Đưa chính sách trợ giúp pháp lý đến người dân
- Nhằm đưa chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) đến người dân, thời gian qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, thuộc Sở Tư pháp đã tổ chức đa dạng các hoạt động truyền thông hướng về cơ sở.
Tỉnh Lạng Sơn có 199/200 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trong đó, nhiều người DTTS cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, sống xa trung tâm huyện nên ít có điều kiện tìm hiểu pháp luật, tiếp cận với các thông tin về TGPL.
Thực hiện nội dung số 3: “Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động TGPL chất lượng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã xây dựng kế hoạch về thực hiện hoạt động TGPL hằng năm.
Bà Hoàng Thị Bích, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh khẳng định: Lạng Sơn là tỉnh có đối tượng được TGPL tương đối nhiều, tuy nhiên cũng còn rất nhiều người chưa biết đến chính sách TGPL. Vì vậy, trung tâm luôn chú trọng đến các hoạt động truyền thông tại cơ sở, cán bộ trung tâm đến trực tiếp xã, thôn để truyền thông chính sách TGPL trực tiếp đến người dân.
Theo đó, trước khi tổ chức hội nghị truyền thông trực tiếp về TGPL tại các xã, thôn, ngay từ đầu năm, trung tâm đã phối hợp với UBND các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh để nắm bắt nhu cầu, lựa chọn các xã điểm để triển khai hoạt động. Từ năm 2023 đến nay, trung tâm đã tổ chức 31 hội nghị truyền thông về TGPL tại các thôn, xã trên địa bàn tỉnh với trên 2.100 đại biểu tham dự.
Chị Hoàng Thị Hải, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cho biết: Tại các hội nghị truyền thông về TGPL chúng tôi đã đổi mới hình thức tuyên truyền, thay vì triển khai văn bản một chiều, chúng tôi luôn chú trọng tương tác trao đổi, kết hợp trình chiếu nội dung chính sách TGPL ngắn gọn, dễ hiểu, đồng thời kết hợp phát tờ rơi trực quan, tư vấn, giải đáp thắc mắc về pháp luật cho người dân tham dự hội nghị nếu có nhu cầu.
Cùng đó, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh duy trì tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức TGPL điểm cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người có liên quan tại vùng đồng bào DTTS.
Từ năm 2023 đến nay, trung tâm tổ chức 22 hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận TGPL, với trên 4.700 đại biểu tham dự. Ngoài ra, trung tâm cũng đang triển khai các hoạt động khác để phục vụ công tác truyền thông về TGPL như: xây dựng chương trình phóng sự, biên soạn các ấn phẩm truyền thông về chính sách TGPL.
Bà Đàm Thị Bé, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Manh Trên, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng chia sẻ: Thôn có 45 hộ dân, chủ yếu là đồng bào DTTS. Được tham dự hội nghị truyền thông về TGPL vào tháng 7/2024 vừa qua do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức, tôi hiểu biết thêm về đối tượng được TGPL, các hình thức TGPL, quy trình thủ tục hướng dẫn người dân tiếp cận với hoạt động TGPL. Từ đó, tôi có thể hướng dẫn người dân trong thôn thuộc đối tượng được TGPL tiếp cận với chính sách này nhanh chóng, hiệu quả.
Ông V.V.L xã Lâm Sơn, huyện Chi Lăng là đối tượng được hưởng chính sách TGPL. Qua nghe tuyên truyền về TGPL, cuối năm 2023, khi có vướng mắc về pháp luật, ông đã làm đơn yêu cầu TGPL. Theo đó, ông được trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh TGPL về vụ án dân sự “tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” của gia đình ông L là nguyên đơn, do Tòa án nhân dân huyện Chi Lăng thụ lý.
Ông L kể: Năm 2002, vợ chồng tôi được bố mẹ đẻ tặng cho mảnh đất lâm nghiệp có diện tích hơn 14.000m2 tại thôn Hợp Nhất, xã Lâm Sơn. Đến năm 2011, vợ chồng tôi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ trước đến nay gia đình vẫn quản lý và không có tranh chấp với ai. Đến năm 2023, tôi phát hiện bà L.T.N người cùng thôn tôi đến phát dọn, trồng gừng trên diện tích đất nhà tôi nên xảy ra tranh chấp, vì bà N cho rằng phần đất này của gia đình bà khai phá, để lại. Trong quá trình TGPL, trợ giúp viên pháp lý đã tuyên truyền giải thích về pháp luật, hướng dẫn gia đình chuẩn bị các hồ sơ, chứng cứ tham gia phiên tòa. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/3/2024, nhờ có sự giúp đỡ của trợ giúp viên pháp lý, gia đình tôi được tòa chấp nhận nội dung khởi kiện, được quản lý, sử dụng trên 1.600m2 đất tranh chấp và toàn bộ tài sản trên đất tranh chấp.
Bằng các hoạt động truyền thông TGPL hướng về cơ sở đã giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi từng bước nâng cao nhận thức pháp luật về TGPL, tiếp cận và thụ hưởng quyền được TGPL, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác TGPL trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử trong năm 2023, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh hoàn thành 437 vụ việc TGPL (tăng 80 vụ việc so với năm 2022), 6 tháng đầu năm 2024 hoàn thành 215 vụ việc TGPL (tăng 92 vụ việc so với cùng kỳ năm trước), đảm bảo 100% người thuộc diện được TGPL khi có yêu cầu đều được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí. Các vụ việc TGPL đảm bảo chất lượng đúng quy định của pháp luật, không phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo về hoạt động TGPL.
Ý kiến ()