Từ câu chuyện kinh phí giám định và tiêu hủy
LSO-Không chỉ gây sức ép cho hàng hóa trong nước, đe dọa sức khỏe cộng đồng, hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái (gọi chung là hàng hóa vi phạm) còn đè nặng lên nền kinh tế với những khoản kinh phí không nhỏ cho công tác giám định và tiêu hủy.
Các lực lượng năng phối hợp xử lý hàng hóa vi phạm (trang trại Thanh Nga – TPLS, 17 giờ ngày 12/10/2016) |
Ngày 12/10/2016, Đội cảnh sát kinh tế, Công an thành phố phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 1 bắt giữ 1 công-ten-nơ hơn 10 tấn lợn thịt đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối trên bãi đất trống trong khuôn viên trang trại Thanh Nga (thôn Mai Thành, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn). Tuy nhiên do một số vướng mắc, trong đó có việc tìm kinh phí để giám định và tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa này, nên mặc dù phát hiện và bắt giữ hàng hóa từ lúc 14 giờ nhưng đến 17 giờ cùng ngày, các lực lượng chức năng mới có thể mở lô hàng, kiểm tra, nhận định sơ bộ về chất lượng, khối lượng hàng hóa.
Trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, một trong những việc thường xuyên phải thực hiện đối với các lực lượng chức năng, đó là giám định mẫu hàng hoá bị tạm giữ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí để thực hiện việc giám định hàng hoá và sau đó là kinh phí để tiêu huỷ các mặt hàng không được phép lưu thông trên thị trường đang là một trở ngại lớn.
Ông Hoàng Mạnh Cầu, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 2 – Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh cho biết: “Để có căn cứ pháp lý trong giải quyết nhiều vụ việc vi phạm, vấn đề giám định là bắt buộc. Tuy nhiên kinh phí giám định và tiêu huỷ là rất cao”.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2016, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý được trên 2.150 vụ buôn bán, vận chuyển và chứa chấp hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Để có căn cứ xử lý đối tượng vi phạm, các mẫu hàng hóa, vật chứng đều phải được các đơn vị chức năng niêm phong gửi đến cơ quan có đủ thẩm quyền để kiểm nghiệm. Và tương đương với đó, kinh phí để chi cho việc giám định mẫu và tổ chức tiêu huỷ hàng hóa cũng không hề nhỏ.
Hiện nay chi phí với mỗi mẫu giám định chất ma túy vào khoảng 1,7 triệu đồng; giám định phân vô cơ khoảng 1,5 triệu đồng; giám định phân hữu cơ khoảng trên 2 triệu đồng… Qua đó cho thấy kinh phí giám định đang là một trong những gánh nặng đối với nhiều cơ quan chức năng, đồng nghĩa với việc đè nặng lên ngân sách nhà nước.
Khó khăn này được ông Hồ Quang Thái, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Trung ương chia sẻ: “Thiếu kinh phí giám định và tiêu hủy hàng hóa của các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn hiện nay cũng chính là khó khăn chung ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Và với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc, Thường trực Ban chỉ đạo 389 Trung ương sẽ tham mưu và đề xuất lên Chính phủ để có nguồn kinh phí hỗ trợ lực lượng chức năng trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm”.
Kinh phí hỗ trợ công tác giám định và tiêu huỷ hàng hoá không được phép lưu thông trên thị trường hiện đang là một trong những trở ngại không nhỏ đối với nhiều địa phương như Lạng Sơn trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nguồn ngân sách đáng lý ra sẽ được dành cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, nhưng một phần trong đó lại phải chi cho giám định và tiêu hủy các hàng hóa vi phạm. Các lực lượng chức năng từ biên giới đến sâu trong nội địa phải căng mình chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái…nếu không có hiện tượng này, họ đã có thể dồn tâm sức cho nhiều công việc khác để thúc đẩy sự phát triển chung.
Hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái… không chỉ đe dọa đến sản xuất trong nước, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân…mà còn là gánh nặng ngân sách với những khoản kinh phí không nhỏ cho đấu tranh, ngăn chặn; giám định và tiêu hủy.
MINH NGỌC
Ý kiến ()