Tự động hóa ngành sản xuất, chế tạo: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao?
Có tới 94% các doanh nghiệp FDI trong ngành sản xuất chế tạo có định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ mới và tự động hóa. Điều này sẽ đòi hỏi những kỹ năng mới đối với lao động.
Trước làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có ngày càng gia tăng hiện nay, dự báo cơ cấu nhân lực sẽ có sự thay đổi cơ bản, đặc biệt là trong ngành sản xuất, chế tạo. Xu hướng này càng thể hiện rõ hơn khi dòng chảy đầu tư nước ngoài đang hướng tới các ngành sản xuất, chế tạo yêu cầu lao động có trình độ từ trung bình đến cao, không còn chủ yếu là các lao động tay nghề thấp hoặc không có kỹ năng.
Ứng dụng công nghệ là xu thế
Tiến sỹ Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội cho biết hầu hết các doanh nghiệp FDI có định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ mới và tự động hóa, chiếm tới 94%. Đây là tín hiệu tích cực cho phát triển kinh tế và nhu cầu việc làm kỹ năng cao trong khu vực FDI trong thời gian tới.
“Trong giai đoạn 2021-2023, 100% doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển mới lao động có kỹ năng (cao, trung, thấp) để phục vụ cho mở rộng sản xuất kinh doanh, thay thế nhân viên thuyên chuyển… đặc biệt cho đầu tư nâng cấp công nghệ và tự động hóa,” bà Trịnh Thu Nga cho hay.
Trong khi đó, ông Bùi Tôn Hiến-Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cũng nhận định làn sóng lây nhiễm của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021. Các doanh nghiệp sẽ phải tổ chức sản xuất kinh doanh vừa hiệu quả, vừa an toàn. “Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo sẽ nghiêng về tự động hóa nhiều hơn và vì vậy sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhu cầu kỹ năng lao động, việc làm có kỹ năng trên thị trường lao động trong vòng 2-3 năm tới,” ông Hiến cho hay.
Theo kết quả khảo sát “Thực trạng và nhu cầu kỹ năng của lao động trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam giai đoạn 2021-2023” do Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và ManpowerGroup Việt Nam thực hiện, phần lớn các doanh nghiệp FDI hiện nay đang ứng dụng các công nghệ hiện đại ở trình độ cao đến rất cao (chiếm 32%) hay trình độ trung bình (63%). Chỉ có 5% doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ ở trình độ thấp và rất thấp.
Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại ngày càng tăng, kết quả khảo sát cho thấy gần một nửa số lao động (46%) trong các doanh nghiệp FDI đang làm các công việc kỹ năng thấp (giản đơn) và tỷ lệ này đặc biệt cao ở các ngành lắp ráp ô tô/xe máy, may mặc và điện tử. Khoảng 1/3 lao động đang làm các công việc có kỹ năng trung bình và trung bình thấp như nhân viên văn phòng; dịch vụ và bán hàng; thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị.
Khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI cho thấy phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tính kỷ luật, tuân thủ trong công việc và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật là hai kỹ năng mà doanh nghiệp đánh giá là quan trọng hàng đầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ luôn đóng một vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp FDI, song lại bị đánh giá là khả năng đáp ứng kém nhất trong bộ kỹ năng được khảo sát.
Nhóm các kỹ năng mà doanh nghiệp gặp khó khăn nhất trong tuyển dụng bao gồm: Kỹ năng chuyên môn; khả năng ngoại ngữ; kỹ năng phân tích, tư duy logic và phản biện; kỹ năng sáng tạo, đề xuất ý tưởng; kỹ năng lãnh đạo/quản lý, kỹ năng ra quyết định, định hướng hiệu quả; kỹ năng giải quyết vấn đề/xử lý xung đột.
5 vị trí được sự báo có nhu cầu tuyển dụng cao trong giai đoạn 2021-2023 gồm: Công nhân sản xuất, vận hành máy móc thiết bị; kỹ sư, kỹ thuật viên trong các lĩnh vực và các cấp trình độ; nhân viên kinh doanh, bán hàng; nhân viên chăm sóc khách hàng; nhân viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
65% công việc mới chưa xuất hiện
Cuộc cách mạng sản xuất trên toàn cầu đang diễn ra với sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống máy móc. Ông Simon Matthews, Giám đốc khu vực ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho biết sẽ có 65% công việc mà Gen Z (những người trẻ sinh từ năm 1996 trở đi) sẽ làm nhưng hiện vẫn chưa tồn tại trên thị trường lao động.
Ông Simon Matthews dự báo khoảng gần 50% các vị trí công việc trong ngành sản xuất sẽ thay đổi trong 3-5 năm tới. Số hóa ngành sản xuất đang tạo ra nhu cầu kỹ năng cao hơn. Những vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng số hóa như tự động hóa, thiết bị đo đạc và chế tạo robot đang gia tăng dưới ảnh hưởng của công nghệ.
Việt Nam là một quốc gia châu Á có quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ cùng với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Việt Nam ngày càng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm trong nước. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi kỹ năng số mạnh mẽ trong các doanh nghiệp cũng sẽ đòi hỏi những kỹ năng mới ở người lao động.
Theo bà Trịnh Thu Nga, các cơ sở giáo dục đào tạo cần quan tâm hơn đến việc đào tạo những kỹ năng làm việc cốt lõi, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên; đặc biệt cần chuẩn hóa, cập nhật ngành nghề đào tạo tại theo vị trí nghề nghiệp tại doanh nghiệp để đào tạo nguồn lao động phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
“Dưới tác động của công nghệ mới, các doanh nghiệp cần phát triển một chiến lược nhân sự hiệu quả. Khi việc tìm kiếm nhân tài có kỹ năng chuyên môn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, nhà tuyển dụng cần phát triển nhân tài nội bộ, thuyên chuyển vị trí nhân sự khi cần thiết và tìm nguồn nhân tài từ dịch vụ cung ứng nhân sự có bộ kỹ năng cần thiết. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong ngắn, trung và dài hạn,” ông Simon nhấn mạnh.
Hiện nay, mặc dù Việt Nam phải chịu nhiều tác động từ đại dịch nhưng ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp tích cực cho viễn cảnh khôi phục nền kinh tế. Ông Simon Matthews cho rằng Việt Nam đang dần trở thành công xưởng sản xuất tại châu Á nhờ vào nhiều lợi thế như lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh, chính sách thuế quan hấp dẫn, môi trường chính trị ổn định, lợi thế địa lý và chính sách thương mại cởi mở.
“Các doanh nghiệp nước ngoài đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển ngành sản xuất lên một tầm cao mới, tạo ra hàng ngàn việc làm ý nghĩa cho lực lượng lao động trong nước,” ông Simon Matthews nhận định./.
Ý kiến ()