Từ đề tài khoa học đến thực tiễn
LSO-Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp phát triển du lịch văn hóa tâm linh (DLVHTT) tại một số địa bàn tỉnh Lạng Sơn” giai đoạn 2013 - 2015 được thực hiện dựa trên thực trạng DLVHTL của tỉnh. Sau nghiên cứu, đề tài đem lại nhiều giá trị ứng dụng trong thực tiễn.
Khách du lịch đi lễ và vãn cảnh chùa Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn |
Sự cần thiết nghiên cứu đề tài
Lạng Sơn có những tín ngưỡng tiêu biểu, đa dạng trong VHTL gồm tín ngưỡng thờ: mẫu, thiên nhiên, nhân thần, tổ tiên, thành Hoàng. Về tài nguyên DLVHTL, tỉnh có gần 400 cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian như: đình, đền, chùa, thánh thất, các di sản văn hóa vật thể khác. Tiêu biểu trong đó là: chùa Tam Thanh, chùa Tam Giáo, chùa Tiên, đền Kỳ Cùng, đền Tả Phủ… (thành phố Lạng Sơn); đền Bắc Lệ (Hữu Lũng); đền Mẫu Đồng Đăng (Cao Lộc); Khu linh địa – đền cổ Mẫu Sơn, núi Phặt Chỉ (Lộc Bình). Ngoài ra, cả tỉnh có tới trên 300 lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống và lịch sử cách mạng. Với tiềm năng DLVHTL đa dạng, phong phú nhưng những năm qua, du lịch của tỉnh chưa phát huy tính bền vững. Qua khảo sát của Trung tâm Xúc tiến du lịch (TTXTDL) tỉnh từ năm 2012 – 2015, trong tổng số khách du lịch đến Lạng Sơn chỉ có 40% là khách tham quan DLVHTL. Các khách này chủ yếu thuộc một số tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng như: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội; khách quốc tế chủ yếu là khách truyền thống Trung Quốc.
Trước thực tế trên, TTXTDL tỉnh đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp phát triển DLVHTL tại một số địa bàn của tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài đã đánh giá thực trạng hoạt động và đưa ra những cơ sở lý luận, đề xuất một số giải pháp phát triển DLVHTL trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc TTXTDL tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết: Sau khi nghiên cứu, đề tài đưa ra 8 giải pháp phát triển DLVHTL ở tỉnh gồm: giải pháp về thị trường khách du lịch; phát triển các dịch vụ và cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng sản phẩm DLVHTL; phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, quảng bá; tổ chức, quản lý hoạt động DLVHTL; bảo tồn và phát huy các giá trị VHTL; hợp tác phát triển DLVHTL.
Ứng dụng đề tài trong thực tiễn
Từ khi đề tài kết thúc, được nghiệm thu đến nay, UBND tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) đã có những chỉ đạo, điều hành trong phát triển DLVHTL. Cụ thể: từ năm 2016 đến nay, Sở VHTT&DL, TTXTDL tỉnh có các kế hoạch, chương trình, hoạt động thiết thực nhằm phát triển DLVHTL. TTXTDL tập trung 4 chương trình chính gồm: xúc tiến quảng bá các sản phẩm DLVHTL; tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm tại các thị trường trọng điểm trong và nước ngoài; xây dựng môi trường du lịch văn minh, an ninh an toàn cho du khách; hợp tác, liên kết phát triển du lịch với tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh, thành. Tháng 2/2017, Sở VHTT&DL tổ chức thành công hội thảo “Lạng Sơn – điểm đến DLTL năm 2017” với sự tham gia của gần 100 đại biểu và thu thập được nhiều ý kiến của các chuyên gia. Sau hội thảo, hoạt động khảo sát một số điểm DLVHTL diễn ra tại huyện Chi Lăng, 16 điểm DLTL của tỉnh được gắn biển, Công ty Du lịch lữ hành tỉnh ký kết nội dung phát triển DLVHTL với Công ty Du lịch lữ hành Hà Nội.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho biết: Đề tài đã đem lại nhiều giá trị ứng dụng trong thực tiễn. Ngành VHTT&DL đã tham mưu cấp trên thực hiện các giải pháp đề tài đưa ra. Qua đây, DLVHTL trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến đáng kể. Cụ thể từ năm 2015 đến nay, số lượng khách du lịch đến Lạng Sơn chủ yếu tham gia vào loại hình DLTL có xu hướng tăng. Nếu năm 2014 chỉ có 40% (880.000/2.200.000 lượt khách) thì năm 2016 tăng lên 60% (1.500.000/2.500.000 lượt khách). Hiện, Sở VHTT&DL đang xây dựng dự thảo đề cương đề án phát triển sản phẩm DLTL Lạng Sơn giai đoạn 2017 – 2022 trình UBND tỉnh thông qua.
HÀ MY
Ý kiến ()