Từ đơn lẻ tới sản xuất tập thể
LSO-Hiệu quả của cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên với điều kiện đất đai manh mún, chỉ với quy mô vài ha, mà có tới vài chục hộ gia đình tham gia là cái khó để đưa cánh đồng mẫu thành cánh đồng lớn thực sự. Điều cốt yếu là phải có người có thể đứng ra tổ chức sản xuất.
Trình diễn kỹ thuật gieo thẳng bằng giàn kéo trên địa bàn xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình |
Tìm hiểu thực tế về việc triển khai cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đại diện Công ty Giống cây trồng và Con nuôi Ninh Bình khẳng định: Lạng Sơn đã đi đúng hướng, triển khai bài bản và khẳng định được hiệu quả của cách làm đồng loạt. Nếu như các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, với điều kiện đất đai tập trung, chỉ vài hộ gia đình là có thể xây dựng được cánh đồng lớn tới vài chục ha. Còn ở Lạng Sơn, trong điều kiện đất đai manh mún, việc xác định quy mô cánh đồng lớn dao động trong biên độ 3-5ha là rất phù hợp. Trong tổng số hơn 10 mô hình cánh đồng mẫu lớn mà Trung tâm Khuyến nông triển khai trong vụ xuân 2012-2013 với giống lúa mới và canh tác đồng loạt bằng biện pháp gieo thẳng, năng suất bình quân đã tăng hơn 15% so với vụ trước, trung bình đạt khoảng 77 tạ/ha. Hạch toán kinh tế cho thấy, hiệu quả cao hơn 9,7 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, cách làm đồng loạt cùng biện pháp canh tác, cùng chủng loại giống và cùng một thời điểm của cánh đồng mẫu lớn còn giúp nhà nông bước đầu làm quen với sản xuất công nghiệp, tác phong làm việc tập thể, theo đúng phương châm “nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn”. Ông Vi Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Mai, huyện Văn Quan khẳng định: mô hình cánh đồng mẫu lớn triển khai thí điểm trên địa bàn xã trong vụ xuân vừa qua được nhân dân rất đồng tình hưởng ứng, tác động mạnh đến tập quán canh tác của nhà nông, đây là mô hình mà xã sẽ nỗ lực tiếp tục nhân rộng. Tuy nhiên cái khó là việc tổ chức sản xuất, bởi đất đai quá manh mún, chỉ thí điểm vài ha mà phải huy động vài chục hộ gia đình tham gia.
Các mô hình thí điểm cánh đồng mẫu lớn của Trung tâm Khuyến nông có tổng quy mô khoảng 55ha, thì có tới 440 hộ gia đình tham gia. Rõ ràng việc vận động, tổ chức sản xuất đồng loạt cho hàng trăm hộ gia đình này không hề đơn giản, bởi tập quán canh tác riêng lẻ đã tồn tại từ rất lâu. Tôi vẫn nhớ câu chuyện triển khai cánh đồng ngô giống của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nguyễn Công Bình cách đây hơn chục năm. Khi ấy vận động được cả thôn tham gia, chỉ duy nhất một hộ không chịu, trồng ngay giống ngô khác làm cho cả cánh đồng giống thất bại. Nhắc lại để thấy tác phong làm việc tập thể của nhà nông Xứ Lạng còn rất nhiều hạn chế.
Tuy vậy không phải là không thể nhân rộng cánh đồng lớn trên đồng đất Xứ Lạng. Thực tế đã chứng minh những cánh đồng lớn đã tồn tại từ lâu và bền vững như cánh đồng thuốc lá Bắc Sơn, vùng nguyên liệu chè ở Lâm Ca, Thái Bình, huyện Đình Lập… Kinh nghiệm ở những vùng ấy là có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp từ cung ứng vật tư, chuyển giao khoa học đến thu mua sản phẩm. Chính quyền các cấp có vai trò định hướng, khoanh vùng quy hoạch, quản lý sản xuất theo quy hoạch và đảm bảo các ký kết giữa nhà nông, doanh nghiệp được thực thi. Trong đó quan trọng nhất, vai trò tổ chức sản xuất được cụ thể hóa tới từng thôn.
Vụ xuân năm nay, Trung tâm khuyến nông tiếp tục triển khai cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn 6 huyện với quy mô 30ha, kết hợp giữa sử dụng giống lúa mới với gieo thẳng bằng giàn kéo và bón phân viên nén dúi sâu, nhả chậm. Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: điều đáng mừng là các huyện năm nay không nằm trong chương trình của khuyến nông cũng đã tự xây dựng các mô hình như thành phố Lạng Sơn, Đình Lập… điều này thể hiện rất rõ sự quyết tâm xây dựng cánh đồng lớn của chính quyền các cấp. Tuy việc xây dựng mô hình mới chỉ đang áp dụng đối với lúa, nhưng bước đầu đã có sự chủ động phối hợp với doanh nghiệp ở một số huyện, đây là tín hiệu rất đáng mừng, củng cố thêm niềm tin vào thành công của cánh đồng lớn.
Chỉ với cây lúa, áp dụng đồng loạt đầy đủ các biện pháp kỹ thuật mới hiện nay, nhà nông giảm được chi phí đầu vào tới vài triệu đồng/ha, trong khi đó năng suất tăng tới gần 20%, hiệu quả kinh tế vượt gần 10 triệu đồng/ha so với cách làm đơn lẻ truyền thống. Đây là những con số ấn tượng đã được kiểm chứng. Việc nhà nông hợp sức nhân rộng cánh đồng lớn sẽ là tiền đề quan trọng để hướng tới sản xuất trên quy mô lớn, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()