Truyền thông Trung Quốc đánh giá cao sự phục hồi của Việt Nam
Hãng truyền thông và phân tích kinh tế hàng đầu Trung Quốc China Business News (CBN) mới đây đăng bài phân tích đánh giá cao sự phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 và tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước.
Bài báo cho biết, sau những tác động nghiêm trọng của Covid-19 với biến thể Delta trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam đã bước ra khỏi bóng đen của đại dịch để khôi phục và “hồi sinh”, trong đó thương mại xuất khẩu là điểm sáng nổi bật với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3/2022 đạt mức kỷ lục, tăng 38,1%; xuất khẩu tăng tới 48,2% so tháng trước. Đồng thời, tổng kim ngạch của quý I tăng 14,4% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, các nhóm mặt hàng “made in Vietnam” cũng không ngừng gia tăng, trong đó riêng điện thoại và linh kiện đạt tới kim ngạch gần 15 tỷ USD.
Bài báo nhận định, có được những tín hiệu tích cực nêu trên, là nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam được nâng cao và tình trạng “bình thường mới” trong phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng.
Trong lĩnh vực điện tử, ngoài các thương hiệu quốc tế như Samsung, Intel, LG đã có mặt tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, ngày càng có nhiều nhà sản xuất điện tử đưa cơ sở sản xuất của mình đến Việt Nam như Luxshare Precision, Winston, Pegatron, Goer…
Lý giải về tăng trưởng thương mại và xuất khẩu của Việt Nam, bài báo cho rằng, sau khi gia nhập WTO vào năm 2007, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới, như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP, trở thành quốc gia có nhiều FTA nhất trong khu vực.
Về vị trí của Việt Nam và Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp toàn cầu, bài báo dẫn lời ông Trần Kinh, chuyên gia của Đại học Khoa học – Công nghệ Trung Quốc cho rằng, giữa hai nền kinh tế có sự bổ sung rất lớn, chứ không phải là cạnh tranh. Việc tái cấu trúc chuỗi công nghiệp toàn cầu đã bắt đầu từ hơn chục năm trước. Với lợi thế chi phí lao động thấp và hệ thống sản xuất “đáng tin cậy”, Việt Nam đã trở thành điểm đến trong dịch chuyển một số ngành công nghiệp, nhất là ngành dệt may và lắp ráp điện tử.
Ông Trần Kinh cho rằng, sự phát triển của Việt Nam chẳng những không ảnh hưởng đến việc làm ở Trung Quốc, mà ngược lại, tái cơ cấu chuỗi công nghiệp còn thúc đẩy phát triển thương mại giữa hai nước. Trung Quốc duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Nhận định về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, bài báo cho rằng, cùng với việc gia tăng nhu cầu trong nước và sự phục hồi của ngành du lịch sau khi mở cửa trở lại, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong quý II và cả năm 2022. Trong đó, với việc bỏ quy định cách ly với khách quốc tế, ngành du lịch sẽ là một yếu tố quan trọng để quan sát và đánh giá xu hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Bài báo dẫn đánh giá của ông Chu Sỹ Tân, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải khẳng định, mở cửa giao lưu với bên ngoài, cũng sẽ thúc đẩy sự trở lại của các nhà quản lý và chuyên gia quốc tế, từ đó mang lại lợi ích cho các ngành sản xuất của Việt Nam.
Ý kiến ()