Từ 2019, tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/9 đã thông qua nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra bổ sung về dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. |
Chiều 20/9, theo chương trình Phiên họp thứ 27, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và biểu quyết thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Tại phiên họp này Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết như sau: Đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ mức 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít và hiệu lực thi hành của Nghị quyết đề nghị áp dụng từ ngày 01/01/2019.
Mức thuế bảo vệ môi trường được quy định cụ thể như sau: đối với xăng là 4.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu mazut là 2.000 đồng/lít; than nâu là 15.000 đồng/tấn; than antraxit là 30.000 đồng/tấn; túi ni lông thuộc diện chịu thuế là 50.000 đồng/kg.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số hàng hóa khác như nhiên liệu bay, dầu nhờn, mỡ nhờn, than mỡ, than đá khác, dung dịch HCFC, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng…
Trình bày Báo cáo thẩm tra bổ sung dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít cũng như đề xuất điều chỉnh thời hạn hiệu lực của Nghị quyết áp dụng từ ngày 01/01/2019.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thêm, qua xem xét báo cáo đánh giá tác động bổ sung và giải trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy các nội dung tiếp thu, giải trình bổ sung trong đó có đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tác động đến một số ngành sản xuất kinh doanh, giá bán lẻ xăng dầu và tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu so với các nước…là phù hợp.
Theo đó, việc chuyển thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết bắt đầu từ 01/01/2019 sẽ không tác động làm tăng chỉ số CPI của năm 2018 đã được Quốc hội quyết định và bảo đảm dư địa cho Chính phủ điều chỉnh chỉ số lạm phát 2019, hạn chế tối thiếu tác động đến đời sống người dân và hoạt động của nền kinh tế.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nếu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thì 1 năm thu được khoảng 15.189 tỷ giúp cho đầu tư để xử lý vấn đề môi trường. Vấn đề môi trường rất lớn, chúng ta đang đứng trước những vấn đề. Công cụ thuế này một mặt tạo nguồn thu để xử lý vấn đề môi trường, một mặt là công cụ để giảm được ô nhiễm môi trường thông qua việc xử lý đối với những sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường.
Lưu ý không thu cái này để chi tiêu chỗ khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tiền thu được về bảo vệ môi trường đưa vào ngân sách phải chi trở lại để cho bảo vệ môi trường, xử lý những ô nhiễm môi trường đảm bảo cho người dân có môi trường sống trong lành theo tinh thần Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường thông tin truyền thông để hiểu theo đúng ý nghĩa này.
Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra và qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường như đề nghị của Chính phủ và kèm theo phụ lục về tên hoạt chất, nguyên liệu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao cho Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Ủy ban Pháp luật hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết này đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau đó xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký chính thức.
Ý kiến ()