Từ 1/7: Sim "rác" hết cơ hội tung hoành
Câu chuyện người dùng di động trả trước thay sim điện thoại như thay áo thời gian qua đã khiến kho số bị lãng phí lớn. Việt Nam công bố có trên 100 triệu thuê bao di động nhưng vẫn chưa thể kiểm chứng được trong số đó có bao nhiêu là thuê bao thực, bao nhiêu thuê bao ảo… Những tình trạng trên được kỳ vọng sẽ không còn từ ngày 1/7, khi hàng loạt các chính sách viễn thông mới chính thức có hiệu lực.
Nhiều chính sách viễn thông mới đi vào cuộc sống
Sau đúng 45 ngày ban hành, Thông tư số 11/TT-BTTTT quy định về hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động sẽ chính thức hiệu lực thực hiện vào ngày 1/7/2010. Thông tư 11 được cả cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông cùng doanh nghiệp di động kỳ vọng sẽ chấm dứt việc cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức khuyến mại hiện nay.
Tuy nhiên, ngay trong chiều qua, 29/6, trong cuộc trao đổi với phóng viên, một thuê bao điện thoại 01692xxxxx7 vẫn còn chia sẻ, hiện anh có tới 3-4 chiếc SIM điện thoại mạng Viettel. Sử dụng chiếc điện thoại 2 SIM, 2 sóng, chỉ một chiếc SIM được vị khách hàng này dùng cố định, còn lại là một SIM khuyến mại, cứ xài hết tiền là chuyển sang SIM mới ngay. Theo anh, chỉ cần bỏ ra 60 ngàn đồng mua một chiếc SIM mới là trong tài khoản đã có sẵn tới 160 ngàn đồng.
Có thể nói, đến thời điểm tháng 6 này, rất nhiều khách hàng của mạng Viettel vẫn có thể ung dung liên tục thay SIM điện thoại như thay áo vậy. Thực tế này rất cần doanh nghiệp phải xem lại chính sách của mình. Chạy đua theo phát triển thuê bao, nhưng thực chất, với chính sách quản lý lỏng lẻo như vậy, đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng SIM rác tràn lan trên thị trường.
Tuy nhiên, ngay cả khi doanh nghiệp không có sự rà soát lại, quy định mới cũng không còn cho phép những ưu đãi quá mức kia được… lọt lưới nữa.
Với việc Thông tư 11 quy định t ổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ thông tin di động được khuyến mại, giới chuyên môn nhìn nhận sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới các chương trình mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện.
Trước nay, đa số việc khuyến mại của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với SIM di động và bán giá dịch vụ thấp hơn giá bình thường. Nhưng khi Thông tư có hiệu lực, một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch, chi tiết, lượng hóa được để thực hiện được theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành sẽ được hình thành. Chiểu theo quy định, trong trường hợp các mạng di động bán SIM di động hoà mạng mới sẽ không còn được muốn tặng bao nhiêu tiền trong tài khoản thì tặng như trước đây nữa.
Chẳng hạn với một SIM điện thoại mới có giá bán 60 ngàn đồng, số tiền trong tài khoản của SIM đó tối đa chỉ có được là 85 ngàn đồng thay vì 160 ngàn, thậm chí là hơn thế nữa như trước kia. Không còn khuyến mại lớn, người dùng cũng phải cân nhắc hơn trong việc mua SIM mới hay mua thẻ nạp tiền điện thoại. Cùng với quy định mỗi cá nhân chỉ được sở hữu không quá 3 SIM di động/1 mạng di động đã được ban hành từ năm 2009, các quy định của thông tư 11 được kỳ vọng giúp cho SIM rác hết cơ hội tung hoành.
Chờ đợi một bức tranh viễn thông nhiều màu sáng
Khi Thông tư 11 có hiệu lực, với nhiều chính sách quản lý khuyến mại bị quản chặt lại, nhiều người lo ngại thị trường SIM thẻ sẽ mất đi sự sôi động trước đây, sức mua của người dùng di động sẽ giảm mạnh. Sẽ phải đắn đo để lựa chọn nên mua SIM mới hay mua thẻ để dùng tiếp SIM cũ, nhưng sự đắn đo này của người dùng hoàn toàn hợp lý chứ không thể cứ thích mua là mua, thích thay SIM là thay SIM như trước đây khiến tình trạng SIM ảo, SIM rác tràn lan không kiểm soát. Kho số viễn thông thì hữu hạn nên có nguy cơ sẽ cạn bất cứ lúc nào.
“Có thể ban đầu, cả doanh nghiệp và người dùng còn chưa kịp thích nghi với chính sách mới này, tuy nhiên, đây là một việc rất cần phải thực hiện áp dụng ở thời điểm hiện nay. Khi thị trường thông tin di động đã dần đi vào đúng quỹ đạo của nó, người dùng sẽ nhận ra những chính sách như thế này chính là đảm bảo quyền lợi của họ, được lựa chọn và dùng mạng di động không chỉ giá rẻ mà chất lượng đáp ứng tốt nhất” – một lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ quan điểm.
Cùng với thông tư 11, ngày 1/7/2010 cũng chính là thời điểm Luật Viễn thông của Việt
Luật quy định có bốn nguyên tắc xác định giá cước viễn thông. Tựu chung lại, nhà nước khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả giảm giá thành cung cấp dịch vụ, giảm giá cước để nâng cao mức độ sử dụng dịch vụ của người dân. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng viễn thông sẽ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ viễn thông hơn hẳn trước đây, mức cước ngày càng giảm nên không phải lo lắng nhiều đến túi tiền của mình.
Và như vậy, sau 1/7, một bức tranh viễn thông di động đầy mầu sáng đang tin tưởng thay thế cho những mảng tối vẫn còn tồn tại đâu đó. Thị trường thông tin di động Việt Nam đã có tới 9 tấm giấy phép trong đó có 7 nhà mạng đang cung cấp dịch vụ cho gần 90 triệu dân chứng tỏ một sự cạnh tranh gay gắt tới mức nào.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh đó không có chỗ cho những chiêu thức thiếu lành mạnh, giành giật khách hàng của nhau bằng mọi giá mà trên hết phải vì quyền lợi của người dùng, hướng tới dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao.
Ý kiến ()