Từ can thiệp giảm hại và điều trị
LSO-Thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS, công tác truyền thông, tiếp cận, được thực hiện song song với can thiệp, giảm hại và điều trị, nên đã duy trì được đà “3 giảm”.
Cán bộ Khoa Methadone Trung tâm y tế Tràng Định cấp thuốc cho bệnh nhân |
Tăng cường truyền thông, can thiệp giảm hại
Những tháng đầu năm 2017 là thời gian trùng với dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân với các hoạt động thăm thân, giao lưu, du lịch, tham quan… gây nguy cơ lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng. Khắc phục nhiều khó khăn về nhân lực và kinh phí, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã chỉ đạo toàn mạng lưới và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể tăng cường công tác truyền thông giáo dục, tư vấn đến cộng đồng. Trong 3 tháng đầu năm đã thực hiện 1.038 lượt truyền thông tới trên 70.300 người, chủ yếu ở tuyến xã, nhất là những xã trọng điểm. Trên 100 tin bài, phóng sự, thông tin về HIV/AIDS được đăng trên Báo Lạng Sơn, Đài phát thanh – truyền hình tỉnh, phát trên loa phóng thanh xã, phường… trên 45 ngàn tờ rơi, gần 300 băng rôn khẩu hiệu đã có tác dụng tốt đến cộng đồng dân cư trong việc nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống HIV.
Trên cơ sở tuyên truyền sâu, hoạt động can thiệp giảm hại của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và cộng tác viên tuyến xã trong tư vấn và phát bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng có nguy cơ cao đã được thực hiện thuận lợi. Toàn mạng lưới đã tiếp cận được 1.125 đối tượng nghiện chích ma túy, 24 người là vợ chồng, bạn tình của người nhiễm HIV/AIDS và 163 người thuộc nhóm nguy cơ cao đã được tư vấn xét nghiệm HIV. Các cơ sở y tế đã tư vấn xét nghiệm HIV cho 2.372 phụ nữ có thai, đạt 100% số phụ nữ có thai đến khám tại trạm y tế xã. Kết quả 100% phụ nữ có thai được tư vấn đã chấp nhận xét nghiệm sàng lọc HIV.
Nâng cao hiệu quả điều trị
Với sự hoạt động ổn định của 6 cơ sở điều trị Methadone (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình và Hữu Lũng), đến cuối quý I năm 2017, toàn tỉnh hiện có 1.176 bệnh nhân đang điều trị. Công tác điều trị HIV/AIDS bằng ARV đã có những bước phát triển mới. Trong 3 tháng đầu năm đã có thêm 8 bệnh nhân được tiếp cận điều trị, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị ổn định bằng ARV tại 6 trung tâm y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số cơ sở ngoài tỉnh là 639 người, trong đó có 607 người lớn và 32 trẻ em dưới 15 tuổi.
Công tác quản lý, tư vấn, chăm sóc và điều trị dự phòng được tăng cường. Hiện đã có 806/859 người được quản lý, chăm sóc, tư vấn, chiếm tỷ lệ 93,8%; số đang điều trị dự phòng Cotrimoxazol là 32 người. Trong quý I, ngành đã điều trị dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp cho 3 cán bộ trước 12 giờ và 1 trẻ em.
Kết quả của những nỗ lực
Do hoạt động tích cực và đồng bộ giữa các khâu từ tuyên truyền, tư vấn đến giám sát; từ điều trị bằng thuốc thay thế Methadone đến điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội và điều trị phơi nhiễm…nên 3 tháng đầu năm 2017, Lạng Sơn vẫn duy trì đà “3 giảm”. Có 8 người nhiễm mới (giảm 11%), có 5 người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm 50% và có 5 người tử vong do AIDS và các bệnh có liên quan, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số 8 trường hợp nhiễm mới có 4 trường hợp lây qua đường tình dục (50%), 3 trường hợp lây qua đường máu (tiêm chích ma túy), tỷ lệ 37,5% và 1 trường hợp lây từ mẹ sang con (12,5%). Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh nhận xét: So sánh với những năm trước về đường lây truyền, có thể thấy xu hướng tình dục không an toàn dẫn đến lây nhiễm HIV ở Lạng Sơn đang có chiều hướng tăng. Đây là vấn đề cần quan tâm trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong thời gian tới.
MINH HỒNG
Ý kiến ()