Tu bổ, tôn tạo di tích: Hiệu quả từ những cách làm
– Nhằm giữ gìn những giá trị lịch sử và văn hóa của các di tích, thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, tu bổ di tích bằng nhiều nguồn lực, cách làm. Qua đó, đem lại diện mạo mới cho nhiều di tích, góp phần bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa (DSVH).
Cuối tháng 5/2020, dự án tu bổ, tôn tạo di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã hoàn tất và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Ngoài ngôi nhà sàn lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây mới, khung cảnh của di tích được tu bổ khang trang hơn so với trước. Di tích đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.
Du khách quyên góp tiền công đức tại di tích Chùa Tiên, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
Đây chỉ là một trong số rất nhiều di tích được quan tâm tu bổ trên địa bàn huyện Tràng Định. Bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thành lập và kiện toàn ban quản lý (BQL) di tích, tăng cường kiểm tra, quản lý các hoạt động tại di tích… Theo đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tu bổ được khoảng 10 di tích với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng.
Tương tự, những năm qua, Hữu Lũng cũng là địa bàn tích cực quan tâm đầu tư, tu bổ di tích. Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng VHTT huyện cho biết: Hữu Lũng hiện có 84 di tích, trong đó có 12 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, ngoài việc tham mưu thành lập BQL di tích tại cơ sở, phòng đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay góp công sức để tu bổ, tôn tạo các di tích. Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã trùng tu, tôn tạo 9 di tích với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng, trong đó, nguồn xã hội hóa gần 8 tỷ đồng.
Không chỉ Tràng Định và Hữu Lũng, thời gian qua, nhiều huyện, thành phố trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, tiêu biểu như: thành phố Lạng Sơn, huyện Bắc Sơn, Chi Lăng… Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), hiện toàn tỉnh có 335 di tích trong danh mục kiểm kê, trong đó có 130 di tích đã xếp hạng. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 79 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 130 tỷ đồng. Năm 2020, toàn tỉnh có 13 di tích được tu bổ với kinh phí trên 40 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa chiếm 80% (tăng 60% so với năm 2016). Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, các huyện, thành phố đã và đang tích cực tu bổ, tôn tạo di tích, tiêu biểu như thành phố Lạng Sơn thực hiện tu bổ 3 điểm di tích và 1 khu di tích với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng…
Để có được những kết quả đó, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị di tích, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa. Đặc biệt, trên cơ sở Nghị quyết số 25 ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo”, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành VHTTDL đã tích cực triển khai công tác phát huy giá trị các di tích như: tuyên truyền, phổ biến đến Nhân dân các quy định của pháp luật trong quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản; huy động nguồn lực xã hội hóa…
Nổi bật, từ năm 2018, thực hiện chủ trương của tỉnh, Sở VHTTDL đã hướng dẫn các huyện, thành phố thành lập BQL di tích cấp huyện và cấp cơ sở. Đến nay, 100% di tích đã được phân cấp về cơ sở giúp cho các địa phương chủ động hơn rất nhiều trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt Kết luận số 28-KL/TU ngày 31/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận số 28-KL/TU vào Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030.
Ý kiến ()