Truyền thông là “cầu nối” để phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Song với tinh thần chủ động, nỗ lực, luôn xác định truyền thông phải “đi trước một bước”, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm chủ thể và tình hình diễn biến dịch bệnh nên công tác phát triển người tham gia tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đây là khẳng định của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh tại Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 trong toàn ngành, tổ chức ngày 19/4 tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và Bảo hiểm xã hội các quận, huyện.
“Chìa khóa” phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Luôn bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện, thực hiện linh hoạt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong cả nước.
Tính đến hết quý I/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 16,4 triệu người, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó, hơn 15,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 1,28 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, lần lượt tăng 1,78% và 16,09% so cùng kỳ năm 2021); bảo hiểm thất nghiệp hơn 13,4 triệu người, đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so với cùng kỳ 2021.
Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia, nhưng tinh thần chủ động, nỗ lực, luôn xác định truyền thông phải “đi trước một bước”, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm chủ thể và tình hình diễn biến dịch bệnh nên công tác phát triển người tham gia tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Khi số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (cao hơn 1,96% so chỉ tiêu được giao). Bảo hiểm y tế cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân với tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số (đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng ngành đã hoàn thành trong năm 2021 theo chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao).
“Để đạt được kết quả trên, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định và đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm, sáng tạo của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc cũng như công tác truyền thông của Trung tâm truyền thông (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã không ngừng được đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế.
Trên cơ sở đó đã tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận trong triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các cấp, các ngành. Đồng thời, nhận thức của người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được nâng cao, niềm tin vào chính sách tiếp tục được củng cố.
Tiếp tục đổi mới toàn diện
“Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông bảo hiểm xã hội” tiếp tục được xem là kim chỉ nam trong công tác truyền thông của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cũng đề nghị để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở; tiếp tục rà soát, phân nhóm chủ thể truyền thông cụ thể để xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông chi tiết theo từng nhóm đến tận xã, phường và triển khai các giải pháp truyền thông phù hợp, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm.
Đặc biệt, tăng cường truyền thông theo chiều sâu; truyền thông phải gắn với phương châm lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, cần thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông ngày càng tốt hơn để tiếp tục đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng đi vào cuộc sống.
Để đáp ứng được yêu cầu này, đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được phổ biến, tập huấn vào việc triển khai các hoạt động truyền thông tại đơn vị, tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022 và các năm tiếp theo.
Năm 2022, công tác truyền thông tiếp tục được toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai một cách chủ động, tích cực, mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm, trên nguyên tắc truyền thông phải bảo đảm đúng và trúng nhóm người tiềm năng.
Theo đó, tính đến hết quý I/2022, đã có khoảng 14.870 hội nghị truyền thông (trực tiếp, trực tuyến), truyền thông nhóm nhỏ (gấp 3,7 lần so quý I//2021), với hơn 188.400 lượt người được truyền thông; hơn 6.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục… được đăng tải, phát sóng trên các các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương; hơn 100 cuộc ra quân truyền thông, vận động người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình quy mô cấp tỉnh, cấp huyện; hơn 160.100 sản phẩm truyền thông (tin, bài, video, phóng sự,…) được đăng tải, chia sẻ trên trang fanpage, zalo, youtube của Bảo hiểm xã hội các tỉnh và công chức, viên chức và người lao động trong ngành.
Ý kiến ()