Từ câu chuyện chọn trường
Học viên Trung tâm dạy nghề tư thục Tùng Linh trong giờ thực hành |
Trường xa thi dễ đỗ?
Mặc dù nhà ở cách Trường dạy nghề tư thục Tùng Linh (gọi tắt là Tùng Linh) chưa đầy 1km nhưng chị Nông Thị Tố Q. (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) cùng nhóm bạn 8 người quyết định chọn Trường Trung cấp nghề Âu Lạc ở tận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (gọi tắt là Âu Lạc – Bắc Ninh) để học. Chị Q. cho biết: “Tôi nghe thầy nói thi ở trường Âu Lạc – Bắc Ninh dễ đỗ hơn Tùng Linh của tỉnh mình nhưng xuống thi mới biết không phải vậy. Có người lái xe lâu năm nhưng thi 3 lần còn chưa đỗ. Thím của tôi, có xe nhà luyện tập thường xuyên đến mức thành thạo rồi cũng phải xuống thi đến lần thứ hai mới đỗ. Và đợt tôi thi vừa rồi có gần 420 người nhưng chỉ đỗ được một nửa con số đó”.
Và chị Q. không phải là trường hợp duy nhất ở trên địa bàn thành phố Lạng Sơn phải tặc lưỡi vì “chọn nhầm trường”. Bởi có trường hợp đã hoàn chỉnh hồ sơ nộp vào trung tâm ở tỉnh lại rút hồ sơ chuyển xuống Âu Lạc – Bắc Ninh vì “nghe nói ở đó thi dễ và được thi sớm hơn”. Cuối cùng, tất cả phải tiếc nuối vì vừa tốn nhiều tiền vừa mất công đi lại. Nếu thi ở Tùng Linh chỉ cần trong 1 ngày, thậm chí là một buổi sáng thì đi thi ở Âu Lạc – Bắc Ninh phải mất công đi lại ít nhất là 3 ngày (1 ngày thi tốt nghiệp, 1 ngày lý thuyết và 1 ngày thi sát hạch). Đó là chưa kể thời gian phải xuống trường trước 1, 2 ngày thuê xe chip lái thử để làm quen với xe, với sa hình.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn cho biết: “Với phương châm đào tạo để học viên tự tin điều khiển xe và lái xe an toàn, Sở đã chỉ đạo việc tổ chức đào tạo và sát hạch lái xe rất chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình quy định. Vì thế đòi hỏi các trung tâm phải dạy đủ số giờ theo quy định, học viên phải được đào tạo bài bản về lý thuyết và thực hành lái xe thành thạo. Và trên thực tế 2 năm gần đây, tỷ lệ thi đỗ sát hạch GPLX hạng B2 và C trong lần thi đầu tiên của các trung tâm ở tỉnh ta hiện nay đạt bình quân trên 70%”.
Trường xa học phí rẻ?
Đặt chân đến Trung tâm sát hạch lái xe Âu Lạc – Bắc Ninh, chúng tôi bắt gặp khá nhiều người Lạng Sơn. Hỏi ra mới biết, phần lớn những người này không chọn trường gần vì 2 lý do. Một là không phải theo học lý thuyết, hai là chi phí rẻ. Thế nhưng khi học rồi, thi rồi mới vỡ lẽ không phải tất cả đều đúng sự thật. Anh Phan Xuân N ở thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia và nhóm bạn của anh là một ví dụ. Anh N cho biết: “Học ở Âu Lạc chúng tôi không phải đi học lý thuyết, chỉ tự ôn luyện, tập lái rồi đi thi thôi. Thế nhưng không học thì vẫn trượt lý thuyết và học phí thì không hề rẻ chút nào. Ban đầu thầy nói chỉ mất khoảng hơn 6 triệu đồng là có bằng. Nhưng riêng tiền thầy thu của nhóm tôi để nộp cho trường là hơn 8 triệu đồng, nhóm khác còn 8,5 triệu đồng, chưa tính tiền thực hành với thầy (2,5 triệu đồng/10 tiếng) và tiền xe đi lại, ăn, ngủ nghỉ. Tính sơ sơ phải tăng gấp đôi so với dự tính ban đầu”.
“Chỉ tốn hơn 6 triệu là có bằng” chính là chiêu trò phổ biến để các thầy giáo “dạy chui”, “cò mồi” lôi kéo người học bỏ trường gần, chọn trường xa. Kết quả là nhiều học viên bỗng dưng trở thành nạn nhân, đành tặc lưỡi “đâm lao thì phải theo lao” để “cố đi thi cho xong”. Và đến khi thi xong và đỗ rồi vẫn lo lắng vì bị thầy giáo dọa “Tôi sẽ không trả bằng cho anh chị nếu tay H –“cò mồi” – không trả tôi đủ số tiền học phí ban đầu thu của nhóm này”.
Thực tế trên cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh ta vẫn có rất nhiều người tin tưởng, lựa chọn học, thi lấy bằng lái xe ở các trường xa mặc dù tỉnh ta đã có cơ sở đào tạo từ năm 2013. Được biết, nguyên nhân là do những năm đầu khi mới thành lập, các cơ sở này hoạt động chưa đi vào nề nếp, thiếu cán bộ, cơ sở vật chất nên thời gian đào tạo bị kéo dài (7 – 8 tháng/khóa). Điều này đã tạo tâm lý e ngại cho nhiều người học mặc dù từ tháng 8/2015 đến nay, thời gian tổ chức thi đã được rút ngắn lại còn 3 đến 3,5 tháng theo đúng quy định. Từ câu chuyện trên, mong rằng những người có nhu cầu học, thi lái xe ô tô sẽ cân nhắc kỹ để tránh rơi vào những tình huống dở khóc, dở cười do chọn nhầm trường.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 1 trung tâm thi sát hạch và 2 cơ sở đào tạo lái xe (Trung tâm dạy nghề tư thục Tùng Linh và Trường cao đẳng nghề nông lâm Đông Bắc) có đủ điều kiện để đào tạo khoảng 1.000 học viên/khóa. Lạng Sơn là một trong số ít địa phương trong toàn quốc đã thực hiện thành công việc cấp Giấy phép lái xe cho người trúng tuyển ngay sau khi sát hạch. |
Ý kiến ()