do không có kiến thức về chăn nuôi, cho nên ba con lợn nái đầu tiên bị lỗ. Năm 2006-2007, được Hội Nông dân TP Sơn La giúp đỡ cho tham gia một khóa tập huấn về quy trình chăn nuôi lợn theo công nghệ của Công ty CP Thái-lan. Đây là mô hình chăn nuôi lợn sạch, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, chuồng trại phải đầu tư khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp thu qua sách vở chưa thỏa mãn, anh còn đi thực tế tìm hiểu một số mô hình chăn nuôi lợn nái ở các tỉnh dưới xuôi. Về Sơn La, anh Hưng “xin học việc” ở trang trại chăn nuôi của ông Bắc (mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả ở phường Chiềng Sinh – TP Sơn La). Sau một thời gian theo đuổi cách làm ăn mới, anh Hưng đúc rút ra điều quan trọng tiên quyết đối với người nông dân là phải có kiến thức, thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật và đôi khi phải có một chút mạo hiểm, nhạy cảm với thị trường.
Năm 2009, anh Hưng đầu tư 1,5 tỷ đồng mở rộng diện tích chuồng lên 550 m2, xây hầm khí bi-ô-ga, nuôi 50 con lợn nái. Năm 2010, lợn giống trên thị trường khan hiếm, lợn giống chuyển từ dưới xuôi lên khó nuôi, trong khi lợn giống của anh Hưng khỏe, chóng lớn, cho nên các hộ chăn nuôi lợn rất thích. Năm đó, tiền bán lợn giống được 1,2 tỷ đồng, dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi và tinh phối nhân tạo được 100 triệu đồng. Tiếp tục năm 2011 và 2012, anh Hưng mở rộng khu chuồng trại lên hơn 1.000 m2, xây thêm kho bãi cung ứng dịch vụ thức ăn, thuê bảy lao động, có việc làm thu nhập từ ba đến bốn triệu đồng/tháng. Thu nhập từ mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt hướng nạc và cung ứng dịch vụ thu mua nông sản của anh Hưng đã lên con số hàng tỷ đồng.
Điều đặc biệt ở anh Hưng là khi có vốn, anh đã biết mở hướng đầu tư sang lĩnh vực khác. Ba năm qua, một phần lợi nhuận thu được từ chăn nuôi lợn nái, anh Hưng đầu tư sang làm dịch vụ cho bà con bên huyện Nậm Ét (nước CHDCND Lào). Thấy người dân bên nước bạn đất đai rộng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, lại được tỉnh Sơn La và Hủa Phăn khuyến khích bà con hai bên biên giới mở rộng liên kết làm ăn, anh Hưng đã liên hệ mua giống ngô lai NVL10 cho họ trồng thử, năng suất tăng gấp hai đến ba lần. Để làm ăn lâu dài, anh Hưng phối hợp với một doanh nghiệp Lào góp vốn, mở công ty liên doanh Pịa An chuyên kinh doanh hàng nông sản. Được người dân và chính quyền địa phương nước bạn Lào tin tưởng, anh đã đầu tư mở 20 km đường vào các khu sản xuất để vận chuyển nông sản. Hằng năm, công ty của anh Hưng thu mua cho bà con hàng nghìn tấn ngô, hàng trăm tấn đậu tương, thóc lúa. Với cách làm như vậy, đời sống của 350 hộ dân thuộc năm bản khu Nậm Ét, huyện Mường Ét được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Theo anh Hưng, muốn làm ăn lâu dài, phải giữ chữ tín, phải có niềm tin, mình có lợi, bà con cũng phải có lợi. Cái tên công ty liên doanh Pịa An hôm nay đã trở nên gần gũi, thân thiết với bà con nhân dân nước bạn Lào.
Từ một nông dân hai bàn tay trắng, chưa đầy 10 năm qua, anh Hưng đã trở thành một nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi. Gia đình anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, giúp đỡ bà con hàng xóm nghèo, cộng đồng dân cư vươn lên trong cuộc sống. Chia tay người nông dân có nước da sạm dày sương gió, gương mặt rắn rỏi, đôi mắt sáng, tôi nhớ mãi mấy điều gan ruột kinh nghiệm làm ăn của anh, rằng muốn làm giàu phải có khát vọng, có kiến thức khoa học kỹ thuật và có vốn. Với người nông dân phải nhớ lấy ngắn nuôi dài, đừng tham, vốn đi vay đẻ lãi phải tính toán kỹ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()