Tự chủ để đại học là nơi sáng tạo ra tri thức
Phát biểu tại Hội thảo “Giáo dục đại học – Chuẩn hoá và hội nhập quốc tế” ngày 17/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Sứ mệnh quan trọng nhất của trường đại học là sáng tạo ra tri thức. Muốn vậy đại học phải có quyền tự do học thuật, tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sáng tạo ra tri thức là sứ mệnh quan trọng nhất của trường đại học. |
Theo Phó Thủ tướng, đây là hội thảo rất quan trọng trong bối cảnh Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học trong kỳ họp sắp tới. Từ đó tạo hành lang, cơ sở pháp lý để đổi mới mạnh mẽ giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
“Có rất nhiều thứ liên quan đến đổi mới giáo dục đại học đã được chuẩn bị như việc ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia tương thích với quốc tế rút ngắn thời gian đào tạo của nhiều ngành, nhiều trường đại học còn 3-3,5 năm nhưng Luật Giáo dục đại học hiện quy định thời gian đang là 4 năm nên khi luật chưa sửa thì chưa thực hiện được”, Phó Thủ tướng cho biết.
Đánh giá chủ đề hội thảo đã đề cập đến cốt lõi trong thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định: Sự phát triển của Việt Nam, trong đó có giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, không thể đứng ngoài thế giới. Chúng ta là một phần của thế giới ngày càng mở hơn. Đối với giáo dục, đặc biệt giáo dục đại học thì yêu cầu hội nhập càng bức xúc. Đương nhiên việc hội nhập phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có lộ trình nhưng không thể vì những đặc trưng riêng mà đi ngược lại xu thế và được đo bằng chuẩn hóa như: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; chuẩn kiểm định chất lượng dạy học; chuẩn đầu ra, chuẩn trường…
Qua ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học nói về những xu thế lớn của giáo dục đại học trên thế giới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với điều kiện ở Việt Nam hiện nay thì tự chủ đại học và giải trình là quan trọng nhất.
Nhìn lại quá trình thực hiện tự chủ đại học của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng quá trình này bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ thành lập hai đại học quốc gia với mục đích không chỉ xây dựng 2 đại học lớn mà còn để có một số quyền tự chủ. Đến Hội nghị Trung ương 4 (khoá VII) tiếp tục nói đến tự chủ đại học. Năm 2005, Bộ GD&ĐT có đề án thí điểm tự chủ 4 trường đại học là Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế TPHCM nhưng không thực hiện được.
Có 3 lý do chính khiến quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam rất khó khăn được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam so sánh với quá trình đổi mới hơn 10.000 doanh nghiệp Nhà nước những năm 1990. Đó là Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản (các bộ chuyên ngành và UBND các tỉnh) không muốn bỏ quyền quản lý đối với các trường đại học. Bản thân lãnh đạo nhiều trường đại học vẫn muốn duy trì cơ chế bao cấp bình quân từ ngân sách Nhà nước. Cuối cùng là từ người học và xã hội không muốn thay đổi, mà biểu hiện rõ nhất là học phổ thông rất vất vả nhưng khi vào đại học thì “xả hơi”, chắc chắn tốt nghiệp.
Thực hiện tự chủ đại học phải giải đáp được các yêu cầu của xã hội trong đó có hai băn khoăn lớn nhất: các trường đại học tự chủ được quyền tăng học phí sẽ làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao, chất lượng tốt của người nghèo, đối tượng chính sách; tài sản đất đai, cơ sở vật chất, con người trong trường đại học có thể bị thao túng, lãng phí, mất mát.
Qua quá trình cọ sát mạnh mẽ, cùng với kinh nghiệm thế giới, các trường đại học thí điểm tự chủ đã từng bước xử lý hai vấn đề này. Về tài chính, việc tăng học phí đại học đi kèm với lập quỹ học bổng giúp sinh viên nghèo, con gia đình chính sách. Đồng thời, Nhà nước đặt hàng đào tạo những ngành học đặc thù ít sinh viên theo học hoặc nhân lực cho những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, con em dân tộc thiểu số, con nhà nghèo… Công tác quản lý tài sản được thực hiện qua cơ chế hội đồng trường và trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân… |
“Từ năm 2015 đến nay đã có 23 trường đại học thí điểm tự chủ và đến nay các trường đại học mong muốn Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học được thông qua để chính thức thực hiện tự chủ. Đây sẽ là một chuyển biến mang tính lịch sử”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định sứ mệnh quan trọng nhất của trường đại học là sáng tạo ra tri thức, muốn vậy trường đại học phải có quyền tự do, học thuật, tự chủ về chuyên môn. Để bảo đảm quyền tự chủ chuyên môn thì trường đại học phải được tự trị, tự quản về mọi hoạt động, tổ chức, tài chính. Đây là xu thế tất yếu là yêu cầu, đòi hỏi phải thực hiện.
“Tuy nhiên, cần hiểu đúng tự chủ không có nghĩa giao hết cho các trường đại học mà không có trách nhiệm giải trình hay ngân sách Nhà nước không đầu tư nữa”, Phó Thủ tướng làm rõ.
Tự chủ về tài chính, theo Phó Thủ tướng, là trường đại học được tự chủ về nguồn thu, nguồn chi. Trong đó nguồn thu bao gồm học phí, hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh kết hợp với các doanh nghiệp, tài trợ, cộng đồng và đặc biệt là ngân sách nhà nước Khi đại học tự chủ về nguồn thu phải được tự chủ về chi tiêu chứ không thể ở trong tình trạng “có tiền, thậm chí tiền không từ ngân sách Nhà nước nhưng khi tiêu vẫn phải xin phép các cơ quan quản lý nhà nước”.
Những vấn đề này cần được luật hoá trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và các luật có liên quan. Đơn cử, Phó Thủ tướng cho biết trong phiên họp của Chính phủ về pháp luật đầu tư công mới đây đã thống nhất nguyên tắc chỉ quản lý những dự án đầu tư của các trường đại học có nguồn từ ngân sách Nhà nước.
Tương tự, đối với bộ máy, tổ chức, nhân sự trong các trường đại học cũng cần được tự chủ, linh hoạt chứ không thể quy định cứng như pháp luật về công chức, viên chức.
“Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học tới đây chưa thể đáp ứng ngay một lúc tất cả các yêu cầu đổi mới nhưng sẽ là một bước tiến vô cùng quan trọng. Đổi mới giáo dục đại học như một đoàn tàu sau nhiều năm đã bắt đầu chuyển động, máy đã bắt đầu nổ và việc thông qua Luật sẽ tạo động lực giúp chúng ta tiến nhanh hơn”, Phó Thủ tướng tin tưởng.
Ý kiến ()