Tự chủ ĐH: Xác định đúng vị trí, quyền hạn của hội đồng trường
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian vừa qua, đổi mới giáo dục ĐH theo hướng tự chủ có thể nói là bước chuyển mang tính lịch sử.
Quá trình tự chủ ĐH được bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thành lập hai ĐH quốc gia ở Hà Nội và TPHCM, với tinh thần tự chủ ĐH. Vì vậy, hai trường này thành lập theo nghị định của Chính phủ và có dấu quốc huy. Sau đó, khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của giáo dục đại học thế giới được đưa vào lần đầu ở Luật Giáo dục năm 1998. Năm 2005, Chính phủ đã có chỉ đạo thí điểm tự chủ ĐH nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề tài chính.
Trong những năm tiếp theo, cùng với nhận thức tự chủ ĐH có sự thay đổi là các dự án thành lập trường ĐH xuất sắc như ĐH Việt-Đức, ĐH Việt-Pháp, ĐH Việt-Nhật nhằm xây dựng những mô hình quản trị ĐH theo hướng tự chủ. Trong nước còn có những mô hình của một số trường ĐH ngoài công lập và sự nỗ lực của một số trường công lập như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM và hai ĐH quốc gia… Đây là một trong nhiều cơ sở quan trọng hình thành Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, ban hành năm 2014 (ngày 24/210/2014) về thực hiện thí điểm tự chủ ĐH.
Khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết77/NQ-CP, tự chủ ĐH đã được xác định là con đường một chiều. Tinh thần đó đã lan tỏa rất nhanh ra hệ thống các trường ĐH, toàn xã hội, các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội. Và Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 ra đời nhằm luật hóa tinh thần tự chủ ĐH. Đây là một bước tiến rất dài.
Chất lượng giáo dục ĐH có những nâng lên rõ rệt khi chúng ta đã có nhiều trường ĐH nằm trong tốp 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới. Giáo dục ĐH Việt Nam từ chỗ đứng ngoài vị trí 100 và không được xếp hạng trên thế giới thì đến nay ở nhiều bảng xếp hạng khác nhau, đứng ở vị trí khoảng thứ 70.
Những điểm cốt lõi của tự chủ ĐH
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta mới thực hiện đổi mới tự chủ ĐH được một bước, trước mắt là một quá trình dài. Quan trọng là chúng ta đã xác định đúng hướng, phải tiếp tục thực hiện, trong đó có một số điểm cốt lõi cần hết sức lưu ý.
Trước hết, tự chủ ĐH phải đi từ chuyên môn học thuật với một mô hình quản trị tiên tiến để lan tỏa ra ngoài xã hội, nâng cao tính dân chủ, tính khoa học.
Tự chủ ĐH gắn với giải trình, không chỉ với cơ quan nhà nước mà cả học sinh sinh viên, cán bộ nhân viên, giáo viên trong nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội.
Thực hiện tự chủ ĐH không phải là Nhà nước không đầu tư thêm nữa bởi thực tế nhiều trường ĐH đã tự chủ nhưng vẫn được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Chính phủ đã và đang chỉ đạo rất mạnh các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, quyết liệt hơn trong xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo bằng ngân sách.
Chính phủ cũng xác định rất rõ và theo đúng xu thế thế giới là tự chủ ĐH không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước theo các quy định pháp luật.
Điểm quan trọng là tự chủ ĐH không được làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của người nghèo, đối tượng chính sách.
Xác định rõ vị trí hội đồng trường
Trao đổi với các đại biểu về những vướng mắc trong triển khai tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đúng về vai trò, vị trí, quyền hạn của hội đồng trường.
Cụ thể, khi một trường ĐH tự chủ thì một phần quyền lực của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước, hiệu trưởng, ban giám hiệu sẽ dịch chuyển sang hội đồng trường. Trong đó, cần lưu ý vấn đề chủ sở hữu khi trong hệ thống ĐH của Việt Nam có trường công lập, dân lập, bán công, tư thục và đã xuất hiện tình trạng một ông chủ, DN hay một nhóm người đầu tư vào trường thì tự quyết định tất cả. “Điều đó không đúng và về lâu dài trường ĐH thuộc sở hữu của toàn xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Hoạt động theo cơ chế tập thể, tạo sự đồng thuận, hội đồng trường sẽ ngăn chặn được những ý kiến cực đoan, nguy cơ sai phạm trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH.
Vì vậy, để triển khai tự chủ ĐH thiết thực thì các trường phải thành lập hội đồng trường theo đúng pháp luật.
Về mối quan hệ giữa hội đồng trường và đảng ủy, chúng ta cũng đã quy định rất rõ ràng, không thể tách rời điều kiện của đất nước hiện nay. Chủ tịch hội đồng trường sẽ kiêm bí thư đảng ủy để gắn kết hai cơ quan trong việc cho ý kiến về các vấn đề, định hướng lớn trong phát triển của trường ĐH; thực hiện việc giám sát.
Những vướng mắc hiện nay về thành lập hội đồng trường, theo Phó Thủ tướng, chủ yếu do nhận thức chưa thông suốt trong các trường, trong các hiệu trưởng. Từ ví dụ về câu chuyện phân quyền quyết định dự án đầu tư, tuyển dụng nhân lực, đề bạt cán bộ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng, ban giám hiệu, Phó Thủ tướng cho rằng “luật không cấm, các đồng chí hoàn toàn tự quyết trên cơ sở bàn bạc, thống nhất, quyết định tập thể”.
“Các trường cần phải xem xét kỹ quy định về hội đồng trường với đầy đủ thành phần của giáo viên, sinh viên, công đoàn, chủ sở hữu… Mô hình hội đồng trường hiện nay thể hiện tư duy chúng ta không học tập, sao chép bất kỳ mô hình của nước nào nhưng phù hợp với xu thế thế giới và điều kiện trong nước”, Phó Thủ tướng nói.
“Bộ luật” trong mỗi trường ĐH phải rất chi tiết
Trước sự lúng túng, chậm trễ của nhiều trường trong xây dựng bộ quy chế hoạt động với lý do chờ ban hành quy chế mẫu, Phó Thủ tướng khẳng định “luật không quy định như vậy”. Hiện tại, đã có những trường như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân… xây dựng bộ quy chế hoạt động và các trường khác có thể tham khảo. Đây là vấn đề nhận thức của các trường.
Việc xây dựng bộ quy chế hoạt động trong trường ĐH một cách đầy đủ, hết sức chi tiết từ nhân sự, tài chính, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật… giống như “một bộ luật của trường” là vô cùng quan trọng. Quá trình xây dựng, soạn thảo các quy chế phải lấy ý kiến trong toàn bộ sinh viên, giáo viên, cán bộ, người lao động trong nhà trường, thậm chí công khai cho xã hội góp ý. Sau đó, hội đồng trường thông qua để thành một “bộ luật” của nhà trường.
“Bộ luật” này phải rất chi tiết, phù hợp với pháp luật, được công khai để sinh viên, giáo viên, người lao động trong trường, và người dân quan tâm có thể giám sát.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chính phủ luôn trân trọng tất cả các ý kiến góp ý và xác định công cuộc đổi mới giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục ĐH là một việc rất dài hơi, liên tục. Trong quá trình đó, luôn luôn có sự cọ xát và khi có những ý kiến khác nhau thì chúng ta cùng bày tỏ trên một tinh thần cầu thị.
Chính phủ sẽ chắt lọc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều chỉnh về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH.
Những vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH cần có sự chuẩn bị rất kỹ cả về nội dung, thời gian và các bước thực hiện, đánh giá tác động, còn đối với những vấn đề dưới luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo tinh thần khuyến khích, thúc đẩy tự chủ ĐH, đẩy nhanh việc điều chỉnh, sửa đổi những bất cập, hạn chế trong các văn bản dưới luật.
Ý kiến ()