Từ câu chuyện ý thức người tham gia đến bài học về công tác tổ chức
LSO-Theo kế hoạch, sáng nay (16/4/2020), Tập đoàn APEC phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn khai trương Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng – chương trình nhằm hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch Covid-19 tại Lạng Sơn, tuy nhiên, chương trình vừa mới bắt đầu và chưa kịp khai trương thì đã phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân dẫn đến chương trình phải tạm dừng có thể có nhiều, song cơ bản là do ý thức của nhiều người đến tham gia chương trình chưa cao và khâu tổ chức còn những hạn chế nhất định, cần phải rút kinh nghiệm để sau này tổ chức tốt hơn.
Chưa đến giờ khai trương Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng
thì ngoài cổng đã chật kín người dân đến để chờ vào mua đồ
Cũng giống như Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng diễn ra tại 8 tỉnh, thành trong cả nước, Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng tại Lạng Sơn được tổ chức nhằm giúp đỡ, hỗ trợ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được mua sắm miễn phí những nhu yếu phẩm cần thiết để duy trì cuộc sống hằng ngày.
Chương trình thiết thực và ý nghĩa như vậy nhưng lại chưa thể diễn ra theo đúng kế hoạch. Lý giải về điều này, ông Lương Văn Hiện, Trưởng Ban quản lý dự án APEC tại Lạng Sơn giãi bày: Qua tuyên truyền và thông báo trên các trang mạng xã hội, chúng tôi đề nghị người dân khi đến lấy đồ cần đeo khẩu trang, thực hiện đứng cách xa người khác ít nhất 2 m nhằm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Thế nhưng người dân đến quá đông, tầm 8 giờ sáng, chưa kịp tổ chức khai trương thì đã có gần 500 người tập trung khiến cho công tác tổ chức không đảm bảo được yêu cầu an toàn nên chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo tỉnh, thành phố và tập đoàn tạm ngừng chương trình.
Ông Nguyễn Văn Đáng, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố khối 8 phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Được sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND phường, chúng tôi đã có mặt tại địa điểm tổ chức để hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, người dân đến quá đông, lại không hợp tác với các lực lượng chức năng, đoàn thể để thực hiện giãn khoảng cách đảm bảo yêu cầu nên xảy ra tình trạng lộn xộn, nhốn nháo tại điểm diễn ra chương trình, gây khó khăn cho chúng tôi thực hiện nhiệm vụ.
Thành viên của Ban tổ chức chương trình
nhanh tay xếp hàng lên kệ Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng
Bà Trương Thị Hiền (85 Lê Đại Hành, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) – người dân sống đối diện nơi tổ chức Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng cho biết: Tôi thấy chương trình của doanh nghiệp họ làm có ý nghĩa rất nhân văn, thế nhưng người dân mình ý thức chưa cao. Ban tổ chức đã thông báo, hướng dẫn, vẽ các điểm để người dân xếp hàng đứng chờ đảm bảo mỗi người cách nhau 2 m nhưng người dân mình không thực hiện. Thậm chí có nhiều người dân ăn mặc đẹp, đi xe đẹp vẫn đến xếp hàng nhận đồ cứu trợ. Ngồi chờ trước cửa nhà tôi có nhiều cặp vợ chồng, con cái trong cùng 1 gia đình kéo nhau đến để nhận đồ… Tôi thấy như vậy thiếu tinh thần sẻ chia. Chương trình người ta phát đi thông điệp là nếu thiếu thì đến lấy miễn phí, nếu đủ rồi thì nhường cho người khác, song thực tế một số người lại không làm như vậy.
Bên cạnh sự ý thức của người dân chưa cao, thì trong công tác tổ chức cũng còn những điều cần phải rút kinh nghiệm. Đó là sự phối hợp của doanh nghiệp với địa phương, ngành chức năng còn lỏng lẻo, chưa có kịch bản hay phương án cụ thể để lường hết các tình huống có thể xảy ra mà ứng phó kịp thời. Cùng với đó, công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể, khối phố trong việc tuyên truyền đến người dân chưa được kịp thời và chưa đảm bảo yêu cầu nên người dân chưa hiểu rõ về chương trình. Do đó, họ có tâm lý lo sợ không đi lấy nhanh thì người khác sẽ lấy hết. Trong khi quy mô chương trình diễn ra 5 ngày/tuần và kéo dài trong 3 tháng kể từ ngày khai trương.
Bà Chu Thị Tông, 76 tuổi ở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đến chờ từ sớm mà không được mua đồ 0 đồng, kiến nghị: Tôi tuổi cao, hộ nghèo lại sống một mình, bệnh tim, chân đau nhưng vẫn cố đến để nhận trợ giúp từ chương trình, nhưng lại bị tạm dừng. Tôi kiến nghị tới đây, doanh nghiệp và ngành chức năng cần phối hợp các địa phương, phường, xã tổ chức luân phiên theo địa bàn để mọi người dân nghèo, khó khăn như tôi đều được tiếp cận, thụ hưởng chương trình ý nghĩa này.
Sau khi “vỡ trận”, ban tổ chức đã dán thông báo tạm ngưng chương trình
Trước mong mỏi của người dân, ông Lương Văn Hiện, Trưởng Ban quản lý dự án APEC tại Lạng Sơn khẳng định: Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, ngành, UBND phường, xã, thậm chí đến khối phố để có cách hỗ trợ người dân một cách thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, nhất là đảm bảo các yếu tố an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Trong lúc cả nước, cả tỉnh đang khó khăn, chật vật để lo chống dịch Covid-19 thì các chương trình từ thiện của các tổ chức, cá nhân chung tay thực hiện công tác an sinh xã hội thật trân quý, ý nghĩa. Tuy nhiên, sau việc tạm dừng của chương trình “Siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng” cũng đặt ra cho các “mạnh thường quân” cần có cách làm, cách tổ chức, tuyên truyền hiệu quả hơn, để chương trình không bị “vỡ trận” và thực sự lan tỏa đến những người khó khăn, người cần được thụ hưởng. Qua đây, người dân trên địa bàn cũng cần nâng cao ý thức của mình không chỉ với tinh thần “nhường cơm xẻ áo” mà còn nâng cao ý thức trong phòng chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan, xem thường các khuyến cáo của Chính phủ và ngành chức năng về phòng chống dịch Covid-19.
THANH HUYỀN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()