Tú Đoạn: Nỗ lực bảo tồn, phát huy di tích chùa Trung Thiên
– Trải qua biến thiên lịch sử, chùa Trung Thiên (xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình) đã trở thành “điểm tựa” văn hóa quan trọng của người dân nơi đây. Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, chính quyền và Nhân dân xã Tú Đoạn đã nỗ lực góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di tích này.
Nằm nép mình bên gốc đa cổ thụ, tại thôn Dinh Chùa, xã Tú Đoạn, chùa Trung Thiên với dáng vẻ uy nghiêm, trầm mặc tạo nên không gian tĩnh lặng, linh thiêng. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng thôn Dinh Chùa, thành viên Ban Quản lý chùa Trung Thiên cho biết: Trải qua thăng trầm lịch sử, ngôi chùa cũ đã bị đổ nát, tượng phật, ngai thờ thánh cũng bị mất hết. Đến năm 1997, bà Vi Thị Thảo là người địa phương đã bỏ tiền hưng công xây dựng lại phần Tiền Đường. Là thế hệ hậu sinh, chúng tôi rất trân trọng di tích này. Hằng ngày, tôi và các thành viên khác trong ban quản lý chùa đều đến đây quét dọn, vệ sinh để ngôi chùa luôn sạch sẽ, khang trang.
Cán bộ xã Tú Đoạn nghiên cứu văn bia chùa Trung Thiên
Theo văn bia hiện lưu giữ tại chùa, chùa Trung Thiên hay còn gọi là Dinh Chùa được xây dựng vào năm Chính hòa thứ nhất mùa đông tháng 10 năm 1680 do Quận công Vi Đức Thắng, người xã Khuất Xá, châu Lộc Bình (nay là xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình) khởi công xây dựng. Khi khởi dựng, chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) với hàng chân cột gỗ to, mái ngói âm dương cổ kính, hệ thống thờ theo lối “Tiền Thánh, hậu Phật”. Chùa Trung Thiên vừa là nơi thờ Phật vừa là nơi thờ Quận công Vi Đức Thắng người có công khởi dựng chùa. Trong giai đoạn 1945 – 1950, chùa là nơi thành lập UBND lâm thời châu Lộc Bình và là một chốt giao thông liên lạc vững chắc của khu du kích Chi Lăng góp phần làm nên chiến thắng Biên giới lịch sử.
Với sự trân trọng những giá trị của quá khứ, tiền nhân để lại, thời gian qua, UBND xã Tú Đoạn đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp tích cực góp phần bảo tồn, phát huy ngôi chùa cổ này. Cụ thể, năm 2012, UBND xã đã tiến hành tôn tạo, trùng tu lại một số hạng mục như lợp lại mái, nâng 30 cm tường, nâng nền và hiên chùa… với tổng kinh phí gần 80 triệu đồng; tiếp nhận và an vị 9 pho tượng trong chùa do một cá nhân cung tiến. Năm 2014, UBND xã tiếp tục lát lại sân chùa, đổ bê tông đường vào chùa bằng kinh phí tiền công đức khoảng 13 triệu đồng. Năm 2020, UBND xã đã kiện toàn Ban Quản lý chùa gồm 8 thành viên; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa với diện tích 4.621,2 m2.
Ông Lành Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Quản lý chùa Trung Thiên cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Chùa Trung Thiên. Bên cạnh đó, tăng cường vận động kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Nhân dân để trùng tu tôn tạo điểm di tích được khang trang hơn và xây nhà quản lý cho Ban Quản lý chùa tiếp khách du lịch tới tham quan. Cùng với đó, chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì tổ chức lễ hội truyền thống gắn với di tích để thu hút khách tham quan du lịch.
Chùa Trung Thiên là một trong những ngôi chùa còn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm ở vùng đất Xứ Lạng, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Ngôi chùa đã trở thành “điểm tựa” tâm linh của người dân Dinh Chùa, Tú Đoạn và còn là điểm đến của du khách gần xa. Bà Đỗ Thanh Hà, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Chùa Trung Thiên là di tích tiêu biểu, quan trọng đã được UBND huyện đưa vào đề án phát triển du lịch. Di tích này cũng là một trong những điểm nằm trong tuyến du lịch hồ thủy điện Bản Lải – Khu di tích dòng họ Vi. Trung bình, mỗi năm, di tích thu hút hơn 1.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, lễ bái. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo chính quyền xã nghiên cứu, đề ra những giải pháp tối ưu để khai thác tốt phục vụ phát triển du lịch.
Hiện nay, chùa Trung Thiên còn giữ được một số di vật quý như hai tấm văn bia (1 tấm ghi rõ lịch sử của chùa tạc năm 1680; 1 tấm ghi ruộng công đức của chùa tạc năm 1772); 1 bát hương bằng đá hình vuông có khắc hàng chữ “hỏa, địa, trường, thiên”… Năm 2002, chùa Trung Thiên đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UBND. Lễ hội truyền thống của chùa diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi lễ, trò chơi đặc sắc. |
Ý kiến ()