Truyền hình vệ tinh: Chạy đua trước giờ bóng lăn
Cả hai nhà đài VTC và VSTV (liên doanh giữa VTV và Canal ) đều gấp rút tăng kênh, tăng nội dung, và đặc biệt là tung ra các đòn quyết định nhằm chiếm lĩnh thị phần truyền hình vệ tinh (DTH), nhất là trước một sự kiện nhạy cảm như World Cup.
Cuộc chiến giành giật thương hiệu số 1 về DTH
Một tuần trước khi World Cup 2010 bắt đầu khởi tranh, VTC tuyên bố thuê thêm kênh của vệ tinh ASIASAT 5, cho phép đài này phát sóng trên 100 kênh truyền hình, trong đó 30 kênh độ nét cao (HDTV), còn lại là 70 kênh độ nét tiêu chuẩn (SDTV). Và như vậy sau hơn 1 năm kể từ khi khánh thành trạm phát lên vệ tinh VINASAT 1, số lượng kênh truyền hình vệ tinh (DTH) của VTC đã được tăng từ 50 kênh (20 HDTV và 30 SDTV) lên 100 kênh.
Trong khi đó, VSTV – công ty liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tập đoàn truyền thông Pháp Canal với thương hiệu K cũng công bố lộ trình tăng kênh để thu hút lượng người xem nhiều hơn. Cuối tháng 5 vừa rồi, K tăng số kênh lên 70 kênh, và tại thời điểm đó K được mệnh danh là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ DTH có số lượng kênh nhiều nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, danh hiệu này đã bị VTC đoạt lại chỉ trong 15 ngày.
Không chịu thua kém, K tuyên bố sẽ nhanh chóng tăng lên 100 kênh từ giờ cho tới cuối năm 2010 để “bằng chị bằng em” với VTC. K cũng hướng tới việc đa dạng hóa nội dung truyền hình, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực thể thao và phim truyện. K cũng khai trương cửa hàng có tên K Store, nơi được cho là sẽ cung cấp những trải nghiệm chất lượng về các sản phẩm và dịch vụ của hãng này. K còn tuyên bố sẽ phát triển mô hình bán hàng đa dạng mà người dùng Việt Nam… chưa từng trải nghiệm bao giờ.
“Con bài” HDTV
Trong cuộc chạy đua DTH, truyền hình độ nét cao được coi như thứ vũ khí lợi hại mà các nhà đài sử dụng. Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ truyền hình tương tự (analog) tại Việt Nam được dự báo sẽ bị “khai tử” vào năm 2020 thì HDTV là sự phát triển tất yếu mà không chỉ riêng các đài truyền hình trong nước hướng tới.
Ở thời điểm hiện tại, VTC đang là nhà cung cấp dịch vụ HDTV qua vệ tinh duy nhất tại Việt Nam. Hãng này đang có 30 kênh HD, chủ yếu là của nước ngoài, chỉ có một số kênh HD do VTC tự sản xuất, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thời trang, thể thao, giải trí… Tuy nhiên, sự phong phú về mặt nội dung cũng như giá cả của loại hình dịch vụ này vẫn khá xa xỉ với phần đông người sử dụng.
Chi phí ban đầu lắp đặt dịch vụ HDTV khá cao. Chỉ tính riêng đầu thu và chảo vệ tinh cũng lên tới gần 5 triệu đồng. Còn thuê bao hàng tháng người dùng phải trả cũng lên đến gần 100 nghìn đồng, đắt gần gấp đôi so với dịch vụ SDTV cấp thấp. VTC bán kèm luôn cả thiết bị (đầu thu, chảo vệ tinh), và mức phí 100 nghìn đồng/tháng chỉ áp dụng cho năm đầu tiên với điều kiện người dùng phải mua thiết bị của VTC.
Trong khi đó, K hiện chưa cung cấp dịch vụ HDTV qua vệ tinh. Theo một nhân viên tại K Store thì dự kiến vào cuối năm nay nhà đài này sẽ giới thiệu khoảng 20 kênh HDTV dạng này. K cũng cho biết công ty này sẽ phân phối luôn đầu thu và chảo vệ tinh đi kèm, chứ người dùng không phải mua ngoài. Hiện giá cả thiết bị vẫn chưa được tiết lộ nhưng chắc chắn chúng sẽ không thể quá cao so với sản phẩm của VTC.
Là người đi sau trong lĩnh vực HDTV qua vệ tinh nên K sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nội dung. K cho biết các chương trình HDTV đều được mua bản quyền từ nước ngoài nên người dùng hoàn toàn yên tâm trong khi sử dụng.
Cũng liên quan tới vấn đề bản quyền truyền hình, VTC hiện được cho là đang sở hữu bản quyền phát sóng nhiều kênh truyền hình độ nét cao nổi tiếng thế giới như: ASN HD, Discovery HD, NGC Wild HD, NGC Advanture HD, Fox Crime HD, Fox channel HD, FX HD, Starworld HD, NHK HD, National Geographic HD…
Theo ông Lê Văn Khương, Phó Tổng Giám đốc VTC, thì trong thời gian tới công ty này sẽ tập trung đầu tư vào chất lượng nội dung, đặc biệt là việc Việt hóa các kênh truyền hình nước ngoài, tìm kiếm các chương trình hấp dẫn để phục vụ khán giả, và tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng các kênh truyền hình độ nét cao.
Thực tế cho thấy, người xem không thể bao quát tới 100 kênh truyền hình mà chỉ tập trung vào một số kênh ưa thích. Còn các nhà đài chắc chắn cũng không lấy việc tăng kênh làm thước đo để tôn thêm giá trị của mình. Việc mang lại cho người dùng những chương trình truyền hình chất lượng tốt nhất, hấp dẫn nhất được xem là mục tiêu cuối cùng mà các nhà đài hướng tới.
Ý kiến ()