Lạng Sơn được hoàn toàn giải phóng đã trở thành hậu phương vững chắc cho cả nước trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Hiểu rõ nhiệm vụ của hậu phương phục vụ tiền tuyến, hướng tới chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Lạng Sơn đã huy động được hàng chục tấn thực phẩm, hàng nghìn tấn lương thực; đóng góp hàng trăm ngàn ngày công làm đường vận chuyển; hàng nghìn mét khối gỗ cho mở đường, xây dựng các binh trạm phục vụ chiến dịch. Lực lượng vũ trang được củng cố, xây dựng được 5 đại đội độc lập, mở được 40 lớp huấn luyện quân sự cho hơn 4.000 dân quân du kích trong tỉnh, được trang bị vũ khí chiến đấu đầy đủ. Công tác tuyển quân cũng được đẩy mạnh, với hơn 700 tân binh, kịp thời huấn luyện và bổ sung cho các đơn vị tiền tuyến. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, rất nhiều chiến sĩ của quê hương xứ Lạng đã có mặt trên khắp các mặt trận nóng bỏng, anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn quân, toàn dân ta.
LSO-Âm mưu nhất quán của thực dân Pháp là tìm mọi cách bao vây biên giới phía bắc, đánh trung du, lập hành lang phía tây, chia cắt Việt Bắc với Khu 3, Khu 4, củng cố những vùng chiếm đóng nằm sâu trong Việt Bắc và gây phỉ để chuẩn bị đánh trở lại. Ở Lạng Sơn, Hải Ninh, địch chiếm sâu vào phía bắc đường số 4, Bình Nghi, Pò Mã và đông nam sông Kỳ Cùng nhằm khống chế căn cứ Chi Lăng; đánh lan rộng ở huyện Đình Lập, thọc vào Nà Thuộc…
|
Thành phố Lạng Sơn đang trên đà phát triển – Ảnh: T.L |
Đầu năm 1950, Trung ương Đảng nhận định: “Hiện nay ở Bắc bộ, Tây Bắc là nơi yếu nhất và sơ hở nhất của địch; Đông Bắc là chiến trường quan trọng đối với ta cũng như đối với địch suốt từ nay cho đến khi chuyển sang Tổng phản công”. Tháng 5 Trung ương quyết định chọn Đông Bắc là chiến trường chính, đến tháng 6 quyết định mở chiến dịch biên giới với mục đích tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở đường giao thông quan trọng với Trung Quốc và thế giới dân chủ, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Hưởng ứng chủ trương đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã triệu tập cuộc họp bất thường, quyết định công tác chuẩn bị cho chiến dịch. Ủy ban hành chính tỉnh được kiện toàn, Ban hậu cần của tỉnh được thành lập phục vụ chiến dịch và bắt tay đi vào hoạt động với từng bước đi cụ thể như sau:
Ngay từ đầu năm 1950, hướng tới khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, các lực lượng vũ trang của tỉnh nhanh chóng triển khai phối hợp với các đơn vị chủ lực của quân khu Việt Bắc áp sát đường số 4.Các huyện Tràng Định, Lộc Bình, Văn Uyên, Ôn Châu đã thống nhất các đại đội địa phương tổ chức thành tiểu đoàn 999 chủ lực của tỉnh và thành lập các đại đội mới. Các huyện Bằng Mạc, Bình Gia, Bắc Sơn, Thoát Lãng, Cao Lộc cũng nhanh chóng thành lập các đại đội của mình..
Cuối tháng 2 năm 1950, hoạt động của các đại đội địa phương và bộ đội chủ lực đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Trục đường 4A (Lạng Sơn – Văn Uyên – Tràng Định) đi lên Đông Khê (Cao Bằng), quân ta bao vây các đồn bốt, dồn địch vào thế phòng ngự, buộc chúng phải lúng túng đối phó. Ta tiến hành phá cầu đường và cắt dây điện thoại làm cho địch tắc nghẽn đường vận chuyển và thông tin liên lạc. Trục đường 4B (Cao Lộc- Lộc Bình – Đình Lập) ra đến Tiên Yên (Hải Ninh), bộ đội ta phối hợp cùng các các khu du kích Ba Sơn, Nà Thuộc tiến hành vũ trang tuyên truyền, giải tán hội tề, trừ gian, diệt phỉ, chặn các đoàn xe tiếp tế của địch từ Hải Phòng, Hải Ninh đến. Đồng thời chính quyền kháng chiến không ngừng được củng cố.
Tháng 4 năm 1950, khu du kích Ba Sơn (Cao Lộc) cùng với đại đội 815 bao vây đồn Bản Sâm, quân giặc bỏ đồn tháo chạy về thị xã, ta truy kích tiêu diệt nhiều tên. Trên trục đường số 1, quân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng, Ôn Châu tăng cường quấy rối các đồn bốt, phá hủy các đầu máy xe lửa, toa xe và hàng chục km đường sắt, đường dây điện thoại. Tuyến đường sắt, đường bộ Lạng Sơn –Hà Nội liên tục bị cắt đứt, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất. Trên đoạn đường Kỳ Lừa –Đồng Đăng, bộ đội biệt động Hoàng Văn Thụ, chủ động tấn công, tiêu diệt 15 lính Âu Phi – ngụy, phá hủy nhiều xe ô tô. Cùng lúc, quân ta tổ chức phá kho quân lương của địch ở Na Sầm, thiêu hủy hàng chục tấn lương thực, hàng trăm tấn thịt hộp, hàng nghìn lít xăng dầu.
Kết hợp tiến công quân sự, công tác tuyên truyền binh vận được đẩy mạnh khắp nơi trong thị xã và các thị trấn, nhiều truyền đơn kêu gọi binh lính trở về với vợ con, quê hương và thông báo tin thắng trận của ta trên các mặt trận, gây hoang mang, dao động trong hàng ngũ địch. Hàng trăm lính địch kể cả lính Âu Phi đã đào ngũ tập thể, bỏ đồn về với gia đình hoặc tìm cách chạy sang hàng ngũ cách mạng.
Từ tháng 7 năm 1950, khí thế chuẩn bị mọi nhân lực, vật lực cho chiến dịch đã đẩy lên thành cao trào rộng khắp. Từ vùng tự do, đến vùng địch tạm chiếm, đâu đâu cũng phát động phong trào thi đua sản xuất, tự túc lương thực, thi đua yêu nước, hưởng ứng lệnh tổng động viên của Chính phủ; đẩy mạnh phong trào đi dân công phục vụ tiền tuyến, phong trào mua công trái kháng chiến. Chỉ một thời gian ngắn, khẩn trương, đồng bào các dân tộc Lạng Sơn đã đóng góp cho chiến dịch hàng nghìn tấn lương thực, hàng nghìn con trâu bò, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội đánh giặc. Đồng bào vùng sau lưng địch không ngại gian lao nguy hiểm, vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm ra vùng tự do, phục vụ kịp thời cho chiến dịch mở màn. Nhiều đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tỉnh đã tích cực tham gia chuyển tải thương binh, tham gia hàng chục vạn ngày công làm đường giao thông, tải đạn cho mặt trận. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, quân và dân Lạng Sơn đã tích cực tham gia vào công cuộc chuẩn bị gấp rút cho cuộc chiến đấu.
Ngày 16 tháng 9 năm 1950, chiến dịch biên giới bắt đầu, quân ta nổ súng tấn công tiêu diệt đồn Đông Khê. Mở màn giành thắng lợi cho chiến dịch. Ta liên tiếp chủ động tiến công tiêu diệt địch trên toàn tuyến đường số 4. Ngày 8 tháng 10 năm 1950, binh đoàn chủ lực của Pháp là Lơ-pa-giơ ở Lạng Sơn lên đón binh đoàn Sác-tông bị quân ta đánh tan tác, cánh quân cứu viện từ Hà Nội lên đều bị tiêu diệt. Ngày 10 tháng 10 năm 1950, địch rút khỏi Thất Khê; ngày 13 tháng 10 năm 1950, địch rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng và ngày 17 tháng 10 năm 1950, địch rút khỏi thị xã, huyện Cao Lộc. Các huyện, thị trấn lần lượt được giải phóng. Đến ngày 30 tháng 10 năm 1950, được tin quân ta chuẩn bị tấn công Đình Lập, địch vội vã thu quân chạy thục mạng về Tiên Yên (Hải Ninh). Đêm 30 tháng 10 năm 1950, quân ta tiếp quản huyện cuối cùng là huyện Đình Lập.Toàn tỉnh Lạng Sơn hoàn toàn được giải phóng.
Lạng Sơn được hoàn toàn giải phóng đã trở thành hậu phương vững chắc cho cả nước trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược. Hiểu rõ nhiệm vụ của hậu phương phục vụ tiền tuyến, hướng tới chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Lạng Sơn đã huy động được hàng chục tấn thực phẩm, hàng nghìn tấn lương thực; đóng góp hàng trăm ngàn ngày công làm đường vận chuyển; hàng nghìn mét khối gỗ cho mở đường, xây dựng các binh trạm phục vụ chiến dịch. Lực lượng vũ trang được củng cố, xây dựng được 5 đại đội độc lập, mở được 40 lớp huấn luyện quân sự cho hơn 4.000 dân quân du kích trong tỉnh, được trang bị vũ khí chiến đấu đầy đủ. Công tác tuyển quân cũng được đẩy mạnh, với hơn 700 tân binh, kịp thời huấn luyện và bổ sung cho các đơn vị tiền tuyến. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, rất nhiều chiến sĩ của quê hương xứ Lạng đã có mặt trên khắp các mặt trận nóng bỏng, anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn quân, toàn dân ta.
(Sưu tầm, tổng hợp)
Mai Tùng
Ý kiến ()