Truyền thông quốc tế phản ánh thành công của công cuộc đổi mới tại Việt Nam
Theo 1 bài viết trên trang mạng washingtonexaminer.com (Mỹ) ngày 11/10, Việt Nam là một trong số quốc gia thực hiện xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đạt nhiều thành tựu kinh tế nhờ áp dụng quyền sở hữu tư nhân và cải cách nền kinh tế thị trường.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa, Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: TTXVN) |
Tác giả bài viết nêu rõ, Việt Nam từng là đối tác bị đánh giá thấp nhất trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm 1990 ở mức 98 USD.
Tính đến cuối năm 1993, khoảng 79,7% dân số Việt Nam rơi vào cảnh nghèo đói, song đến năm 2006, con số này đã giảm xuống còn 50,6% và đến năm 2020 chỉ còn 5%. Theo tác giả, những số liệu này là minh chứng cho việc xóa bỏ thành công tình trạng đói nghèo.
Bài viết nhấn mạnh đến việc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 thông qua đường lối đổi mới, tạo nền tảng cho sự chuyển biến tích cực trong những năm sau đó.
Đến năm 1987, Việt Nam đã thông qua luật đầu tư mới, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Lần đầu tiên, Việt Nam cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài và bảo đảm an toàn vốn và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài.
Tác giả nhận định nhờ đó, Việt Nam hiện là một trong những nước mới nổi năng động nhất thế giới và mang đến nhiều cơ hội cho các cá nhân và doanh nhân.
GDP (tính theo USD) tăng 6 lần kể từ khi tiến hành cải cách. Từ một nước không thể sản xuất đủ thóc gạo để cung cấp cho người dân, Việt Nam đã trở thành một trong những nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu hàng điện tử quan trọng.
Ý kiến ()