Truyền thông đi trước
LSO-Bước ngoặt trong chính sách dân số trong thời kỳ mới là chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang chính sách dân số và phát triển. Vì vậy, công tác tuyên truyền cũng phải có sự đổi mới để nâng cao nhận thức cho người dân.
Phụ nữ xã Nhượng Bạn (Lộc Bình) đăng ký dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản |
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Bằng sự nỗ lực trong suốt nửa thế kỷ, đến năm 2010, Lạng Sơn đã đạt mức sinh thay thế. Trong những năm qua, do công tác tuyên truyền được thực hiện song song với việc đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao nên mức sinh thay thế vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân, kể cả một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng “đẻ thoải mái”, nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng tăng cao. Nếu 9 tháng của năm 2016, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8%, thì 9 tháng năm 2017 đã là 8,7%. Đặc biệt có những huyện rất cao như: Đình Lập 16,1%, Hữu Lũng 13,9%, Lộc Bình 10,5%.
Nghị quyết số 21- NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) chuyển trọng tâm công tác dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, song vấn đề đầu tiên vẫn là giữ mức sinh thay thế mới giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng dân số. Muốn duy trì mức sinh thay thế (mỗi bà mẹ có từ 2-2,1 con) phải tiếp tục thực hiện KHHGĐ chứ không từ bỏ. Ngược lại việc tuyên truyền cần sâu hơn, rõ hơn và việc cung cấp dịch vụ, chăm sóc SKSS cũng cần đạt chất lượng cao hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Ngọc Mạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Lộc Bình cho biết: Tỷ lệ sinh con thứ ba là kết quả của tâm lý cần có con trai đã “sâu rễ bền gốc” trong đồng bào và do bà con chưa hiểu đúng về chính sách dân số. Tới đây, chúng tôi cũng cần xem xét và đổi mới công tác tuyên truyền, kết hợp với thực hiện tốt hơn nữa việc cung cấp dịch vụ hậu cần phương tiện tránh thai cũng như chăm sóc SKSS cho người dân.
Giảm chênh lệch giới tính khi sinh
Khi bình quân số con/phụ nữ xuống thấp và việc hạn chế sinh con thứ ba trở lên được thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau… thì nảy sinh tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh.
Từ năm 2010 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta tăng liên tục, từ 118/100 (118 bé trai/100 bé gái) năm 2014 lên 119/100 năm 2016 và hiện nay đang ở mức 121,6/100 – cao nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là một thách thức rất lớn đối với ngành dân số Lạng Sơn.
Để có thể đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức tự nhiên (khoảng 106/100) như Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII) đề ra, công tác tuyên truyền phải toàn diện hơn; tức là không chỉ chú trọng đến kế hoạch hóa (chỉ sinh 2 con) mà cần có thêm các nội dung trong nội hàm công tác dân số như: chất lượng dân số, giáo dục SKSS vị thành niên/thanh niên và mở rộng ra các lĩnh vực kinh tế – xã hội như: giảm nghèo đa chiều bền vững, bình đẳng giới, chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi… Trong đó, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các đề án, mô hình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh để mang lại hạnh phúc cho các gia đình.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện việc tầm soát các dị dạng, bệnh, dị tật bẩm sinh. Qua đó góp phần phát hiện được trẻ mang bệnh, tật, dị tật; hỗ trợ tích cực trong tuyên truyền nâng cao ý thức của các bà mẹ trong kiểm soát trước sinh và sơ sinh.
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh cho biết: Lĩnh hội những điểm mới trong chiến lược dân số, chi cục đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng Kế hoạch hành động truyền thông chuyển đổi hành vi dân số và phát triển giai đoạn 2016-2020 trình UBND tỉnh. Theo đó, công tác truyền thông sẽ có đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức, đối tượng nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.
MINH HỒNG
Ý kiến ()