Từ Chính phủ điện tử tới Chính phủ số: Vai trò của dữ liệu mở
Chính phủ Việt Nam từ lâu đã xây dựng các bộ dữ liệu chung mở để tạo cơ hội cho công công dân và tổ chức có thể sử dụng các nguồn thông tin mà Chính phủ đang sở hữu.
Tại Kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa XV), trong phiên họp diễn ra ngày 4/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cần tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; hoàn thành ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; nghiên cứu đề xuất cơ chế thu phí từ việc khai thác dữ liệu để tái đầu tư, duy trì kho dữ liệu; tích cực phát triển dữ liệu mở để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Tích cực xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển Kinh tế số, xây dựng Đô thị thông minh, Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục,… Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, Kinh tế số.”
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW (Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020), đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,” đặt ra nhiệm vụ: “Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; cải thiện chỉ số xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử.”
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.”
Theo Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 22/5/2015), Cơ sở dữ liệu quốc gia của Việt Nam bao gồm dữ liệu về dân cư; dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp; dữ liệu về đất đai quốc gia; dữ liệu về tài chính; dữ liệu về bảo hiểm và dữ liệu về thống kê, tổng hợp dân số.
Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 99 triệu nhân khẩu được thu thập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt hơn 99%.
Đồng thời, Bộ Công an đã thu thập được hơn 50 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân, trong đó nhân khẩu thường trú nhận được hơn 49 triệu hồ sơ; nhân khẩu tạm trú hơn 880.000 hồ sơ; tổng số hồ sơ các địa phương chuyển lên Trung ương đạt gần 35 triệu. Đã có gần 23 triệu hồ sơ được phê duyệt.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hiện có hơn 1,4 triệu doanh nghiệp tham gia, được kết nối, chia sẻ cho 10 bộ, ngành.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang tích cực thu thập dữ liệu để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Hiện tại, dữ liệu do Bảo hiểm Việt Nam quản lý gồm gần 32 triệu hộ gia đình, 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, gần 84 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đã cho vận hành bốn khối dữ liệu là thống kê, kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; điều tra cơ bản về đất đai. Các địa phương đã đầu tư hạ tầng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform – NDXP), đưa vào sử dụng, phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ giữa các bộ ngành, địa phương.
Tổng số giao dịch qua NDXP năm 2022 đạt hơn 570 triệu, tăng gấp ba lần năm 2021; trung bình hàng ngày có 1,9 triệu giao dịch.
Trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tích cực phát triển dữ liệu mở và mở dữ liệu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Các đơn vị cần nghiên cứu đề xuất cơ chế, phương án thu phí được từ dữ liệu để tái đầu tư, duy trì dữ liệu “sống;” đề xuất cơ chế, phương án kinh phí để duy trì Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm huyết mạch chia sẻ dữ liệu quốc gia được thông suốt và phát triển bền vững.
Vai trò của dữ liệu mở
Theo Thạc sỹ Trần Quảng Sơn (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh), dữ liệu mở (open data) là một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số tại Việt Nam.
Các bộ dữ liệu mở cho phép công dân và tổ chức ở cả khu vực công và tư có thể truy cập và sử dụng cho các mục đích thương mại và phi thương mại.
Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/4/2020 đã đưa ra định nghĩa “Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.”
Hoạt động cung cấp dữ liệu mở tuân thủ theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 17 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP. Theo đó, dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ nội dung thông tin cơ quan nhà nước cung cấp; là dữ liệu được cập nhật mới nhất; phải có khả năng truy cập sử dụng được trên môi trường mạng; đảm bảo khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được; tổ chức, cá nhân được tự do truy cập sử dụng dữ liệu mở, không yêu cầu khai báo định danh khi khai thác, sử dụng dữ liệu mở; dữ liệu mở ở định dạng mở; sử dụng dữ liệu mở là miễn phí; ưu tiên cung cấp dữ liệu mở đối với dữ liệu mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao.
Không phải dữ liệu công nào cũng có thể trở thành dữ liệu mở. Điều 6 và điều 7 Luật Tiếp cận thông tin 2016 của Việt Nam quy định: Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thông thường sẽ không bao gồm các dữ liệu của cá nhân (mở đối với các cơ quan hay cá nhân được trao quyền tiếp cận), dữ liệu bí mật hoặc dữ liệu quan trọng chỉ số ít người biết của đơn vị tổ chức, dữ liệu bí mật quốc gia.
Lợi ích của dữ liệu mở bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ đối với các dạng dữ liệu “nhạy cảm” trong quá khứ như chi tiêu ngân sách, giải ngân đầu tư công.
Chính phủ phải công bố các thông tin về ngân sách và chi tiêu công đồng thời khi công bố thì cần phải hiệu chỉnh các dữ liệu này sao cho người dân có thể dễ dàng đọc hiểu. Bên cạnh đó, người dân có thể tìm hiểu các chương trình, dịch vụ đang được đầu tư và các khoản chi cụ thể cho các nhóm này.
Thứ hai, tiết kiệm công sức và chi phí để có được thông tin mong muốn. Đối với cơ quan nhà nước thì có thể chia sẻ các nguồn dữ liệu (thông tin về người dân) với nhau mà không cần mỗi cơ quan phải tự thu thập và xây dựng một bộ dữ liệu riêng.
Ý thức được điều này, Chính phủ Việt Nam từ lâu đã xây dựng các bộ dữ liệu chung mở như Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (vbpl.vn/pages/portal.aspx) hay Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn/), tạo cơ hội cho công dân và tổ chức có thể sử dụng các nguồn thông tin mà Chính phủ đang sở hữu.
Thứ ba, tạo điều kiện cho cá nhân và tổ chức tham gia vào hoạt động kiểm tra giám sát, tăng độ minh bạch về quản lý thông tin và bộ dữ liệu mở, từ đó có thể phát hiện các đặc tính hoặc vấn đề từ bộ dữ liệu mà bản thân chủ sở hữu dữ liệu (tức Chính phủ) chưa phát hiện ra.
Điều này cũng giúp thúc đẩy tính tích cực chủ động tham gia của người dân trong việc xây dựng Chính phủ số. đẩy sự tham gia của công dân và doanh nghiệp vào hoạt động quản lý nhà nước.
Chính phủ điện tử khác thế nào với Chính phủ số?
Dữ liệu mở là cơ sở căn bản để Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) đề ra sự khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số. Đó là việc dữ liệu được tích hợp tại các đầu mối và chia sẻ rộng khắp, đặc biệt là dữ liệu mở, với sự chủ động tham gia của tất cả mọi công dân và tổ chức, doanh nghiệp.
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Chính phủ điện tử được hiểu là “sự hoạt động liên thông của cả hệ thống các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước có ứng dụng một cách có hiệu quả những thành tựu của khoa học, công nghệ thông tin điện tử để bảo đảm việc chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và cung ứng đầy đủ, khẩn trương các thông tin cho tất cả mọi tổ chức, cá nhân thông qua các phương tiện thông tin điện tử.”
Còn Chính phủ số “có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế-xã hội.”
Trong khi Chính phủ điện tử tập trung vào dịch vụ công trực tuyến thì Chính phủ số chuyển mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, hoạt động dựa trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới.
Chính phủ điện tử chủ yếu dùng công nghệ thông tin còn Chính phủ số là dùng công nghệ số, sử dụng dữ liệu để ra quyết định, coi dữ liệu là một tài nguyên mới. Như vậy, cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở là để phục vụ phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.
Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.
Hiểu một cách ngắn gọn thì Chính phủ số là Chính phủ điện tử được bổ sung, phát triển từ cách tiếp cận, cách triển khai mới, nhờ vào sự phát triển của công nghệ số và như vậy thì Chính phủ số đã bao hàm trong nó khái niệm Chính phủ điện tử./.
Ý kiến ()