Từ củ sen đến ý tưởng khởi nghiệp độc đáo
- Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã nghiên cứu và phát triển dự án “Chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ củ sen xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn”. Dự án đã mang tới thị trường nhiều sản phẩm mới từ củ sen, đồng thời góp phần quảng bá và phát triển nguồn nông sản sạch của địa phương.
Em Lý Thị Thu Kiều, sinh viên lớp K19TV4, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Trong một chuyến đi thực tế tại xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc vào cuối năm 2023, chúng em đã được chứng kiến sự vất vả, khó khăn của người dân làm kinh tế từ trồng sen lấy củ. Từ đó, chúng em đã nghĩ ra ý tưởng chế biến củ sen tươi thành nhiều sản phẩm đáp ứng các tiêu chí: an toàn, mới lạ, bảo quản được lâu và dễ dàng sử dụng nhằm góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời cung cấp cho thị trường đa dạng các sản phẩm được chế biến từ củ sen.
Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhóm sinh viên gồm các em: Lý Thị Thu Kiều, Trần Thái Hà, Phùng Thị Vân Kiều, Lường Thị Kiều và Hoàng Thị Khuyên đã chế biến thành công 3 sản phẩm độc đáo gồm: tinh bột củ sen, củ sen ngào đường và kim chi củ sen. Mỗi sản phẩm của nhóm đều có hương vị phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Đồng thời, sản phẩm được đóng gói trong bao bì riêng, tiện lợi sử dụng và bảo quản được trong thời gian dài. Sản phẩm của nhóm đã được Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ NATEK (thành phố Hà Nội) kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng và an toàn.
Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: Quy trình chế biến các sản phẩm tuy không phức tạp nhưng trải qua khá nhiều công đoạn khác nhau nên đòi hỏi chúng em phải kiên trì và cẩn thận. Trước hết, củ sen được lựa chọn không được non quá cũng không già quá để đảm bảo độ giòn, vị thanh ngọt. Cùng đó, hình thức và chất lượng củ phải đồng đều. Đặc biệt, củ sen sau khi thu hoạch nên được chế biến sớm để đảm bảo hương vị cũng như hàm lượng dinh dưỡng. Để làm thành tinh bột, củ sen phải được rửa thật kỹ để loại bỏ bùn đất, sau đó nạo sạch vỏ và cắt lát. Tiếp đến, cho củ sen vào máy nghiền với nước, lọc nhiều lần để loại bỏ tạp chất, giúp bột trong hơn. Xong công đoạn này, đưa tinh bột ra sấy khô nhiều giờ rồi đóng gói.
Về giá cả, tinh bột củ sen của nhóm có mức giá phù hợp, 150.000 đồng/hộp với trọng lượng 250 gram. Một hộp có thể pha từ 10 - 12 cốc bột thành phẩm. Các sản phẩm củ sen ngào đường và kim chi củ sen có giá từ 60.000 đồng/hộp thành phẩm tuỳ vào trọng lượng. Khi được sử dụng một cách khoa học, sản phẩm từ củ sen sẽ giúp người dùng cải thiện hệ tiêu hoá, tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ chống lão hoá...
Cô Bế Diệu Hồng, giảng viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội Facebook, nhóm sinh viên đã chủ động liên hệ giới thiệu sản phẩm với các cửa hàng bán hoa quả, thực phẩm trên địa bàn thành phố. May mắn, sản phẩm của nhóm đã được hai cửa hàng Fresh fruit Bảo Khánh, Bánh kẹo trái cây nhập khẩu, hoa quả và thực phẩm sạch nhập khẩu Hà Chi hỗ trợ trưng bày, phân phối.
Tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Lạng Sơn năm 2024, dự án “Chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ củ sen xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn” của nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã được đánh giá cao và xuất sắc đoạt giải nhì.
Cô Vi Hồng Thắm, Phó hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Ý tưởng của dự án đảm bảo tính mới gắn với các chỉ dẫn địa lý địa phương của huyện Cao Lộc. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, nhóm sinh viên đã chủ động, tích cực trong việc tự triển khai thực hiện các dự án, từ việc xây dựng kế hoạch, thuyết minh, tạo sản phẩm, truyền thông đến việc kinh doanh bước đầu mang lại hiệu quả.
Qua dự án, nhóm nghiên cứu mong muốn lan tỏa tới cộng đồng ý nghĩa thiết thực của lối sống xanh, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương và ý thức bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Cùng đó, khi phát triển hơn, dự án sẽ góp phần quảng bá, nâng cao giá trị của củ sen, qua đó giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ý kiến ()