Từ 2019, Việt Nam có thể hoàn toàn chủ động về nguồn vaccine cúm
Nếu vaccine cúm của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) được Bộ Y tế nghiệm thu và cấp phép, từ năm 2019, Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu vaccine cúm như hiện nay, mà hoàn toàn chủ động được nguồn vaccine, đồng thời có khả năng cung cấp vaccine cho các nước trong khu vực.
Hệ thống thiết bị tinh chế vaccine cúm tại IVAC. Ảnh do Viện IVAC cung cấp.
Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang vừa báo cáo Bộ Y tế về việc đã chế tạo và sản xuất thành công vaccine cúm ở quy mô công nghiệp, có tên gọi IVACFLU-S, có thể ngừa được 3 chủng virus cúm thông thường gồm: chủng A/H1N1/09, A/H3N2 và cúm B.
Theo PGS.TS Lê Văn Bé, Viện trưởng IVAC, dây chuyền này có thể sản xuất và cung ứng trên quy mô với công suất 3-5 triệu liều, sẵn sàng ứng phó khi có các biến virus cúm mới gây dịch hoặc đại dịch xuất hiện.
Quy trình sản xuất chủng vaccine được thực hiện bằng cách cấy chuyền nhiều đời trên trứng gà có phôi với chủng virus cúm phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hàng năm. Kết quả kiểm định chất lượng và nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thí nghiệm cũng cho thấy, vaccine cúm IVACFLU-S đạt tiêu chuẩn chất lượng cũng như đáp ứng yêu cầu về an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp, tạo được đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm phù hợp với khuyến cáo của WHO và quy định của Việt Nam.
Ông Lê Văn Bé cũng cho biết, nếu vaccine cúm của IVAC được Bộ Y tế nghiệm thu và cấp phép, từ 2019 Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu vaccine cúm như hiện nay, mà hoàn toàn chủ động được nguồn vaccine, đồng thời có khả năng cung cấp vaccine cho các nước trong khu vực khi có đại dịch cúm.
Đặc biệt, do sản xuất trong nước nên giá vaccine cúm này sẽ rẻ chỉ bằng 1/3 so với giá vaccine nhập khẩu hiện nay, tức là từ 80.000-120.000 đồng/liều. Điều này sẽ giúp số người được sử dụng vaccine phòng và ngăn chặn dịch cúm hiệu quả hơn.
Hiện, IVAC đang đề nghị Bộ Y tế công nhận dây chuyền sản xuất vaccine cúm này ở quy mô 1,5 triệu liều/năm của Viện đủ điều kiện sản xuất vaccine cúm sử dụng cho người.
Trong biết thời gian tới, IVAC sẽ tiếp tục phát triển sản xuất các dạng vaccine cúm theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi, ứng dụng quy trình “lõi“ nghiên cứu sản xuất vaccine cúm mùa đa giá trị dạng mảnh trên các chủng chuẩn thức theo khuyến cáo của WHO, dự trữ vaccine cô đặc và nghiên cứu các dạng vaccine mới, nghiên cứu tá chất. Riêng trong năm 2018, Viện sẽ đăng ký lưu hành 2 loại vaccine cúm.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine cúm mùa rất có ý nghĩa vì Việt Nam là nước có số người mắc cúm mỗi năm rất cao, từ 1,5 đến 1,8 triệu người, trong khi số người chủ động dùng vaccine cúm mùa hiện nay còn thấp.
Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng dễ biến chứng, đặc biệt với trẻ nhỏ và người già, phụ nữ có thai – những người có sức đề kháng thấp. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vaccine.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()