TỪ ĐỘI DU KÍCH BẮC SƠN NĂM XƯA ĐẾN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM NGÀY NAY
Hội nghị nhận định: “Nhiệm vụ cấp bách nhất được đặt ra lúc này là làm thế nào huy động mọi lực lượng để cứu nước, giải phóng dân tộc… Muốn thế phải đoàn kết toàn dân, tập hợp các đoàn thể, hội cứu quốc, các tầng lớp nhân dân…”. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh (19-5-1941) và công bố tuyên ngôn, chương trình và Điều lệ Việt Minh, gồm 46 điểm. Tinh thần cơ bản của chính sách ấy là: “Cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. 2. Làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng tự do”.
Dưới chân đèo Tam Canh, huyện Bắc Sơn hôm nay – Ảnh: LỘC HOÀN |
Hội nghị quyết định xây dựng tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức, ra Nghị định: “Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc”, một tổ chức quân sự rộng rãi của quần chúng có khả năng tiến hành chiến tranh du kích và quyết định thành lập các căn cứ địa cách mạng. Đối với phong trào cách mạng Bắc Sơn, Hội nghị quyết định giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng (gồm các đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ) trực tiếp chỉ đạo duy trì và phát triển lực lượng du kích Bắc Sơn. Đồng thời cử một số cán bộ quân sự, chính trị tăng cường cho Ban chỉ huy, bổ sung lực lượng cho Đội du kích Bắc Sơn. Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Đội du kích Bắc Sơn được đổi thành Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn và được nâng lên thành Trung đội Cứu quốc quân I để làm nòng cốt phát triển lực lượng vũ trang và mở rộng căn cứ, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trong cả nước. Trung đội gồm có 37 người, được biên chế thành 3 tiểu đội. Ban Chỉ huy Trung đội gồm có: Phùng Chí Kiên, Ủy viên trung ương Đảng làm chỉ huy trưởng; Lương Văn Chi làm chính trị viên; Chu Văn Tấn làm chỉ huy phó.
Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến ngày càng phát triển, từ kinh nghiệm của Trung đội Cứu quốc quân I, ngày 15-9-1941, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập, gồm 47 người (có 3 nữ). Ban Chỉ huy Trung đội gồm chỉ huy trưởng Chu Văn Tấn, chính trị viên Nguyễn Cao Đàm và chỉ huy phó là Trần Văn Phấn. Trung đội biên chế 5 tiểu đội. Nhiệm vụ trước mắt của Trung đội Cứu quốc quân II là đấu tranh chống địch khủng bố, diệt ác, trừ gian, củng cố và phát triển các đội tự vệ làm nguồn bổ sung cho Cứu quốc quân, củng cố và mở rộng địa bàn hoạt động ra các nơi, duy trì tiếng súng đấu tranh để cổ vũ phong trào cách mạng toàn quốc. Cũng như Trung đội Cứu quốc quân I, Trung đội Cứu quốc quân II đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ban Chỉ huy Cứu quốc quân II tổ chức tuyển chọn thanh niên, du kích gia nhập Cứu quốc quân. Đến cuối tháng 10-1941, Trung đội Cứu quốc quân II phát triển lên 70 người, biên chế thành 7 tiểu đội, do đồng chí Đào Văn Trường, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng, đồng chí Cao Đàm làm chính trị viên; các chỉ huy phó gồm Chu Văn Tấn, Lê Dục Tôn, Trần Văn Phấn.
Giữa vòng vây của quân thù, cán bộ, chiến sĩ Trung đội Cứu quốc quân I cùng tự vệ và quần chúng nhân dân anh dũng chiến đấu chống địch khủng bố, tháng 7-1941, bảo vệ các đồng chí Trung ương về xuôi an toàn. Trung đội Cứu quốc quân II vừa học tập chính trị, huấn luyện quân sự, vừa đánh một số trận tiêu biểu. Đó là các trận Khuôn Ken (2-10-1941), Khuôn Ba (5-10-1941), Khuôn Dã (15-10-1941), Mỏ Mùng (12-10-1941), Tràng Xá (31-10-1941)… gây cho địch nhiều thiệt hại. Ta bảo vệ, phát triển lực lượng và mở rộng căn cứ. Địch lo sợ và gọi Cứu quốc quân là “Hùm xám Bắc Sơn”. Cuộc kháng chiến của ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, ngày 25-2-1941, Trung đội Cứu quốc quân III được thành lập, gồm 30 người, do đồng chí Triệu Khánh Phương làm Trung đội trưởng, đồng chí Phương Cương làm chính trị viên, đồng chí Chu Phóng làm Trung đội phó. Thay mặt Trung ương, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã công nhận và trao cờ đỏ sao vàng, giao nhiệm vụ cho Trung đội. Trung đội Cứu quốc quân III ra đời đánh dấu sự phát triển của Cứu quốc quân. Từ một Trung đội phát triển thành 3 trung đội, hoạt động trên một địa bàn rộng lớn thuộc các huyện Võ Nhai, Đình Cả, Đại Từ (Thái Nguyên), Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định (Lạng Sơn), Yên Thế, Hữu Lũng (Bắc Giang). Sau đó mở rộng cả Sơn Dương, Hàm Yên, Na Hang (Tuyên Quang) sang cả Lập Thạch (Vĩnh Yên). Tại các địa phương này, Cứu quốc quân đã tổ chức và huấn luyện cấp tốc về quân sự, chính trị được nhiều trung đội, tiểu đội vũ trang, phối hợp với quần chúng bảo vệ trật tự trị an làng bản, bảo vệ cơ sở cách mạng, tổ chức quần chúng vào các Hội Cứu quốc quân. Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, ngày 7-5-1944, theo chủ trương của Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về “Sửa soạn khởi nghĩa” để đẩy mạnh phong trào lên một bước mới. Không khí cách mạng sôi sục khắp các tỉnh trên địa bàn hoạt động của Cứu quốc quân. Để đáp ứng với nhu cầu cách mạng, Bác Hồ chủ trương thành lập đội vũ trang tuyên truyền và vạch ra những nét chính về thể thức tổ chức, xây dựng và hoạt động của nó. Tháng 12-1944, Người viết Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và ủy nhiệm cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp tổ chức, chỉ đạo đội hình. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Đội gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch tác chiến, đồng chí Văn Tiên (Lộc Văn Lùng) làm quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo, được biên chế thành 3 tiểu đội và đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền trong mọi hoạt động. Vũ khí ban đầu có 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp. Đội đã tiến đánh hai trận Phai Khắt (15-12) và Nà Ngần (26-12). Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần cùng với những thắng lợi của Cứu quốc quân, các đội du kích, tự vệ ở các địa phương đã góp phần củng cố, mở rộng khu căn cứ Cao-Bắc-Lạng- Thái -Tuyên – Hà, đồng thời cổ vũ và động viên toàn dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Ngày 15-5-1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ làm lễ thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác mang tên Việt Nam giải phóng quân được tổ chức tại Định Biên (Định Hóa, Thái Nguyên). Việt Nam giải phóng quân có chỉ huy thống nhất và hệ thống tổ chức do Đảng lãnh đạo. Bộ chỉ huy gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Chu Văn Tấn. Ngày 23-9-1945, chi đội 3 giải phóng quân, sau khi tham gia giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội để ngày 2-9-1945, tại Ba Đình (Hà Nội) Việt Nam giải phóng quân, tự vệ chiến đấu cùng hàng chục vạn nhân dân mít tinh mừng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Giữa tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng và đổi tên Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn.
Bộ đội Bộ CHQS tỉnh tham gia diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông Kỳ Cùng – Ảnh: BT |
Như chúng ta đã biết, trong cuộc vận động cách mạng cuối năm 1940, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đều thất bại và không duy trì được lực lượng vũ trang, chỉ có khởi nghĩa Bắc Sơn thì mới duy trì được. Hội nghị Trung ương 8 chủ trương: xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, từ Đội du kích Bắc Sơn nâng lên thanh trung đội Cứu quốc quân. Năm 1950, các lực lượng vũ trang cách mạng được Đảng và Bác Hồ xây dựng không ngừng lớn mạnh trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam, với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ” đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Năm 1976, nước Việt Nam thống nhất, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam hợp nhất thành Quân đội Nhân dân Việt Nam. Quân đội ta vừa thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vừa tích cực sản xuất, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần đưa nền kinh tế đất nước ta phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.
Ý kiến ()