Truyền thông dân số ở vùng sâu, vùng xa: Còn đó những khó khăn
(LSO) – Thời gian qua, mặc dù đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng công tác truyền thông dân số, nhất là ở vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, trung tâm dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã sáp nhập vào trung tâm y tế của các huyện, thành phố. Theo đó, sau khi sáp nhập, toàn tỉnh thống nhất mô hình trung tâm y tế gồm 5 phòng và 15 khoa, trong đó có phòng dân số. Đội ngũ cán bộ gồm 70 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các trung tâm, 226 người là cán bộ chuyên trách dân số – KHHGĐ làm việc tại xã, phường, thị trấn và khoảng 2.700 cộng tác viên dân số ở các thôn bản.
Tuy nhiên, trong chủ trương sáp nhập chung, các huyện, thành phố cũng đã trình tỉnh phê duyệt phương án sáp nhập các thôn, bản. Việc sáp nhập các thôn bản cũng như sắp xếp lại các vị trí việc làm của những cán bộ không chuyên trách đã góp phần giảm đầu mối công việc, trong đó có cộng tác viên dân số thôn bản.
Cộng tác viên dân số thôn Khuổi Nà, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia (đứng giữa) tuyên truyền về chính sách dân số cho phụ nữ trên địa bàn
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh cho biết: Đối với một tỉnh miền núi khó khăn như Lạng Sơn, truyền thông dân số nhằm mục tiêu giảm mức sinh vẫn là quan trọng. Vì vậy, thời gian qua, Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, phối hợp nhằm đưa một số mô hình vào trong hương ước của thôn bản, dòng họ để vận động người dân không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính thai nhi, không kết hôn cận huyết, tảo hôn… Muốn vậy, cần sự vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền của cán bộ dân số, các cộng viên dân số thôn bản. Thế nhưng, hiện nay, sau sáp nhập trung tâm và sáp nhập các thôn bản thì đội ngũ này cũng bị cắt giảm nhiều, ảnh hưởng nhất định đến công tác tuyên truyền.
Bà Lý Thị Thuần trước đây là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Sau khi sáp nhập thôn, giảm đầu mối chức danh cán bộ không chuyên, bà kiêm nhiệm công tác phụ nữ, y tế cộng đồng và vừa là cộng tác viên dân số của thôn Làng Bên. Bà Thuần cho biết: Sau sáp nhập, số hộ dân trong thôn tăng trong khi diện tích nhà văn hóa của 2 thôn lại cách xa nhau, dẫn đến việc huy động người dân tham gia họp đông đủ để tuyên truyền, truyền thông gặp khó khăn. Vì vậy, số cuộc tuyên truyền giảm đi nhiều so với trước đây.
Khó khăn này không chỉ của Hữu Liên mà nhiều xã khác của tỉnh đã thực hiện xong việc sáp nhập thôn bản cũng bị ảnh hưởng nhất định. Bởi số đầu mối giảm sẽ kéo theo số lượng cuộc tuyên truyền giảm theo. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, theo báo cáo của Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh, số cuộc tư vấn, tuyên truyền, họp nhóm đối tượng của cán bộ dân số, cộng tác viên toàn tỉnh đã giảm đáng kể. Cụ thể như: 6 tháng đầu năm 2019, cán bộ dân số, cộng tác viên dân số toàn tỉnh tư vấn được 21.850 lượt người (giảm 23.000 lượt người so với cùng kỳ năm 2018); thăm 5.820 hộ gia đình (giảm 134 hộ so với cùng kỳ năm 2018); họp nhóm đối tượng được 2.290 buổi (giảm 210 buổi so với cùng kỳ năm 2018).
Đáng chú ý, trong truyền thông dân số ở vùng sâu, vùng xa hiện nay, các sản phẩm truyền thông chưa đáp ứng nhu cầu phân nhỏ nhóm đối tượng, thiếu các sản phẩm dành riêng cho đồng bào dân tộc ít người như: tuyên truyền song ngữ, tuyên truyền thông qua hình ảnh, tranh ảnh, tờ rơi, tờ gấp có nội dung mô tả bằng hình ảnh, câu ngắn gọn, dễ hiểu… Hiện nay, nhiều chương trình truyền thông chỉ tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chưa quan tâm thích đáng tới lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, nam giới, người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và người có uy tín trong cộng đồng.
Để công tác truyền thông dân số – KHHGĐ nói chung, ở vùng sâu, xa của tỉnh nói riêng ngày càng hiệu quả thì cần có những giải pháp đồng bộ trong thời gian tới. Ông Nguyễn Quang Bằng cho biết thêm: Sau rất nhiều biến động về tổ chức, nhân sự thì nay đã cơ bản ổn định. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, cải thiện chất lượng, nội dung và hình thức truyền thông, lồng ghép chương trình dân số với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác. Cùng với đó phát huy hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu để có những sản phẩm truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, sản phẩm dành riêng cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()