Từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông góp phần bảo vệ môi trường
Không thể phủ nhận những tiện ích của túi ni lông trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên, thói quen này đã vô tình gây hại đến sức khỏe con người và môi trường sống, bởi vậy loại bỏ túi ni long là một việc làm cần thiết.
Nếu như trước đây, người đi chợ thường xách theo những chiếc làn nhựa đề đựng thực phẩm, rau xanh, hoa quả thì dường như hình ảnh đó hiện nay rất hiếm. Thay thế chiếc làn bằng nhựa là những chiếc túi ni lồng đủ mọi kích cỡ, màu sắc, nhỏ gọn và tiện lợi. Cũng như mọi người, mỗi lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Thuận, tổ dân phố Bảo Sơn, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc lại mang về rất nhiều đồ đựng trong những túi ni lông khác nhau. Từ đồ ăn chế biến sẵn như giò, chả, bánh đến những thực phẩm tươi sống như rau, thịt, đậu, cá, trái cây, thậm chí chỉ vài củ tỏi, củ gừng, vài nhánh hành, quả ớt… mỗi loại thực phẩm đựng trong một túi ni lông riêng. Chi cho biết, chị cũng nghe nhiều trên đài báo về tác hại của túi ni lông, nhưng việc sử dụng túi ni lông rất tiện và đã trở nên quá phố biến, rất khó bỏ. Ngay cả khi dùng làn đi chợ, tuy có bớt được vài chiếc túi, chúng tôi vẫn phải dùng túi lông để phân loại thực phẩm chín và sống chứ không thể bỏ hoàn toàn. Đối với những người đi làm về tranh thủ qua chợ mua thức ăn thì việc mang theo làn là không thể, bởi vậy túi ni lông vẫn là lựa chọn “tối ưu” đối với các chị em phụ nữ.
Dùng làn đi chợ góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường sống
Thêm vào đó, túi ni lông có giá thành thấp, được người bán hàng sử dụng rất thoải mái, thậm chí, nhiều người còn lạm dụng túi ni lông, ví như, khi mua cá, sau khi được mổ sẵn tại chợ, thay vì dùng 1 túi ni lông, người mua hàng sẽ yêu cầu dùng 2 lượt túi vì sợ tanh và vấy bẩn lên quần áo và đồ dùng khác. Với mức độ sử dụng túi ni lông như trên, nếu tính đơn giản mỗi ngày, một người đi chợ sẽ sử dụng trung bình 10 túi ni lông, trong khi việc tái sử dụng lại rất hạn chế, bởi chỉ có một số ít người tận dụng túi ni lông để bảo quản đồ trong gia đình hoặc đựng rác, còn lại phần lớn chỉ dùng 1 lần rồi bỏ đi.
Theo thống kê của Công ty CP Môi trường và đô thị Vĩnh Yên, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Vĩnh Yên, trung bình mỗi ngày lượng rác thải lên tới trên 110 tấn, trong đó phần lớn là rác thải sinh hoạt có chứa túi ni lông khó xử lý và thời gian phân hủy tự nhiên của túi ni lông phải mất từ 500 – 1.000 năm, do đó rất ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của con người bởi túi ni lông có chứa các chất hóa dẻo, phẩm màu, kim loại nặng, gây tác hại cho não và các bệnh ung thư phổi, dị tật bẩm sinh cho thai nhi, trẻ sơ sinh…
Nhận thức được tác hại của việc sử dụng túi ni lông, Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn thành niên các cấp tăng cường tuyên truyền về BVMTbằng cách thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông. Nhiều mô hình tuyên truyền về tác hại của túi ni lông, vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, nâng cao ý thức BVMT đã phát huy hiệu quả điển hình như: “Câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” của Hội Phụ nữ các xã Nguyệt Đức (Yên Lạc), An Hòa (Tam Dương); “Câu lạc bộ Phụ nữ BVMT”; Đội “Thanh niên xung kích vì cuộc sống cộng đồng, mô hình “Thùng rác văn minh” ở Vĩnh Tường, Vĩnh Yên… Bên cạnh đó, tại các siêu thị và trung tâm thương mại lớn ở tỉnh như Co.op Mark, Big C đã thực hiện tuyên truyền, cung cấp và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi giấy, túi sinh thái thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông.
Có thể nói, việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của người dân không thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian lâu dài. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta nên tự giác thực hiện hạn chế, tiến tới loại bỏ bỏ thói quen sử dụng túi nilon để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần BVMT sống.
Theo tapchimoitruong
Ý kiến ()